Gấp rút phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Đông Hà đã có trên 200 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở 9/9 phường và là địa phương có số ca mắc bệnh cao thứ 3 trong tỉnh. Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát thành dịch và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, các ngành chức năng và chính quyền các phường đang gấp rút triển khai các biện pháp để phòng, chống bệnh SXH.

 Thành phố Đông Hà thông tin rộng rãi về bệnh sốt xuất huyết và cách phòng, chống

Thành phố Đông Hà thông tin rộng rãi về bệnh sốt xuất huyết và cách phòng, chống

Ngay sau khi ghi nhận các ca mắc bệnh SXH, để phòng, chống hiệu quả, Trung tâm Y tế thành phố và Trạm Y tế các phường tập trung thực hiện công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô, phát tờ rơi. Phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và huy động nhân dân các phường triển khai các biện pháp phòng bệnh như tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi, vệ sinh môi trường, thu gom các vật dụng phế thải; phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức truyền thông trực tiếp thông qua các buổi chào cờ đầu tuần. Chuẩn bị các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Nguyễn Tăng cho biết: “Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu cụ thể là 100% các phường, khu phố đồng loạt ra quân phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, duy trì tổ chức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các phường, khu phố định kì mỗi tuần 1 lần. 100% phường, khu phố đồng loạt tổ chức công tác tuyên truyền, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng 2 lần/ngày trong thời gian dịch bệnh tăng cao, duy trì 2 lần/ tuần trong thời gian còn lại đến cuối năm. Trên 80% hộ gia đình thực hiện tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước và biết cách loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các phường có biện pháp xử lí đối với các hộ gia đình, cơ quan có hành vi cản trở, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Ngành Y tế tăng cường giám sát, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và phát sinh, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hóa chất triệt để khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, kéo dài”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đông Lễ Lê Hải Đăng thông tin: “Để phòng, chống bệnh SXH hiệu quả, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời tham mưu, triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tổng vệ sinh môi trường, phối hợp tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các khu phố. Nhờ vậy đã kiểm soát tốt tình hình. Đến thời điểm này trên địa bàn phường không phát sinh thêm ca bệnh SXH nào”.

Một nhân viên Trạm Y tế Phường 1 cho biết: “Khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên trên địa bàn, trạm đã xin ý kiến của UBND phường, điều động lực lượng nhân viên y tế các khu phố tổ chức huy động người dân tiến hành tổng vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy. Hướng dẫn các khu phố tổ chức phát các bài tuyên truyền về phòng, chống bệnh SXH trên hệ thống loa phát thanh. Chúng tôi cũng làm tốt việc điều tra các hộ ở xung quanh hộ có người mắc bệnh SXH để nắm bắt, thu thập các thông tin liên quan, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ để phát hiện sớm và xử lí hiệu quả. Phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn cũng có những khó khăn nhất định do địa bàn rộng, dân cư đông. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn lơ là, chủ quan trong phòng chống bệnh, có trường hợp không hợp tác với cán bộ y tế, chính quyền, nhiều nhà đóng cửa suốt ngày không thể tiếp cận được”.

Ông Nguyễn Thế Thanh ở khu phố Tây Trì, Phường 1 cho biết: “Liên tục nhiều ngày nay, Ban cán sự khu phố đã tổ chức thông tin trên hệ thống loa phóng thanh về bệnh SXH và cách phòng, chống, đặc biệt là các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy như cần phải đậy kín vật dụng chứa nước để không cho muỗi đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà, cho cát ẩm vào lọ hoa thay nước để tiêu diệt, chống bọ gậy. Thường xuyên tổ chức thu gom đồ phế thải quanh nhà và lật úp các vật phế thải có chứa nước và phải nằm trong màn khi ngủ bất kể ngày hay đêm. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi. Cách thức tuyên truyền như vậy là có sức lan tỏa cao và rất hiệu quả bởi tôi thấy khá nhiều người còn chủ quan, thiếu thông tin về tác hại của bệnh SXH cũng như cách phòng, chống”.

SXH là bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi Dengue, muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh, muỗi thường sống ở những nơi bùn lầy, nước đọng xung quanh nhà ở, hoặc những nơi ẩm thấp, bụi rậm. Biểu hiện chủ yếu của bệnh SXH là xuất huyết ngoài da, niêm mạc, trụy tim mạch và dễ dẫn đến tử vong nếu điều trị không kịp thời và đúng cách. SXH xảy ra quanh năm và có thể bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Khi thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc SXH như sốt cao đột ngột từ 2 - 7 ngày, người mệt mỏi, đau nhức sau 2 hốc mắt, xuất hiện các nốt xuất huyết trên da thì tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị tại nhà mà cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời và tránh nguy cơ làm bệnh lây lan trong cộng đồng.

Huy Quân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143199