Gặp gỡ nông dân Việt Nam xuất sắc Ngô Thị Tâm

Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, mỗi năm, gia đình chị Ngô Thị Tâm (xã Liên Châu, Yên Lạc) thu về khoản lợi nhuận hàng tỷ đồng từ mô hình chăn nuôi tổng hợp. Với những nỗ lực đó, mới đây, chị Tâm vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Đây là phần thưởng, động lực to lớn để chị tiếp tục hoàn thành mục tiêu mới, phát triển kinh tế gia đình và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.

Với những thành tích đạt được, chị Ngô Thị Tâm vinh dự trở thành 1 trong 100 nông dân cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Với những thành tích đạt được, chị Ngô Thị Tâm vinh dự trở thành 1 trong 100 nông dân cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Dẫn chúng tôi thăm trang trại tổng hợp dưới những bóng cây râm mát rộng hơn 12 ha, chị Tâm chia sẻ về quá trình bắt tay khởi nghiệp chăn nuôi của mình. Chị kể, năm 2012, với số tiền dành dụm được sau 8 năm đi xuất khẩu lao động tại Liên bang Nga, nhận thấy địa phương có quỹ đất rộng lớn, chị quyết tâm thuê lại, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi với gần 1000 con lợn và hơn 50 con bò thịt, bò sữa.

Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng. Sau hơn 2 năm nuôi bò, do chưa có kinh nghiệm nên đàn bò thường hay mắc bệnh, sản lượng sữa không đạt yêu cầu, chị Tâm đành ngậm ngùi bán lỗ, chuyển hướng sang nuôi gà công nghiệp.

Rút kinh nghiệm từ thất bại trong quá trình nuôi bò, lần này, chị Tâm dành nhiều công sức đi tìm hiểu, tham quan học tập các mô hình trang trại điển hình trong, ngoài tỉnh và quyết định không làm theo cách truyền thống mà hướng tới phát triển mô hình chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, có sự liên kết “4 nhà” để có đầu ra thuận lợi, doanh thu ổn định.

Tuy nhiên, sau khi chứng kiến cuộc bão rớt giá lợn diễn ra trầm trọng trên cả nước các năm 2016, 2017, chị Tâm chọn hướng chăn nuôi gia công. "Chăn nuôi gia công mặc dù lãi ít hơn nhưng hướng đi này rất bền vững, tránh được rủi ro vì đã có DN bao tiêu sản phẩm".

Theo đó, từ năm 2018 đến nay, chị Tâm nhận nuôi gia công gà, lợn cho Công ty cám Dabaco và đầu tư xây dựng chuồng trại khoa học, bài bản hơn. Không chỉ nằm xa khu dân cư, hệ thống chuồng trại được chị thiết kế xây dựng thành từng khu riêng biệt, đúng quy chuẩn kỹ thuật, trang bị hệ thống quạt thông gió, mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông.

Đặc biệt, khâu phòng dịch luôn được đặt lên hàng đầu, trang trại luôn tuân thủ nội quy "nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cùng với kiểm soát chặt chẽ người và vật lạ ra vào khu vực chăn nuôi để tránh mầm bệnh xâm nhập, con giống được nhập về trang trại phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng và có giấy chứng nhận kiểm dịch của các cơ quan thú y.

Trong trang trại có khu quản lý lợn mới đưa vào và khu chuồng quản lý lợn dịch bệnh do các nhóm công nhân quản lý riêng, không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng.

Toàn bộ nguyên liệu, thức ăn nhập về từ đơn vị cung cấp luôn được công nhân của trang trại thực hiện sát trùng, khử khuẩn trước khi đưa vào kho của trại. Chất thải chăn nuôi được đưa về khu bể chứa tập trung để xử lý, ép thành phân hữu cơ để đảm bảo không còn mùi. Ngoài việc thực hiện phun khử trùng chuồng nuôi theo định kỳ 2 tuần/lần, trại thường xuyên thay đổi loại thuốc sát trùng nhằm tăng hiệu quả diệt khuẩn, mầm bệnh.

Xung quanh trang trại được chị Tâm trồng phủ kín bằng những hàng cây đu đủ, chuối, ngô và cả cỏ voi. Cách làm này không chỉ giúp bổ sung thêm nguồn chất xơ trong khẩu phần ăn cho các loại vật nuôi của trang trại, tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi mà còn giúp gia đình chị Tâm có thêm một khoản thu không nhỏ từ việc “lấy ngắn, nuôi dài” kết hợp chăn nuôi với trồng trọt.

Nhờ hướng đi đúng, làm tốt công tác phòng dịch đàn lợn, đàn gà trong trang trại gia đình chị Tâm mau lớn, ít bị dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, trang trại luôn có trên 3.500 con gà, hàng nghìn con lợn, tạo việc làm thường xuyên cho 16 - 18 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

2 năm gần đây (2020 - 2021), khi mà doanh thu của hầu hết các ngành nghề đều chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, song, doanh thu của trang trại gia đình chị Tâm vẫn lãi trên 2 tỷ đồng và dự kiến, với giá bán các sản phẩm thịt lợn, gà, trứng tăng cao trong năm nay sẽ cho doanh thu (sau khi trừ mọi chi phí) đạt khoảng 2,4 tỷ đồng.

Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân, chị Tâm còn thường xuyên phổ biến những kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con nông dân tại địa phương và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động nhân đạo, từ thiện và ủng hộ các phong trào phát động ở địa phương.

Từ sự hỗ trợ thiết thực về vốn, con giống và kinh nghiệm của chị, trong Hội Nông dân xã đã có thêm 4 hội viên xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, 2 hộ thoát nghèo.

Nhờ có những thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, chị Tâm đã nhận nhiều giấy khen, Bằng khen từ các cấp chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh đến Trung ương.

Đặc biệt, mới đây, chị đã vinh dự trở thành 1 trong 100 nông dân cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, chị Tâm cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một trang trại trên diện tích 7.000 m2 đã mua để mở rộng quy mô chăn nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học mới, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc phát triển KT-XH tại địa phương.

Bài, ảnh: Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/83330/gap-go-nong-dan-viet-nam-xuat-sac-ngo-thi-tam.html