Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công

Tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung vào việc giải phóng mặt bằng nhanh chóng, tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án… thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân trên 95%

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là yếu tố quan trọng để kích thích sản xuất, tiêu dùng, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành công văn và trực tiếp kiểm tra các công trình. Tỉnh cũng liên tục làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn năm 2024.

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo ông Lê Ngọc Tiến – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 giao cho Bình Thuận sau khi chuyển trả là hơn 4.784 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến ngày 15/10/2024 là 2.029 tỷ đồng, đạt 42,42% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, theo báo cáo của các chủ đầu tư, hiện nay các dự án có khối lượng khoảng 356 tỷ đồng đang làm thủ tục giải ngân, nếu tính luôn khối lượng này thì tỷ lệ giải ngân đạt 49,86%.

Giá trị giải ngân đối với các dự án do UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư tính đến ngày 15/10/2024, có tỷ lệ giải ngân cao đứng đầu là thị xã La Gi đạt 125%, tiếp đến là huyện Phú Quý đạt 65%, Hàm Thuận Nam đạt 53%, huyện Tánh Linh, Đức Linh đều đạt 52%, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân đạt 51%. Đối với các dự án do 3 Ban Quản lý Dự án (QLDA) cấp tỉnh làm chủ đầu tư chiếm tỷ lệ vốn lớn trong tổng kế hoạch vốn hơn 1.916,4 tỷ đồng, hiện Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh đã giải ngân đạt 41%, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đạt 30% và Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đạt 39%.

Theo báo cáo của các Ban QLDA, với sự nỗ lực quyết tâm cao, tiến độ giải ngân đã tăng lên đáng kể. Ông Nguyễn Hữu Trung – Giám đốc Ban Quản lý dự án Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho rằng, khó khăn của ban là có nhiều dự án khối lượng giải ngân lớn, trong đó có một dự án giao thông khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài như dự án công trình đường ven ĐT.719B (Phan Thiết) đang vướng mặt bằng tại mỏ khai thác khoáng sản titan Tân Quang Cường; Dự án Trục ven biển ĐT.719B Hòn Lan - Tân Hải (La Gi); cầu Văn Thánh… Tuy nhiên, các vướng mắc này đang dần được tháo gỡ, giúp tiến độ giải ngân cải thiện.

Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ

Dù UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và định kỳ kiểm tra công trường, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2024 vẫn chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài, thẩm định, phê duyệt và đấu thầu chậm, khiến chưa có khối lượng để giải ngân. Hiện vẫn còn 34 dự án đang trong giai đoạn đấu thầu và 14 dự án vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, chủ yếu do xác định nguồn gốc đất và giá đất.

Để giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch vốn năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư và đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục đấu thầu xây lắp theo đúng quy định đối với các dự án được bố trí vốn khởi công mới năm 2024 nhưng đến nay chưa lựa chọn được đơn vị thi công. Chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để có mặt bằng thi công đối với các dự án còn vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. Chủ động rà soát, đánh giá giải ngân của từng dự án, điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao, đăng ký bổ sung kế hoạch vốn đối với các dự án có nhu cầu.

Chủ đầu tư các dự án của tỉnh, nhất là 3 Ban Quản lý dự án chuyên ngành phải cử công chức, viên chức bám sát, phối hợp chặt chẽ với địa phương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, kịp thời, hiệu quả. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực, chủ động phối hợp các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án còn vướng đền bù để sớm bàn giao mặt bằng thi công thực hiện dự án. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án do UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao...

Chỉ đạo tại cuộc họp mới đây về công tác giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần quyết tâm nhiều hơn nữa, tập trung lãnh đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phát triển. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thực hiện tốt Chỉ thị 26 ngày 8/8/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 và Công điện số 104 ngày 8/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, trong đó cần sớm ban hành các quy định nhằm cụ thể hóa Luật Đất đai mới năm 2024 thuộc phạm vi của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để điều chỉnh kế hoạch vốn của dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân hết số vốn được giao.

T.DUYÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/gap-rut-giai-ngan-von-dau-tu-cong-125093.html