Gặp gỡ 'nàng thơ nhạc Pháp thế hệ mới'
Thùy Dung kể 'hồi mới đi hát, phải hát 2-3 bài, tôi mới đủ can đảm giao lưu với khán giả, nhưng hiện tại đã cởi mở và trò chuyện nhiều hơn'.
Trong buổi trò chuyện, nữ ca sĩ Thùy Dung chia sẻ về trăn trở của bản thân về dòng nhạc mình đang theo đuổi cũng như những dự định trong tương lai.
Nhiều trăn trở khi hát nhạc Pháp
“Tôi thích âm nhạc của Thùy Dung vì lối hát tự nhiên, cảm xúc và chân thành”. Có người nhận xét, âm nhạc của bạn mang đến nguồn năng lượng tích cực, khiến họ lạc quan và yêu đời hơn. Có phải đây là tính cách ngoài đời của bạn?
Cảm ơn vì những lời khen tặng của chị khi nhạc Pháp chưa phải dòng nhạc được lan rộng đại chúng như những dòng nhạc khác hay đủ thuyết phục để bất kỳ ai cũng có thể tìm kiếm.
Tính cách của Dung có chút rụt rè vì ít khi xuất hiện trước đám đông, ngoại trừ khi biểu diễn, Dung đang cố gắng sửa đổi để bản thân cởi mở hơn, giống như việc nỗ lực bước ra khỏi khỏi cái kén của chính mình. Như hôm nay Dung gặp chị, cũng là một sự thay đổi của bản thân.
Cơ duyên nào đưa bạn đến với nhạc Pháp và gắn bó với nó?
Thùy Dung xuất thân ở Học viện âm nhạc Huế với chuyên môn là dòng nhạc cổ điển và cũng đã thử qua rất nhiều dòng nhạc như của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, hay thậm chí là nhạc trẻ, thính phòng, dân ca…
Trong năm thứ 2, Dung bắt đầu đi hát phòng trà và một lần tình cờ được nghe bài nhạc Pháp “Tuyết rơi”, Dung thấy rất thích và quyết định tìm hiểu về dòng nhạc này nhiều hơn.
Ban đầu, vì chưa biết tiếng Pháp nên Dung có nhờ các cô giáo bên trường Pháp phiên âm để tập hát thử, nhưng càng về sau, những giai điệu ấy dung hòa và trở thành một phần quan trọng trong con người mình. Tính đến nay, cũng đã có hơn 10 năm được gắn bó với dòng nhạc này.
Nhìn lại quãng thời gian gắn bó với dòng nhạc Pháp, Thùy Dung thấy là mình thực sự phù hợp bởi chất giọng hơi mảnh và nhẹ, hát nhạc trẻ thì chỉ dừng được ở một vài ca khúc thôi, không thể hát đa dạng. Hay khi hát nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Dung cũng chưa thể hiện hết cái “hồn” của bản nhạc, nhưng với nhạc Pháp lại cảm thấy vừa chất giọng, con người, tâm hồn, nhẹ nhàng.
10 năm theo nghề và trung thành với nhạc Pháp, cũng không quá lạ khi Thùy Dung được khán giả ưu ái với danh xưng “nàng thơ nhạc Pháp thế hệ mới”. Bạn có áp lực về điều này?
Khi Thùy Dung hát, mọi người cũng hay nhắc đến cô Ngọc Lan và nói Dung có nét giống cô, thậm chí, lượng khán giả hiện tại mà Thùy Dung có được cũng là một phần từ cô Ngọc Lan, Dung cảm thấy vui vì khán giả yêu mến và đón nhận. Với sự so sánh này cùng danh xưng nói trên thì bản thân Dung phải nỗ lực để xứng đáng hơn với tình cảm mà quý khán giả dành cho mình.
Dường như với Dung mọi chuyện từ âm nhạc, cuộc sống đều diễn ra một cách nhẹ nhàng, bình lặng. Liệu rằng, có điều gì từng khiến bạn phải trăn trở?
Cảm ơn câu hỏi rất hay! Thùy Dung cũng có nhiều trăn trở khi theo đuổi nhạc Pháp, vì có nhiều ca khúc quen thuộc được mình trình diễn từ chương trình này qua sự kiện khác. Ví dụ như khán giả của Dung, họ đến 2-3 buổi diễn của mình và đã được nghe những bản nhạc đó rồi, nhưng còn những khán giả mới thì họ chưa được thưởng thức lần nào.
Dung nghĩ rằng, đây cũng là điểm chung của các ca sĩ, tuy nhiên, vấn đề quan trọng mình làm sao để bản nhạc luôn mới với khán giả, nhưng mới một cách hiệu quả sẽ là thử thách, vì khán giả yêu mến dòng nhạc này thì những bản nhạc đã đi sâu vào tiềm thức và có kỷ niệm của họ - đó là điều Dung trăn trở nhiều nhất. Rất mong có nhiều khán giả ủng hộ và đón nhận.
Một số người cho rằng “dòng nhạc này kén người nghe” vậy liệu thu nhập từ việc nhận show đi hát có đủ để bạn trang trải cuộc sống?
Dung nhận thấy ở một góc độ nào đó thì có thể dùng từ “phù hợp” để miêu tả chính xác hoàn cảnh mình, có thể là cần tìm kiếm những sự kiện, chương trình hay không gian biểu diễn phù hợp, hợp tác với các ban nhạc chuyên dòng nhạc này, đặc biệt là phục vụ các khán giả phù hợp như người biết tiếng Pháp, người từng có thời gian học tập, làm việc tại Pháp hoặc đơn giản là những vị khán giả yêu mến giai điệu của các bản nhạc Pháp hay yêu mến văn hóa Pháp và hầu hết các bản nhạc Thùy Dung đều trình diễn cả song ngữ Pháp - Việt nên phần truyền tải lời sẽ khiến khán giả thấy dễ hiểu, gần gũi hơn.
Bản thân Dung là người biết đủ, chi tiêu hợp lý nên cuộc sống dễ chịu. Thu nhập của Dung đa phần đều đầu tư ngược lại cho âm nhạc để ra sản phẩm, ra bản nhạc phục vụ cho khán giả và cho đam mê của chính mình.
Không biết làm gì nếu không đi hát
Dù được đón nhận, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, “Thùy Dung an toàn”, “Thùy Dung cần bứt phá hơn trong âm nhạc”…?
Thùy Dung từng nghe những ý kiến như vậy, bản thân Dung biết ơn và xin tiếp nhận những lời nhận xét, góp ý để nhìn lại bản thân từ đó có những thay đổi, đầu tư công sức và cả vật chất cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Vẫn còn rất nhiều bản nhạc mà Dung chưa hát, còn nhiều điều mà Dung muốn gửi đến cho khán giả mà bản thân chưa làm được.
Thời gian tới Dung sẽ trau dồi kỹ thuật thanh nhạc, kỹ năng biểu diễn, đầu tư những MV chất lượng để được khán giả biết đến nhiều hơn.
Với Dung, sự nổi tiếng có thật sự quan trọng?
Khi mới bắt đầu, Dung không mưu cầu sự nổi tiếng mà chỉ hát vì đam mê. Dung muốn cho khán giả được nhìn thấy những gì mới mẻ, cảm nhận một làn gió mới. Đó là lý do tất cả các bản nhạc Dung mang đến trên sân khấu đều là mang hơi thở, phối mới nhưng vẫn giữ được “linh hồn” vốn có.
Sau đó Thùy Dung có ước mong thành công trong những đêm nhạc bán vé. Vì làm được điều này thì khán giả đã công nhận công sức của mình và tiếng hát của Dung đang dần đến với nhiều người hơn từ đó đến mua vé để xem mình biểu diễn.
Hai năm nay, Dung đã làm những show nhạc bán vé, trung bình khoảng 2-3 tháng sẽ làm một show, may mắn được khán đón nhận và điều này Dung xem là thành quả xứng đáng cho mình. Vào ngày 7/1 tới, Dung sẽ có một đêm nhạc ở TP HCM, cũng là món quà gửi tặng quý khán giả trước thềm năm mới, mong quý vị đón nhận.
Nhìn lại hành trình 10 năm đi hát, có điều gì bạn cảm thấy hài lòng và điều gì muốn làm tốt hơn?
Nếu được chọn lại, có lẽ Thùy Dung sẽ chăm học tiếng Pháp hơn để bổ trợ cho dòng nhạc của mình (Cười).
Từ bé Dung đã muốn đi hát và làm ca sĩ thì ý định đó chưa bao giờ thay đổi. Cũng chưa bao giờ Dung có suy nghĩ là sau này mình sẽ ngừng hát, rời xa sân khấu để làm một công việc khác. Thế nên, khi nhìn lại, Dung không có gì phải nuối tiếc vì luôn sống hết mình với đam mê. Tuy nhiên, thời gian tới đây, Dung sẽ học thêm cách trình diễn, giao tiếp… để hỗ trợ phần trình diễn, cũng như giao lưu với khán giả.
Thời gian đầu khi đi hát, Dung giao tiếp còn hạn chế, lên sân khấu chỉ biết hỏi: “Tối nay, quý vị muốn Dung hát bài gì?”, rồi đến khi có các tình huống tương tác khéo léo với khán giả thì Dung chưa xử lý tốt. Về sau, khán giả yêu thương, có nhắn tin riêng góp ý chân tình với Dung.
Dung xin kể một kỷ niệm vui: Trong một đêm diễn tại phòng trà ở TP HCM, Thùy Dung soạn 16 bài và hát một mạch quên cả uống nước nhưng khi đến bài cuối cùng thì đồng hồ mới chỉ điểm 21h30, nhưng đêm nhạc thì 22h mới kết thúc, lúc đó Dung run lắm, nhưng được khán giả yêu mến thông cảm. Sau đó Dung rút kinh nghiệm là soạn sẵn nội dung cho mình lên giới thiệu bài hát rồi mới trình bày ca khúc đó.
Giờ Thùy Dung cũng quen hơn với sân khấu, với khán giả nên cởi mở hơn.
Trong cuộc trò chuyện, Dung nhắc nhiều tới âm nhạc, khán giả. Tò mò không biết, cuộc sống đời thường của bạn ra sao?
Thùy Dung sống khép kín nên đi hát xong là về nhà. Chuyện đời sống cá nhân Dung xin được phép giữ riêng cho bản thân, Thùy Dung muốn khán giả được tập trung hơn vào các sản phẩm âm nhạc của mình.
Thùy Dung có thể chia sẻ nhiều hơn dự định sắp tới về con đường âm nhạc?
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, Thùy Dung đang học cách nắm bắt các cơ hội đến với mình và hợp tác với nhiều ca - nhạc sĩ, ra nhiều sản phẩm, sẽ đến những điểm diễn xa hơn, có thể là nước ngoài.
Vì vốn nhạc Pháp hạn chế độ viral (lan tỏa) nên Thùy Dung tìm cách đưa những bản nhạc quen thuộc như “Búp bê không tình yêu”, “Em đẹp nhất đêm nay”… phối lại cho gần gũi, xin tác quyền những ca khúc nhạc trẻ để hát lại tiếng Pháp với mong muốn hòa nhập vào dòng chảy âm nhạc chung.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/gap-go-nang-tho-nhac-phap-the-he-moi-post461959.html