Gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sỹ nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam

Ngày 26/9, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Bern đã tổ chức buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sỹ nhân dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và Đại sứ Lê Linh Lan chụp ảnh lưu niệm cùng cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sỹ.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và Đại sứ Lê Linh Lan chụp ảnh lưu niệm cùng cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sỹ.

Buổi lễ được tiến hành trọng thể và ấm cúng trong khuôn viên Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva, với sự tham dự của nhiều đại diện các thế hệ cộng đồng người Việt sống và làm việc tại Thụy Sỹ và các cán bộ, nhân viên hai Cơ quan đại diện Việt Nam.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva đã ôn lại sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam cách đây 75 năm và những thành tựu tự hào của đất nước. Trong tâm trí và trái tim của người Việt dù ở bất cứ nơi đâu vẫn luôn tự hào, hân hoan đón Tết Độc lập thiêng liêng, ghi nhớ sâu sắc ngày lịch sử 2/9/1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ đó đến nay, hơn 3/4 thế kỷ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã vượt qua gian khổ, hy sinh trong cuộc đấu tranh oanh liệt giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và tiến tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng đất nước giàu mạnh, và xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Việt Nam đã trở thành người bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ, ASEAN, APEC, ASEM, Cộng đồng Pháp ngữ và các tổ chức quốc tế khác.

Năm nay, Việt Nam đã và đang làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, với nhiều hoạt động, sáng kiến ta chủ trì thúc đẩy và triển khai, trong khi kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 ở trong nước, nỗ lực hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài phòng chống dịch, tích cực tham gia hợp tác quốc tế ứng phó đại dịch Covid-19 trên thế giới.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Dù gặp thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19, Việt Nam duy trì được thứ hạng 42 trong số 131 nền kinh tế trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2020, đồng thời giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp và đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam tích cực tham gia hợp tác quốc tế phòng chống Covid-19, chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó Covid-19 nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng, giá phải chăng đối với vaccine và các công cụ ứng phó Covid-19.

Sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Trong khi nhiều quốc gia phải đối mặt với tăng trưởng âm do ảnh hưởng của đại dịch, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 2% trong nửa đầu năm 2020.

Chia sẻ với cộng đồng người Việt tại Thụy Sỹ, Đại sứ Lê Linh Lan cho biết, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sỹ những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc. Thụy Sỹ là một đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trưởng nhanh và ổn định, từ 1,5 tỷ CHF năm 2015 lên 3,6 tỷ CHF năm 2019.

Về đầu tư, hiện có gần 100 doanh nghiệp của Thụy Sỹ đầu tư, với tổng số vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, Thụy Sỹ đang là nhà đầu tư lớn thứ 6 của châu Âu tại Việt Nam, có thể kể đến những tên tuổi lớn như Nestlé, Novatis/Roche (dược phẩm), Holcim (xi măng), ABB (thiết bị điện, xây dựng trạm biến thế). Năm 2021 sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và cũng là năm kỷ niệm 30 năm chương trình hợp tác phát triển của Thụy Sỹ đối với Việt Nam.

Đại sứ Lê Linh Lan khẳng định, tại Thụy Sỹ, chúng ta thực sự hãnh diện và tự hào vì cộng đồng người Việt hội tụ nhiều nhà khoa học, doanh nhân và trí thức có uy tín làm việc trong các ngành và lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn như vật lý, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối….

Vừa qua, Đại sứ quán rất vui mừng được hỗ trợ Hội Chuyên gia trí thức ở Thụy Sỹ phát triển Dự án Vietsearch, dự án đầy tiềm năng đã đạt giải trong cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2019.

Đại sứ quán cũng đặc biệt ấn tượng trước những tình cảm ấm áp, liên hệ mật thiết của kiều bào tại Thụy Sỹ với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực hướng về quê hương như tham dự Xuân Quê hương, Trại hè thanh niên, tổ chức Ngày Hội Đoàn kết với Việt Nam hằng năm, luôn nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động từ thiện, nhân đạo chia sẻ khó khăn với đồng bào trong nước, với các nạn nhân chất độc màu da cam, thiên tại lũ lụt.

Đại sứ Lê Linh Lan phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Đại sứ Lê Linh Lan phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Hai nữ Đại sứ nhấn mạnh, chân thành cảm ơn cộng đồng người Việt Nam ở Thụy Sỹ đã hỗ trợ các hoạt động của Phái đoàn và Đại sứ quán qua nhiều thế hệ cán bộ, và bày tỏ vui mừng và tự hào về cộng đồng người Việt đã và đang hội nhập tốt, đóng góp cho xã hội Thụy Sỹ, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, liên hệ gắn bó, hướng về quê hương Việt Nam; đồng thời mong muốn cộng đồng người Việt tiếp tục chung tay đóng góp tình cảm, trí tuệ, vật chất cho quê hương Việt Nam để đưa đất nước ngày càng phát triển.

Những thành tựu của đất nước có sự đóng góp của kiều bào trên thế giới, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở Thụy Sỹ. Các cán bộ Đại sứ quán tại Bern và Phái đoàn Việt Nam tại Geneva sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy vai trò cầu nối, ủng hộ các hoạt động cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sỹ, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sỹ, các tổ chức quốc tế tại Geneva.

Tại buổi lễ, hai Đại sứ cũng trao đổi với cộng đồng người Việt tại Thụy Sỹ về hoạt động cộng đồng thời gian tới. Các đại biểu đã cùng xem bộ phim tài liệu tái hiện lại những mốc quan trọng trong 75 năm xây dựng, phát triển của Việt Nam và thưởng thức một số tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn của đại diện đại gia đình Đại sứ quán và Phái đoàn Việt Nam để kỷ niệm 75 năm Quốc khánh.

Mặc dù Geneva và nhiều bang của Thụy Sỹ bị ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, thật vui mừng bà con cộng đồng người Việt đều được an toàn, bảo đảm sức khỏe, đang phục hồi hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh chính quyền bang Geneva cũng như Liên bang Thụy Sỹ đã kiểm soát được Covid-19, truyền thống đón Tết Độc lập (Quốc khánh 2/9) của cộng đồng người Việt ở Thụy Sỹ cùng với Đại sứ quán và Phái đoàn Việt Nam được duy trì, bà con cộng đồng bày tỏ cảm ơn và vui mừng tham dự. Lễ kỷ niệm được diễn ra song hành với việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, giữ đủ khoảng cách và đeo khẩu trang.

Bà con cùng trao đổi về hoạt động của cộng đồng, ý tưởng mới trong hoạt động thời gian tới và thưởng thức ẩm thực Việt do các cán bộ, nhân viên hai Cơ quan đại diện Việt Nam giới thiệu. Tết Độc lập cũng là dịp để các thế hệ trẻ người Việt sinh sống ở Thụy Sỹ ôn lại sự kiện vĩ đại trong lịch sử đất nước, tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Cộng đồng người Việt tại Thụy Sỹ tuy không nhiều nhưng rất đoàn kết, giúp đỡ nhau. Hội thanh niên và Hội người Việt tại Thụy Sỹ, cùng với Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Sỹ và Hội trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sỹ phát triển tích cực, các anh chị em người Việt Nam ở Thụy Sỹ luôn có nhiều đóng góp cho xã hội sở tại và các tổ chức quốc tế đóng tại Geneva.

Là thế hệ bắt đầu đến Thụy Sỹ thời cuối thập niên 1950 với tư cách là sinh viên du học, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Thụy Sỹ cùng chồng là kiến trúc sư Huỳnh Tư Kinh chia sẻ, đến thập kỷ 1960 thì ở khu vực Geneva và Lausanne chỉ có khoảng 20 du học sinh Việt Nam, đa số theo học những trường Đại học hoặc Cao đẳng Bách khoa Thụy Sỹ. Hằng năm vào những dịp lễ hội truyền thống, các sinh viên thường tổ chức các buổi họp mặt, trò chuyện để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.

Những thập niên sau đó, người Việt vào Thụy Sỹ theo các diện khác nhau ngày một đông hơn và hiện đã có khoảng trên 8.000 Việt kiều là dân cư thường trú và phần đông số này đã nhập quốc tịch Thụy Sỹ. Tuy nhiên, con tim của những người Thụy Sỹ gốc Việt vẫn luôn đập cho mạch máu Việt Nam. "Cây có cội, nước có nguồn" xa quê càng lâu càng nhớ nhà biết bao. Không ai là không nghĩ đến nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình và những người Thụy Sỹ gốc Việt cũng không ngoại lệ.

Ông Huỳnh Tư Kinh hồi tưởng, thuở thơ ấu, ông sinh sống trong vùng chiến khu thường nghe Bác Hồ nhắn nhủ đồng bào "Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi". Sau mùa Thu lịch sử năm 1945, đất nước đã bước vào cuộc kháng chiến "trường kỳ" kéo dài hơn 30 năm.

Việc kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập là hoạt động đầy ý nghĩa. Ông Huỳnh Tư Kinh bày tỏ thực sự cảm ơn những nỗ lực của hai Cơ quan đại diện Việt Nam nói chung và của cá nhân Đại sứ Lê Linh Lan và Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt tại Thụy Sỹ có cơ hội gặp gỡ trong ngày rất quan trọng và đầy ý nghĩa trong lịch sử hiện đại Việt Nam.

QT

(theo Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gap-go-cong-dong-nguoi-viet-nam-tai-thuy-sy-nhan-ky-niem-75-nam-quoc-khanh-viet-nam-124797.html