Gặp nữ sinh đạt 3 điểm 10 ở tổ hợp Khoa học xã hội: Học phải có đam mê

Đến thời điểm hiện tại, tin vui đạt 3 điểm 10 ở bài thi Khoa học xã hội của Trần Thu Hoài, học sinh lớp 12 A8 Trường THPT Mỹ Lộc vẫn còn ánh lên trong nụ cười, ánh mắt của mỗi thành viên trong gia đình. Không vui sao được khi Hòa đã trở thành niềm tự hào... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Đến thời điểm hiện tại, tin vui đạt 3 điểm 10 ở bài thi Khoa học xã hội của Trần Thu Hoài, học sinh lớp 12 A8 Trường THPT Mỹ Lộc vẫn còn ánh lên trong nụ cười, ánh mắt của mỗi thành viên trong gia đình. Không vui sao được khi Hoài đã trở thành niềm tự hào của gia đình, nhà trường và địa phương khi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, em là một trong 2 học sinh trong cả nước đạt điểm tối đa ở 3 môn; Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Trần Thu Hoài phấn khởi chia sẻ niềm vui cùng cô giáo chủ nhiệm lớp.

Sinh ra ở xóm 8, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) trong gia đình nông dân nghèo, ngoài việc đến trường, Trần Thu Hoài còn phải giúp đỡ bố mẹ trong mọi công việc nhà, từ đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp đến việc chỉ bảo cho cậu em út học hành. Đến mùa vụ, em tranh thủ đi nhổ mạ, gặt lúa giúp gia đình. Hàng ngày, mẹ em đều dậy sớm từ 4h sáng để thu mua rau ở chợ quê rồi đạp xe 15km xuống Thành phố Nam Định để bán. Còn bố em, ngoài việc đồng áng còn tranh thủ đi bốc vác để kiếm thêm thu nhập. Mỗi khi thấy bố mẹ mệt nhọc trở về mà vẫn luôn tươi cười, động viên “bố mẹ vất vả để dành dụm cho Hoài vào đại học” là Hoài lại thêm một lần cố gắng vươn lên, dù suốt những năm học ở bậc Tiểu học, THCS em không có thành tích gì nổi trội. Đỗ vào Trường THPT Mỹ Lộc với số điểm khá khiêm tốn, nhưng với Hoài đây bắt đầu là ngưỡng cửa mới để em trải nghiệm và phấn đấu. “Những ngày đầu vào trường em như bước vào một thế giới khác bởi ở đây các thầy cô cực kỳ thân thiện, như những người chị, người cô trong gia đình nhưng chứa đựng trong mỗi bài giảng là sự tâm huyết đến say mê”- Hoài chia sẻ. Những bài giảng của thầy cô đã cho Hoài có cảm hứng thực sự với các môn xã hội. Em chú tâm vào các bài giảng và chủ động tìm đọc các kiến thức xã hội và coi việc đọc sách như thói quen hàng ngày. Phát hiện được năng khiếu và sự ham mê trong học tập của em, ngay trong năm học lớp 10, Trần Thu Hoài đã được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường và em đã đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Olimpic Địa lý toàn tỉnh. Năm học lớp 11 em tiếp tục đoạt giải Ba trong cuộc thi này. Khi học lớp 12, em được nhà trường em tiếp tục được chọn vào đội tuyển nhưng do dịch Covid -19, cuộc thi phải tạm dừng nên phần lớn thời gian em dành cho việc học các môn và chú tâm vào các môn thi tốt nghiệp. Trong suốt những năm đi học, em cũng chưa từng một lần đến lớp học thêm. Kết quả đạt được trong kỳ thi và trong suốt 12 năm học tập vừa qua của Hoài đều là thành quả của quá trình tự học và tiếp thu những gì thầy cô giảng dạy trên lớp. Trần Thu Hoài chia sẻ: “Trong học tập muốn học tốt nhất định phải có đam mê. Ngoài thời gian học ở trường, em dành thời gian để tự học, có khi là học nhóm cùng bạn bè chứ chưa bao giờ đi học thêm. Bản thân em cũng không phải dành quá nhiều thời gian và đặt mục tiêu quá cao trong việc học. Với em, điều quan trọng là có được niềm cảm hứng trong học tập và sắp xếp khoa học, hiệu quả quỹ thời gian trong ngày”. Con đường từ nhà đến trường khá xa, nên hàng ngày Hoài phải thức dậy lúc 5h30 phút sáng để đi chợ mua thức ăn, nấu ăn sáng cho hai chị em và tranh thủ cắm cơm để trưa về việc nấu nướng được nhanh hơn. Buổi tối em tranh thủ làm bài và dành thời gian đọc sách, tìm hiểu thêm kiến thức địa lý, lịch sử Việt Nam và thế giới trên mạng internet và không bao giờ em học quá đến 22h đêm. Chia sẻ về phương pháp học tập, Hoài cho biết: “Đối với em, việc học tập những môn Khoa học xã hội không có gì khó khăn, nhất là với tổ hợp Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân, em vừa học lý thuyết vừa vận dụng để làm bài tập. Ở mỗi câu hỏi, ngoài tìm đáp án, em còn tự đặt câu hỏi cho các phương pháp còn lại. Với cách làm này, một đề cô cho em có thế củng cố ôn tập lượng kiến thức lớn. Riêng với môn Sử, em thấy rằng học sử, yêu sử không có nghĩa là phải thuộc từng sự kiện mà chỉ cần nhớ và hiểu các dấu mốc quan trọng của các sự kiện và rút ra bài học. Điều đó không chỉ có ích cho môn học mà còn rất có ích cho cuộc sống. Bên cạnh đó, để học tốt môn Lịch sử cần phải có kiến thức về xã hội, cần tìm hiểu kiến thức qua sách vở, báo, đài và cần có mối liên kết giữa các sự kiện với nhau”. Nhận xét về học trò của mình, cô giáo Nguyễn Bội Hoàn, giáo viên chủ nhiệm dạy môn Lịch sử lớp của Hoài trong suốt 3 năm liền cho biết: “Trong số những học sinh trúng tuyển vào lớp 10, qua nghiên cứu học bạ những năm học THCS của Hoài, tôi thấy em cũng không có gì đặc biệt nổi trội so với nhiều bạn trong lớp. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy trên lớp tôi thấy em có sự quyết tâm rất cao trong học tập, thể hiện ở việc em rất chăm chỉ phát biểu, đặc biệt em có tinh thần tự nghiên cứu, tự học rất cao. Em có phương pháp học tập khá hiệu quả, không bị áp lực và mất nhiều thời gian, chủ yếu chỉ học ở trên lớp. Bên cạnh đó, với lợi thế nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Lịch sử và Địa lý của trường nên em có được kiến thức sâu hơn”.

Với tổ hợp Khoa học xã hội đạt điểm tối đa, cùng với điểm thi môn Toán được 6 điểm, môn Anh 7 điểm, môn Văn 8,5 điểm, Trần Thu Hoài có tổng 28,5 điểm. Em đăng ký vào học tại Trường Đại học Luật Hà Nội theo đăng ký ở nguyện vọng 1. Hiện tại, Hoài đang tranh thủ đi làm thêm để giảm bớt chi phí cho bố mẹ khi em học đại học. Em mong muốn sẽ học tập tốt và tìm kiếm được việc làm thêm ngay từ năm đầu đại học./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202008/gap-nu-sinh-dat-3-diem-10-o-to-hop-khoa-hoc-xa-hoi-hoc-phai-co-dam-me-2539438/