Gặp gỡ ngày đầu xuân: Các điển hình trong lao động sáng tạo

Trong không khí đón xuân mới Nhâm Dần 2022, chúng tôi có dịp gặp gỡ những gương mặt trí thức tiêu biểu, điển hình trong lao động sáng tạo, cống hiến sức lực, trí tuệ vào sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà.

Thầy giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc

Thầy giáo Lò Văn Hơn hướng dẫn học sinh học bài.

Thầy giáo Lò Văn Hơn hướng dẫn học sinh học bài.

Với hơn 10 năm gắn bó, công tác tại Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Sam Kha, huyện Sốp Cộp, thầy giáo Lò Văn Hơn luôn say mê với nghề và có nhiều sáng kiến nâng cao chất lượng dạy và học. Là giáo viên dạy môn âm nhạc, với sáng kiến “Sử dụng xen lẫn tiếng dân tộc Mông trong quá trình giảng dạy bộ môn âm nhạc”. Thầy giáo đã dịch các từ khó, từ chuyên môn trong bài giảng, Slide trình chiếu và các bài hát sang tiếng Mông, giúp các em dễ hiểu, khơi gợi hứng thú học tập, giúp tỷ lệ học sinh hoàn thành môn học này tăng từ 60% lên 100%. Hiện nay, giáo viên trong trường tích cực áp dụng sáng kiến này vào giảng dạy môn học của mình. Ngoài ra, với vai trò là Tổng phụ trách Đội của trường, thầy đã tạo ra nhiều sân chơi, giáo dục kỹ năng sống cho học trò. Thầy cùng học sinh bán trú triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” bằng việc trồng rau sạch bán cho nhà bếp của trường, mỗi năm thu gần 18 triệu đồng. Hàng năm, cùng Liên đội nhà trường, thầy đã kết nối các đoàn thiện nguyện, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng và duy trì sĩ số học sinh lớp 1 đạt 100%. Thầy Hơn được vinh danh là “Giáo viên trẻ tiêu biểu cấp Trung ương” năm 2020; Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy, cô” năm 2021 nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Thầy thuốc có nhiều sáng tạo

Thạc sỹ, bác sỹ Đinh Khắc Trường phẫu thuật cho bệnh nhân.

Thạc sỹ, bác sỹ Đinh Khắc Trường phẫu thuật cho bệnh nhân.

Thạc sỹ, bác sỹ Đinh Khắc Trường, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn được đồng nghiệp đánh giá cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đặc biệt, anh còn được biết đến là người luôn đam mê sáng tạo, nghiên cứu giải pháp khoa học kỹ thuật mới trong điều trị, góp phần cứu chữa người bệnh. Giải pháp “Ứng dụng phẫu thuật nội soi một lỗ trong điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em” của Bác sỹ Trường, khi áp dụng vào điều trị đã làm giảm tỷ lệ tai biến, biến chứng và các nhược điểm do mổ mở; thời gian phẫu thuật mất 5 - 25 phút; sau phẫu thuật 24 giờ là bệnh nhân có thể phục hồi sinh hoạt cá nhân và sau 1 ngày có thể ra viện, giảm chi phí điều trị 5 triệu đồng/bệnh nhân. Giải pháp được Hội đồng khoa học của ngành Y xếp loại xuất sắc và được báo cáo tại Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi toàn quốc. Đến nay, giải pháp đã được chuyển giao cho các bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Sốp Cộp, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Giải pháp này đoạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2020 và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2021.

Nhà Khoa học của nhà nông

Thạc sỹ Vũ Minh Toàn (Ngoài cùng bên trái) tại buổi Hội thảo đầu bờ mô hình thâm canh lúa hàng rộng hàng hẹp tại thành phố Sơn La.

Thạc sỹ Vũ Minh Toàn, Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Cao đẳng Sơn La là chủ nhiệm của nhiều đề tài, sáng kiến đã và đang được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, giúp người nông dân nâng cao thu nhập. Điển hình là Đề tài “Xây dựng mô hình thâm canh lúa ứng dụng phương pháp cấy hàng rộng, hàng hẹp tại Sơn La” được triển khai từ cuối năm 2019 đến tháng 8/2020 tại phường Chiềng Sinh, xã Chiềng Ngần (Thành phố) và xã Mường Khiêng (Thuận Châu). Khi áp dụng giải pháp này, chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc giảm từ 35-40% so với phương pháp cấy lúa và chăm bón lúa truyền thống. Lúa sinh trưởng và phát triển tốt hơn, tỷ lệ đẻ nhánh cao nhờ vào hiệu ứng hàng biên, cây được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hơn, tỷ lệ sâu bệnh giảm. Năng suất đạt trung bình 72 tạ/ha tăng đối chứng ở phương pháp trồng lúa truyền thống của người dân chỉ đạt 54 tạ/ha và phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI là 57,9 tạ/ha. Hiện, phương pháp này đã được chuyển giao tới nông dân trồng lúa khu vực thành phố Sơn La. Năm 2020, anh Toàn đã vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là “Nhà khoa học của nhà nông”.

Những nhà sáng chế tương lai

Các em Phạm Bảo Ngọc, Vương Hiểu Minh, Trần Bảo Châu tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 5, năm 2021.

Các em Phạm Bảo Ngọc, Vương Hiểu Minh, Trần Bảo Châu tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 5, năm 2021.

Ngày 25/11/2021, các em: Phạm Bảo Ngọc, Vương Hiểu Minh, Trần Bảo Châu, học sinh lớp 6A4, Trường Tiểu học và THCS 8/4 (Mộc Châu) đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17, với sản phẩm “Lan can thông minh”. Sản phẩm được tạo thành từ các linh kiện điện tử sẵn có trên thị trường, như bo mạch chủ Ardruino, động cơ DC 12V..., sử dụng cảm biến vật cản bằng hồng ngoại để điều khiển có khả năng tự động nâng, hạ độ cao hoặc có thể điều khiển chủ động, dễ dàng bằng nút bấm. Khi có người hoặc vật thể di động tới khu vực lan can với một khoảng cách nhất định, tấm lan can kép sẽ tự động nâng lên hoặc hạ xuống. Lan can thông minh giúp đảm bảo an toàn cho người sinh sống ở những tòa nhà cao tầng, nhất là bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ, lan can được đưa vào sản xuất, sử dụng sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn. Với sự đam mê nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, các em sẽ có những sáng tạo và thêm nhiều những công trình, sản phẩm khoa học có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, trở thành những nhà sáng chế trong tương lai.

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/gap-go-ngay-dau-xuan-cac-dien-hinh-trong-lao-dong-sang-tao-47531