Gặp gia đình lão thành cách mạng trong những ngày thu lịch sử

Sinh thời, liệt sĩ Dương Văn Quang (tức Hội Cuôn) ở tại thôn Tràng An, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư). Cụ Dương Văn Quang là 1 trong 3 thanh niên ưu tú được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tổng Trường Yên, tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng vào tháng 10/1927. Chúng tôi tìm về ngôi nhà của cụ vào những ngày tháng Tám lịch sử. Người xưa không còn nữa, nhưng những ký ức về một người cha, người ông giàu lý tưởng cách mạng thì vẫn hiện hữu trong những kỷ vật để lại, những câu chuyện của lớp thế hệ con, cháu…

Ông Dương Minh Đức xem lại những kỷ vật của cha, ông. Ảnh: Minh Quang

Ông Dương Minh Đức xem lại những kỷ vật của cha, ông. Ảnh: Minh Quang

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Trường Yên, tập 1 (giai đoạn 1930-1970) khẳng định: sự ra đời của Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tổng Trường Yên (mà cụ Dương Văn Quang là 1 trong 3 hạt nhân đầu tiên) đã đánh dấu sự phát triển mới của phong trào yêu nước, phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương.

Cũng theo cuốn tài liệu này, từ năm 1929, phong trào cách mạng trong cả nước nói chung, Ninh Bình nói riêng phát triển mạnh. Lúc này, tinh thần yêu nước của quần chúng ở Trường Yên được khơi dậy và có dấu hiệu sẽ trở thành phong trào cách mạng, cần có sự lãnh đạo của một tổ chức Đảng. Trước yêu cầu đó, sau khi kiểm tra lại tổ chức chi bộ hội Việt Nam cách mạng thanh niên tổng Trường Yên và các hội viên của chi bộ này thấy đủ điều kiện tổ chức chi bộ Đảng, các đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Lương Văn Thăng tuyên bố kết nạp các hội viên chi bộ hội Việt Nam cách mạng thanh niên Trường Yên vào Đông Dương cộng sản Đảng và thành lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng Trường Yên, gồm ba đồng chí: Dương Văn Quang, Đặng Văn Từ, Nguyễn Hữu Trụ.

Sau khi được thành lập, chi bộ hoạt động rất tích cực trong điều kiện bí mật để phát triển ảnh hưởng và xác lập vai trò lãnh đạo của chi bộ với phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương.Nhiều hoạt động như: Tổ chức rải truyền đơn ở chợ Trường Yên tố cáo tội ác của giặc Pháp, cắm cờ búa liềm tại bến đò Trường Yên… qua đó, khích lệ tinh thần nhân dân địa phương đứng lên đấu tranh.

Hoảng sợ trước phong trào cách mạng, đế quốc Pháp mở một đợt khủng bố đàn áp dữ dội hòng dập tắt phong trào đấu tranh của quần chúng do Đảng lãnh đạo. Ngày 18 tháng 11 năm 1929, hai đồng chí Dương Văn Quang và Đặng Văn Từ bị địch bắt tại Trường Yên. Ngày 7 tháng 12 năm 1929, đồng chí Nguyễn Hữu Trụ bị địch bắt tại thị xã Thanh Hóa .

Ngày 24 tháng 1 năm 1930, tại Ninh Bình, tòa án đế quốc Pháp xử vụ án cộng sản gồm hơn 20 người, trong đó có các đồng chí Dương Văn Quang, Đặng Văn Từ, Nguyễn Hữu Trụ là đảng viên chi bộ Trường Yên về cái gọi là "tội phá rối trật tự an ninh quốc gia". Trước tòa án, các đồng chí đảng viên anh dũng nêu cao khí phách kiên cường bất khuất của người cộng sản, không khai sự hoạt động và những bí mật của Đảng và kịch liệt tố cáo lên án tội ác của đế quốc xâm lược… Cụ Dương Văn Quang đã giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng ở nhà tù Sơn La.

Nối chí cách mạng của cha, 4 trong số những người con của liệt sĩ Dương Văn Quang đều tích cực tham gia hoạt động cách mạng, trong đó có người con trai cả là Lão thành cách mạng Dương Văn Tấu. Khi còn tại thế, cụ Tấu ở trong ngôi nhà cũ mà liệt sĩ Dương Văn Quang từng ở. Cụ Tấu nay cũng không còn nữa. Trên mảnh đất xưa là ngôi nhà mới xây nhưng vẫn lưu giữ ắp đầy những kỷ vật rất ý nghĩa của những thế hệ trọn đời theo cách mạng. Ở nơi trang trọng nhất của gian nhà, có treo tấm bảng Tổ quốc ghi công của hai cha con liệt sĩ Dương Văn Quang và Dương Văn Phát; một bức ảnh cụ bà Nguyễn Thị Nhị (mẹ của Lão thành cách mạng Dương Văn Tấu) đi dự hội nghị những gia đình có công với cách mạng năm 1962 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì…

Tiếp chuyện chúng tôi là cụ bà Nguyễn Thị Quý, vợ cụ Tấu và là con dâu trưởng của cụ Dương Văn Quang. Ngót trăm tuổi, cuộc trò chuyện giữa cụ Quý với chúng tôi có nhiều khó khăn và đôi lúc phải nhờ tới cháu gái cụ phiên dịch. Dẫu vậy, trí nhớ của cụ vẫn còn rất minh mẫn. Cụ Quý bảo rằng cuộc đời của cụ giống như bao phụ nữ nông thôn vùng đồng bằng bắc bộ khác, quanh năm chỉ biết lam lũ làm lụng để nuôi đàn con thơ. Dẫu vậy, cụ Quý vẫn biết, chồng mình và các anh, chị em khác đều nối chí cách mạng từ cha chồng, tích cực tham gia hoạt động cách mạng nên cụ cũng thấy tự hào lắm.

"Tôi cũng phụ với chồng nấu ăn cho cán bộ, canh gác cho các cán bộ họp. Chồng tôi còn đi chở đò, chở các cán bộ qua sông… nhiều hoạt động lắm, nhưng để giữ bí mật, tôi không bao giờ dám hỏi. Chỉ cần biết rằng những việc làm ấy là vì cách mạng thì tôi luôn ủng hộ. Gia đình tôi đã nhường đất, nhường nhà đang ở làm cơ sở hoạt động cách mạng. Tôi sinh được 8 người con. Niềm hạnh phúc lớn nhất của người làm mẹ, đó là có những đứa con noi gương khí tiết của cha, ông, sẵn sàng lên đường phục vụ khi Tổ quốc cần. Thời hòa bình, các con, cháu, chắt không ngừng thi đua trong lao động, học tập và gặt hái được thành công nhất định trong từng lĩnh vực công tác"- cụ Quý nói.

Chúng tôi tiếp tục hành trình về thị trấn Thiên Tôn, để gặp gỡ người con trai cả của cụ Dương Văn Tấu, cháu nội của liệt sĩ Dương Văn Quang đó là ông Dương Minh Đức. Ông Đức là giáo viên về hưu. Trước khi trở thành giáo viên, ông Đức từng là một người lính, có những tháng năm chiến đấu anh dũng và bị thương ở chiến trường Quảng Trị với thương tật 37%. Ông Đức kể, năm ông tròn 18 tuổi, vừa tốt nghiệp lớp 12, khóa 10 của lớp chuyên trường Lương Văn Tụy và đang chuẩn bị nhập học khoa Vật Lý, trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 thì ông nhận được giấy báo nhập ngũ. Cũng như hàng trăm sinh viên khoa vật lý khác, ông Đức sẵn sàng gác bút nghiên để lên đường tòng quân cứu quốc.

"Bố tôi khi ấy đang công tác ở huyện Gia Khánh. Ngày tôi nhập ngũ, bố không nói gì nhiều, nhưng chỉ một cái siết tay thật chặt tôi cảm nhận được sự ấm áp của người cha, sự tin tưởng, gửi gắm như một người đồng chí. Cha tôi cho tôi xem một đồng tiền, được cha thay ông nội cất giữ cẩn thận từ nhiều năm. Đó là đồng tiền mà Tổng Bộ Việt Minh gửi tặng ngày 12/10/1946 để ghi công gia đình đã giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ bí mật"- ông Đức xúc động.

Sau này, được bố trao lại đồng tiền ý nghĩa ấy, ông Đức đã nâng niu, gìn giữ qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, của dòng chảy thời gian, để mỗi lần "soi" vào đều thấy rõ hơn trách nhiệm của thế hệ sau trong việc gìn giữ truyền thống cách mạng của gia đình mình. Ông Đức vốn là giáo viên giảng dạy môn Vật lý tại Trường THPT Hoa Lư A, hiện đã nghỉ hưu. Ông Đức bảo rằng, đứng trước bao thế hệ học sinh, ông không chỉ truyền dạy kiến thức, truyền lửa đam mê đối với môn học, mà còn chú trọng bồi đắp cho các em lòng nhiệt huyết, giáo dục cho các em ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với gia đình và xã hội.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gap-gia-dinh-lao-thanh-cach-mang-trong-nhung-ngay-thu-lich/d20210820095116964.htm