Gặp anh Bộ đội Cụ Hồ với 'nụ cười hòa bình' giữa gian lao kháng chiến

Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ với nụ cười hiền hòa và cánh tay vẫy chào đồng bào đã trở thành biểu tượng bất khuất của người lính Việt Nam trong kháng chiến. Những bước chân dấn thân vào bom đạn và ánh mắt tràn đầy niềm tin đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc và nghệ thuật. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, phải sau 38 năm, anh bộ đội ấy mới lần đầu nhìn thấy tấm ảnh lịch sử của chính mình.

Ký ức một thời

Nhân vật anh bộ đội được nhắc đến trong bức ảnh là cựu chiến binh Nguyễn Quang Bích, sinh năm 1951, có 45 năm tuổi Đảng, trú tại Tổ dân phố Ninh Sơn, Thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Ông Bích sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở miền quê Chương Mỹ, trong giai đoạn đất nước chìm trong chiến tranh ác liệt. Gia đình ông lúc bấy giờ, có 2 anh trai tham gia quân đội, anh cả đã hy sinh trên chiến trường, nhưng ông vẫn quyết tâm tình nguyện nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.

 Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Quang Bích cùng đơn vị trên đường hành quân. Ảnh tư liệu/NVCC

Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Quang Bích cùng đơn vị trên đường hành quân. Ảnh tư liệu/NVCC

Năm 1972, khi ông đang học tại Trường Sư phạm 10+2 tỉnh Hà Tây thì biết tin tình hình chiến sự tại khu vực Vĩ tuyến 17 diễn biến phức tạp. Trước lời kêu gọi của Tổ quốc, ông cùng một số nam sinh viên trong lớp tình nguyện nhập ngũ vào Trung đoàn 12 huấn luyện quân tăng cường của Tỉnh đội Hà Tây. Sau khi nhập ngũ, ông và các tân binh được huấn luyện trong một tháng, sau đó được gửi đi đào tạo hạ sĩ quan. Tháng 11-1972, đơn vị của ông nhận lệnh báo động chiến đấu và được điều động vào thành cổ Quảng Trị.

Trên đường hành quân, chiến sĩ Nguyễn Quang Bích đi hàng đầu và đã vô tình lọt vào ống kính của phóng viên chiến trường. Bức ảnh đã ghi lại khoảnh khắc Nguyễn Quang Bích đang đi qua cánh đồng tại một làng quê, với bộ quân phục nhuốm màu thời gian và chiếc mũ cối đặc trưng của người lính thời ấy. Trong khung cảnh đó, ông tươi cười rạng rỡ, bàn tay giơ cao vẫy chào, như một lời khích lệ và động viên dành cho đồng bào. Những người dân hai bên đường, dù phải sống trong hoàn cảnh chiến tranh, vẫn đáp lại ông bằng những cái vẫy tay và ánh mắt chan chứa hy vọng. Đó là hình ảnh giản dị nhưng đầy sức sống, gợi nhắc chúng ta về mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân trong những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến.

Gặp lại chính mình sau 38 năm

Sau đó, ông vào chiến trường miền Nam, đóng quân ở Tây Ninh, chiến đấu cho đến khi đất nước thống nhất. Ông còn nhớ như in, ngày 30-4-1975, khi ông cùng đồng đội đang ở căn cứ địa rừng Tây Ninh thì nghe tin thắng trận. Niềm vui vỡ òa xen lẫn bao cảm xúc khó tả khiến ông và đồng đội không cầm được nước mắt. Sau khi đất nước thống nhất, tháng 9-1976, anh bộ đội Nguyễn Quang Bích phục viên và chuyển ngành về công tác tại Trường bổ túc Văn hóa huyện Chương Mỹ với vai trò là thầy giáo dạy toán.

 Cựu chiến binh Nguyễn Quang Bích với bức ảnh của mình được chụp năm 1972.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Bích với bức ảnh của mình được chụp năm 1972.

Ông Nguyễn Quang Bích chia sẻ những câu chuyện thời chiến cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Quang Bích chia sẻ những câu chuyện thời chiến cho thế hệ trẻ.

Suốt 38 năm, kể từ ngày bức ảnh được chụp, ông Bích không biết mình có một bức ảnh rất đẹp, được đăng báo và là tư liệu lưu trữ của nhiều cơ quan, đơn vị. Vào một buổi tối năm 2010, khi vợ ông, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, đang xem tivi, đã bất ngờ nhận ra hình ảnh của chồng trong chương trình giới thiệu triển lãm những bức ảnh đẹp nhất về đất nước và con người Thủ đô, do Đài Truyền hình Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khi nhìn thấy hình ảnh của chồng, bà reo lên: "Ông ơi, hình như ảnh ông khi hành quân được chiếu trên tivi đây này!". Nghe vậy, ông ngạc nhiên rồi tiến lại gần tivi để ngắm bức ảnh cho rõ.

Trước đây, ông Bích và bà Ngọc là bạn học chung lớp sư phạm. Dù chỉ còn một tháng nữa là kết thúc khóa học, nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Quang Bích đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc. Chính bởi vậy, nữ sinh viên sư phạm Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đem lòng cảm mến anh bộ đội Nguyễn Quang Bích bởi tinh thần dũng cảm. Bà Ngọc chia sẻ: “Tấm ảnh của anh Bích được chụp khi đang hành quân vào cuối năm 1972, khi đó, chúng tôi đang yêu nhau. Tết năm 1973, tôi đã nhìn thấy bức ảnh của anh được trưng bày tại vườn hoa Hà Đông và sau đó đăng trên báo Hà Tây nhân dịp Tết Dương lịch 1973. Tuy nhiên, từ đó về sau, thậm chí khi chúng tôi cưới nhau, tôi cũng đã quên mất bức ảnh của chồng, cho đến năm 2010 thấy hình ảnh anh trên ti vi”.

Ngay sáng hôm sau khi xem ti vi, vợ chồng ông Bích đã bắt xe buýt để tới xem triển lãm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khi nhìn thấy hình ảnh của mình 38 năm về trước, ông Bích đã không hỏi bồi hồi, xúc động về một thời đã qua. “Nhìn bức ảnh tại triển lãm, tôi như trở về tuổi đôi mươi, nhớ lại một thời hào hùng của dân tộc. Bức ảnh đã ghi lại khoảnh khắc khó quên trong cuộc đời, khi tôi và đồng đội đối mặt với muôn vàn gian khổ nhưng cũng tràn đầy niềm tin chiến thắng”, ông Bích nói, giọng nghẹn ngào.

Cuộc sống thường ngày của cựu chiến binh Nguyễn Quang Bích.

Cuộc sống thường ngày của cựu chiến binh Nguyễn Quang Bích.

Tại triển lãm, những ký ức về một thời chiến tranh ác liệt như sống dậy, nhiều người nhận ra ông là nhân vật chính trong bức ảnh đã tiến tới hỏi thăm và xin chụp hình kỷ niệm. Ông Bích không ngờ rằng, hình ảnh của mình lại có thể gây xúc động và tạo được sự kết nối đặc biệt với nhiều người đến thế, nhất là những người trẻ chưa từng trải qua thời chiến.

Mong rằng, những bức ảnh này sẽ giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về lịch sử, về sự hy sinh và cống hiến của cha ông để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc”, cựu chiến binh Nguyễn Quang Bích chia sẻ thêm.

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, năm 2012, sau khi nghỉ hưu, ông Bích đã tham gia Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi tại địa phương, tiếp tục đóng góp tích cực cho cộng đồng qua các hoạt động của hội. Ông thường xuyên chia sẻ những câu chuyện từ thời chiến với đoàn viên, thanh niên địa phương để khơi dậy tinh thần yêu nước và đoàn kết trong thế hệ trẻ.

Ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Chúc Sơn cho biết: “Gia đình ông Bích, bà Ngọc luôn chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nỗ lực lao động, nuôi dạy con cái trưởng thành, thành đạt. Đặc biệt, gia đình ông bà luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp vào các phong trào của địa phương, từ xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đến các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Gia đình ông Bích, bà Ngọc không chỉ gương mẫu trong lối sống mà còn là nguồn động viên, khích lệ cho cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, vững mạnh”.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Bích (thứ 2 từ phải sang) nhận huy hiệu 45 năm tuổi Đảng. Ảnh: NVCC

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Bích (thứ 2 từ phải sang) nhận huy hiệu 45 năm tuổi Đảng. Ảnh: NVCC

Cuộc gặp gỡ với anh Bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Quang Bích sau hàng chục năm chiến tranh lùi xa, mang đến cho chúng tôi một cảm giác ấm áp và biết ơn. Giờ đây, khi đứng giữa một Việt Nam hòa bình, bức ảnh năm xưa nhắc nhở chúng ta về sự hy sinh cao cả của những người lính như ông. Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân và chính mối liên kết đó đã làm nên sức mạnh của Quân đội nhân dân trong những năm tháng gian khó.

Bài, ảnh: MINH HẰNG - DIỆU HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/noi-nguoi-chien-si-tro-ve/gap-anh-bo-doi-cu-ho-voi-nu-cuoi-hoa-binh-giua-gian-lao-khang-chien-799766