Gặp gỡ Đại sứ văn hóa đọc
BPO - Tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2022, em Tạ Thị Vân Kiều, lớp 12C3, Trường THPT Phước Bình, TX. Phước Long đã lựa chọn cuốn sách “Tuổi trẻ không hối tiếc” để nói lên ước mơ phát triển bản thân, góp sức xây dựng quê hương. Như được trải lòng qua cuốn sách, Vân Kiều đã bộc lộ nghĩ suy của người trẻ về trách nhiệm của mình đối với đất nước. Bài thi của Vân Kiều đã đoạt giải khuyến khích và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải tại Thủ đô Hà Nội vào đầu tháng 12 vừa qua.
“Cuốn sách làm tôi thay đổi”
Quan niệm sống của Huyền Chip qua cuốn sách “Tuổi trẻ không hối tiếc” khiến độc giả phải suy nghĩ, quyết tâm xây dựng cho mình cuộc sống tự lập. Chính sự khao khát thành công khiến độc giả như Vân Kiều càng thêm nỗ lực, phấn đấu tới cùng cho ước mơ của mình. Mạnh mẽ quyết định bước ra ngoài xã hội để trải nghiệm cuộc sống muôn màu giúp bản thân thoát khỏi vùng an toàn và hình thành thói quen tốt. Đó là những điều mà Vân Kiều đã học được từ cuốn sách. Theo em, tương lai do các bạn quyết định. Chính vì thế, ngay bây giờ, bạn hãy xác định mục tiêu mà chiến đấu hết mình vì ước mơ sẽ không phụ lòng những ai nỗ lực.
“Tôi không chỉ là cô gái xách ba lô lên và đi. Tôi không chỉ là đứa con gái nhà nông. Tôi là tất cả những thứ đó và còn nhiều hơn nữa”. Đó là câu nói, phong cách sống của Huyền Chip. Những câu nói, câu chuyện của Huyền Chip đã khiến tôi thức tỉnh, tự ý thức được bản thân phải làm gì. Từ đó, tôi biết đặt mục tiêu, xây dựng kế hoạch cho hiện tại, tương lai. Tôi càng có động lực sống, "cháy" hết mình với những điều mong muốn.
Em Tạ Thị Vân Kiều
Vân Kiều chia sẻ, sau khi đọc cuốn sách “Tuổi trẻ không hối tiếc”, em đã lên kế hoạch phát triển bản thân. Em hiện tại là sẽ nỗ lực học tập thật tốt. Em không học giỏi toàn diện, chỉ là nắm vững kiến thức cơ bản của từng môn. Em nghĩ bất cứ ai cũng phải có kiến thức cơ bản và chỉ cần tỏa sáng ở một lĩnh vực nào đó. Em yêu thích và học tốt nhất môn Ngữ văn, bởi em thấy môn Văn mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống, hướng con người tới cái đẹp, giáo dục điều hay, lẽ phải... Khi tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm nay, em cũng không nghĩ bài thi của mình “đi xa” như vậy, chỉ cố gắng hoàn thành bài thi theo đúng khả năng.
Ước mơ trở thành luật sư
Khi nói về học trò của mình, cô Trần Hoài Phương, giáo viên dạy môn Văn, Trường THPT Phước Bình luôn lấp lánh niềm vui: Vân Kiều không trong đội tuyển học sinh giỏi Văn nhưng qua nhiều cuộc thi, em đều có giải. Năm ngoái, em đoạt giải khuyến khích cuộc thi Hành trình di sản tỉnh Bình Phước; năm nay đoạt giải nhất chia sẻ cảm tưởng và giải khuyến khích bài thi ấn tượng của cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cấp tỉnh… Bất ngờ nhất là tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc, Vân Kiều là 1 trong 3 học sinh của Bình Phước được vinh dự trao giải khuyến khích.
Vân Kiều mong muốn tương lai trở thành luật sư kinh tế. Đoạt giải khuyến khích ở cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm nay cũng là bước ngoặt giúp em có cơ sở thực hiện ước mơ. Em chia sẻ sẽ nắm bắt cơ hội này để từng bước cố gắng phát triển bản thân, từ đó có cơ hội đóng góp cho đất nước. Vân Kiều nói: Do lúc trước mẹ thích em theo ngành luật nên mẹ định hướng cho em từ lớp 6. Lớn lên, em thường xem video clip về tranh luận các vấn đề trong kinh doanh và bị cuốn hút. Bản thân em cũng yêu thích môn Văn nên em chọn ngành luật kinh tế làm mục tiêu phấn đấu nghề nghiệp.
Là một trong những hoạt động triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Vụ Thư viện) tổ chức đã trở thành thương hiệu cho hoạt động khuyến đọc. Thí sinh đoạt giải toàn quốc như Tạ Thị Vân Kiều thực sự là những đại sứ xuất sắc trong số 1.364 thí sinh vào vòng chung khảo trên tổng hơn 1,2 triệu thí sinh dự thi tại gần 7.800 trường học, cơ sở đào tạo trong cả nước.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/139498/gap-go-dai-su-van-hoa-doc