Gập ghềnh đường tới hòa bình ở Colombia

Là một trong những tiến trình được dư luận thế giới quan tâm, nhất là sau 'cú huých' thỏa thuận hòa bình lịch sử đạt được với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) hồi tháng 11-2016, tiến trình thiết lập lại nền hòa bình bền vững tại Colombia tiếp tục đạt những bước tiến quan trọng mới.

Kể từ sau bản thỏa thuận hòa bình lịch sử đạt được vào cuối năm 2016, dù còn nhiều chông gai, song chặng đường chạm đến mục tiêu hòa bình của Chính phủ và người dân Colombia ngày càng được thu hẹp. Mới đây, Liên hợp quốc xác nhận các tay súng FARC đã giao nộp 30% số vũ khí, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng. Tổng thống Juan Manuel Santos gọi đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, thành quả của nỗ lực chuyển từ “đối đầu” sang “đối thoại” trong nhiều năm của cả Chính phủ Colombia lẫn FARC. Đại diện FARC Jorge Torres Victoria cũng nhấn mạnh cam kết giải giáp đúng hạn. Trong khi đó, Chính phủ Colombia tuyên bố hỗ trợ khoản tài chính trị giá 3,56 tỷ peso (tương đương 1,2 triệu USD), nhằm gây quỹ giúp FARC thành lập chính đảng hợp pháp ngay sau khi nhóm vũ trang này hoàn tất tiến trình giao nộp vũ khí. Dư luận đánh giá, mặc dù tương lai hòa bình còn bấp bênh, do vẫn xảy ra các vụ đụng độ nhỏ lẻ giữa quân đội Chính phủ và nhóm vũ trang, song hai bên có chung quan điểm đây là thời điểm chín muồi cho một nền hòa bình lâu dài.

Là cuộc nội chiến kéo dài nhất ở khu vực Mỹ Latinh, hơn 50 năm qua, các cuộc xung đột liên tục giữa lực lượng quân đội Chính phủ Colombia với các nhóm vũ trang du kích, như FARC hay lực lượng Quân đội giải phóng quốc gia (ELN), đã cướp đi sinh mạng của khoảng 230 nghìn người, khiến hàng triệu người dân Colombia mất nhà cửa, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế quốc gia. Việc FARC chấm dứt các vụ tiến công và hòa bình được thiết lập sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế Colombia, do hầu hết các mỏ dầu và khoáng sản của nước này nằm trong những khu vực có sự hiện diện của nhóm vũ trang. FARC cũng sẽ trở thành “đồng minh” của Chính phủ trong cuộc chiến chống nạn buôn lậu ma túy đang hoành hành, cũng như tham gia chính trường Colombia một cách hòa bình.

Bên cạnh đó, ELN, nhóm vũ trang du kích lớn thứ hai tại Colombia sau FARC, đã đồng ý tiếp tục ngồi vào bàn hòa đàm vòng hai với Chính quyền Bogota. Đầu tháng 6 vừa qua, tại Ecuador, hai bên đạt thỏa thuận thành lập Nhóm các nước hỗ trợ, đồng hành và hợp tác (GPAAC), gồm Đức, Hà Lan, Italy, Thụy Điển và Thụy Sĩ, đồng thời hoàn thành bộ quy chuẩn để định hướng quá trình hòa đàm. Song, giới chuyên gia nhận định, cuộc đàm phán giữa Chính phủ của Tổng thống Satos với ELN vừa thuận lợi, cũng vừa phức tạp. Thuận lợi bởi hai bên đều sẵn sàng buông súng để bắt tay đối thoại. Ngược lại, khó bởi ELN nhỏ hơn FARC, nhưng lại khác biệt trong tổ chức và cơ chế chỉ huy, theo hướng phi tập trung, giành quyền tự quyết sâu rộng cho các cấp tổ chức và đơn vị trực thuộc. Do đó, nhiều khả năng các cuộc hòa đàm với ELN sẽ nhạy cảm và dai dẳng hơn.

Nền hòa bình, ổn định của một quốc gia không đến từ một phía, mà các bên liên quan phải cùng nhượng bộ để tạo dựng môi trường ổn định chung. Hơn nửa thế kỷ “vật lộn” với cuộc nội chiến đã gây ra những hậu quả nặng nề cho đời sống xã hội và nền kinh tế Colombia. Dù tiến trình giải giáp và các cuộc đàm phán chưa ngã ngũ, song việc các bên tại Colombia đang nỗ lực cất tiếng nói chung đã chấm thêm những gam màu tươi sáng mới cho bức tranh hòa bình.

BẢO NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/33286802-gap-ghenh-duong-toi-hoa-binh-o-co-lom-bi-a.html