'Gặt lúa non' bảo hiểm

Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cho thấy, việc giữ người lao động ở lại với bảo hiểm xã hội thay vì 'gặt lúa non' - rút bảo hiểm xã hội một lần, vẫn chưa có giải pháp chính sách tối ưu.

Nhằm hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Ban soạn thảo dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chọn cách tiếp cận tăng quyền lợi - tức là khuyến khích lợi ích tài chính và yêu cầu điều kiện cao hơn khi rút - tức là giảm động lực rút, trong 2 phương án đề xuất.

Theo phương án 1, chỉ những người đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật này có hiệu lực mới được rút bảo hiểm một lần. Nếu chọn bảo lưu thời gian đóng, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi bổ sung (điều kiện hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm, được hưởng trợ cấp hàng tháng, có bảo hiểm y tế, được hỗ trợ tín dụng…); nếu rút bảo hiểm một lần thì sẽ mất các quyền lợi này. Còn lại, những người đóng bảo hiểm xã hội từ khi luật này có hiệu lực sẽ không được rút bảo hiểm một lần, trừ 3 trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng, ra nước ngoài định cư hoặc mắc bệnh nguy hiểm tính mạng. Trong khi đó, phương án 2 cho phép người lao động rút bảo hiểm một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Trong phiên thảo luận tổ, có 10 ý kiến chọn phương án 1; có 8 ý kiến chọn phương án 2 và có 12 ý kiến không đồng ý với cả 2 phương án. Bên cạnh đó, có ý kiến chọn phương án 1 hoặc phương án 2 nhưng đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số quy định liên quan. Lại cũng có ý kiến cho rằng cần quy định mở để người lao động lựa chọn; hoặc đề xuất ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm phương án có lợi cho người lao động... Việc các đại biểu có quan điểm khác nhau là chuyện bình thường, song mặt khác cũng cho thấy dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chưa đưa ra được giải pháp chính sách hợp lý về bảo hiểm xã hội một lần.

Theo số liệu trong hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), giai đoạn 2016 - 2022, có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này, có gần 1,3 triệu người quay lại, tiếp tục tham gia. Như vậy, trong 7 năm qua, khoảng 3,5 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống bảo hiểm xã hội.

Tháng 8.2023, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức lấy ý kiến đại diện công đoàn cơ sở, người lao động, người lao động đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Kết quả cho thấy, người lao động rút bảo hiểm một lần chủ yếu vì khó khăn kinh tế và lo lắng sự an toàn của Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Tương tự, theo khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thực hiện tháng 4.2023, 61% những người từng rút bảo hiểm một lần là vì không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc. Ngoài ra, có 14% rút bảo hiểm vì lo lắng vào sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội.

Như vậy có thể thấy, hai nguyên chính khiến người lao động không mặn mà với hệ thống bảo hiểm xã hội, trước hết từ áp lực tài chính trong ngắn hạn và thứ hai là niềm tin dài hạn với tính an toàn, bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội. Nếu đây thực sự là hai nguyên nhân gốc rễ thì những đề xuất mang tính kỹ thuật như trên không hẳn giải quyết được vấn đề. Thay vào đó, gánh nặng này cần được chia sẻ bởi nhiều bộ, ngành trong Chính phủ - chẳng hạn, nếu người lao động có thể dễ dàng tiếp cận với tín dụng vi mô an toàn và thuận lợi, liệu rút bảo hiểm một lần có là lựa chọn của họ không?

Dự kiến trong tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự kiến thông qua trong Kỳ họp tháng 5.2024. Từ nay tới đó còn chừng 6 tháng nữa để cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra - dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội - tiếp tục nghiên cứu và xây dựng giải pháp chính sách tối ưu giữ chân người lao động thay vì "gặt lúa non" bảo hiểm. Nếu không tìm được cách giải, chúng ta sẽ phải đối mặt với những bất ổn lớn hơn khi dân số nước ta đang già đi và lực lượng lao động tự do ngày càng tăng trong một tương lai không xa.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/gat-lua-non-bao-hiem-i351008/