Gặp Mỹ ở Alaska: Bắc Kinh nhắm đến 'di sản' của ông Trump

Theo nguồn tin, các quan chức Trung Quốc có kế hoạch gây sức ép với Washington nhằm đảo ngược nhiều chính sách nhắm vào nước này dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Trong cuộc gặp sắp tới giữa quan chức cấp cao hai nước Mỹ, Trung Quốc ở bang Alaska, Bắc Kinh có kế hoạch sẽ gây sức ép với Washington nhằm đảo ngược nhiều chính sách nhắm vào nước này được đưa ra dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump. Thông tin này được nhật báo The Wall Street Journal (WSJ) ngày 17-3 dẫn từ các nguồn am hiểu về kế hoạch của Trung Quốc.

Ngày 18-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì của Trung Quốc tại TP Anchorage, bang Alaska.

Bốn quan chức cấp cao Mỹ, Trung sẽ gặp nhau tại bang Alaska. Ảnh: AP/REUTERS/GETTY IMAGES

Bốn quan chức cấp cao Mỹ, Trung sẽ gặp nhau tại bang Alaska. Ảnh: AP/REUTERS/GETTY IMAGES

Về phía Mỹ, cuộc họp sắp tới sẽ là dịp để Washington trình bày thẳng thắn các vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc, từ vấn đề nhân quyền tại Hong Kong, sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc tại Biển Đông, sức ép kinh tế đối với các đồng minh của Mỹ đến vi phạm quyền vấn đề sở hữu trí tuệ và xâm phạm an ninh mạng.

Mỹ được cho là cũng sẽ “đánh tiếng” với các quan chức Trung Quốc về cách hai nước có thể làm việc cùng nhau trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề, Trung Quốc sẽ đưa ra một chương trình nghị sự khác ít trùng lặp với Washington, một dấu hiệu cho thấy khoảng cách tồn tại giữa hai bên, cũng như sự khó khăn trong việc sửa chữa mối quan hệ song phương này.

Đảo ngược các biện pháp trừng phạt của ông Trump

Theo các nguồn tin, các quan chức cấp cao Trung Quốc được cho là sẽ thúc giục phía Mỹ bỏ các lệnh trừng phạt và hạn chế đối với các thực thể và cá nhân Trung Quốc mà chính quyền tiền nhiệm đưa ra.

Theo đó, các biện pháp trừng phạt dưới thời ông Trump mà Bắc Kinh muốn đảo ngược gồm: các hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc như Tập đoàn công nghệ Huawei hay nhà sản xuất chip SMIC; hạn chế thị thực đối với các đảng viên, sinh viên Trung Quốc và các nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc; quyết định đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Houston, bang Texas.

Đáp lại, Bắc Kinh cũng đã đưa ra các động thái tương tự nhằm vào các thực thể và cá nhân Mỹ.

Từ trái qua: Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một phiên họp ở Nhà Trắng hồi tháng 2. Ảnh: REUTERS

Từ trái qua: Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một phiên họp ở Nhà Trắng hồi tháng 2. Ảnh: REUTERS

Theo các nguồn tin, nếu những hạn chế trên được dỡ bỏ hoặc nới lỏng, Trung Quốc sẽ xem xét loại bỏ các biện pháp đáp trả đối với Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 17-3 thông báo đã gửi trát đòi hầu tòa tới nhiều hãng công nghệ Trung Quốc hoạt động tại Mỹ để điều tra về nguy cơ an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp tại bang Alaska, Trung Quốc được cho là sẽ không đặt nặng vấn đề thuế quan mà Mỹ dưới thời ông Trump đã áp đặt, mặc dù ông Vương Nghị trong một bài phát biểu hồi tháng 2 đã kêu gọi loại bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan thương mại.

Triển vọng từ cuộc gặp ở Alaska

Theo WSJ, chương trình nghị sự của Trung Quốc phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của Bắc Kinh, vốn trước đây chủ yếu thông qua các cuộc họp cấp cao để đưa ra phản ứng với các sáng kiến của Mỹ.

Ông Daniel Russel - cựu quan chức Bộ Ngoại giao thời chính quyền Tổng thống Barack Obama - cho biết: “Trung Quốc cảm thấy rằng đây là thời cơ tốt, phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang lụi tàn”.

Một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng cuộc gặp ở bang Alaska sẽ không dẫn đến bất kỳ thỏa thuận nào, đồng thời chia sẻ rằng một cuộc gặp sẽ không thể mang đến “việc nối lại một cơ chế đối thoại cụ thể hay sự bắt đầu của một quá trình đối thoại”.

Ông Russel cũng cho rằng Bắc Kinh có thể không mong đợi bất kỳ kết quả cụ thể nào.

“Thay vào đó, người Trung Quốc sẽ cố gắng hiểu rõ hơn về cách người Mỹ đang nhìn nhận về mối quan hệ hai nước và điều gì có thể xảy ra” - ông Russel nói.

WSJ cũng dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden cho rằng cuộc gặp sẽ giúp hai bên hiểu rõ nhau hơn.

Về phía Trung Quốc, nước này cũng mong muốn vượt qua những bất ổn trong quan hệ với Mỹ, vốn đã tác động đến niềm tin của giới kinh doanh và nhà đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Thiết lập khuôn khổ cuộc gặp cấp cao thường xuyên

Ngoài ra, các nguồn tin cũng tiết lộ các quan chức Trung Quốc cũng có kế hoạch đề xuất thiết lập lại các cuộc gặp cấp cao thường xuyên giữa hai bên.

Theo đó, hai quan chức Trung Quốc có kế hoạch đề xuất một khuôn khổ mới nhằm thiết lập các cuộc họp định kỳ, hàng năm giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm khắc phục những khác biệt về kinh tế, thương mại, an ninh và các lĩnh vực khác.

Ý tưởng về một khuôn khổ đối thoại chiến lược này đã được đưa ra dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush và tiếp tục trong những năm nhiệm kỳ của ông Obama, thời điểm ông Blinken và ông Sullivan đảm nhiệm những vị trí đối ngoại hàng đầu.

Ông Trump đã bãi bỏ cơ chế này trước các cảnh báo từ các cố vấn về việc Trung Quốc sẽ sử dụng “lá bài” này để "trói buộc" người Mỹ trong các cuộc đối thoại bất tận.

Chính quyền ông Biden cho đến nay chưa có dấu hiệu gì cho thấy sự quan tâm liên quan việc thiết lập lại các cuộc đối thoại song phương.

Sắp xếp một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai bên

Theo các nguồn tin, phía Trung Quốc cũng sẽ kêu gọi sắp xếp một cuộc gặp trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden vào tháng 4 tới.

Các quan chức Bắc Kinh có kế hoạch đề xuất hai bên sắp xếp một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu được tổ chức vào ngày 22-4.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: EPA

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: EPA

Nhà Trắng chưa bình luận về triển vọng một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo trên.

Mỹ và Trung Quốc đến nay đều phát đi tín hiệu cho thấy đã sẵn sàng làm việc cùng nhau trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu và các vấn đề khí hậu, mặc dù Mỹ vẫn cảnh giác rằng Trung Quốc sẽ cố gắng sử dụng “lá bài” vấn đề khí hậu để đẩy lùi Mỹ trong các lĩnh vực khác.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có kế hoạch đề xuất hai nước thúc đẩy “hộ chiếu vaccine” nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa hai bên, cũng như giúp vaccine nội địa của Trung Quốc nhận được sự công nhận.

HÒA ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/gap-my-o-alaska-bac-kinh-nham-den-di-san-cua-ong-trump-973277.html