Gen Z và báo in

Thế hệ gen Z (những người sinh trong giai đoạn 1997-2012) đang nghĩ gì về báo in và mong muốn điều gì ở những ấn phẩm báo chí này?

Đọc báo in, đọc sách giấy vẫn đem lại cảm giác thư thái, thoải mái. Ảnh: Xuân Ngân.

Đọc báo in, đọc sách giấy vẫn đem lại cảm giác thư thái, thoải mái. Ảnh: Xuân Ngân.

Nguyễn Thu An (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội): Một sự thú vị rất riêng

Công việc văn phòng khiến em dành khá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử. Thói quen đọc báo mạng, cập nhật thông tin từ nhiều nguồn trên mạng của em có lẽ cũng được hình thành từ đây.

Tuy nhiên, giữa biển thông tin ngập tràn có tốt có xấu, có tiêu cực, tích cực hiện nay, em đã học được cách lựa chọn, tiếp nhận thông tin từ những nguồn chính thống như các tờ báo uy tín, các trang tin của Chính phủ… thay vì bị cuốn vào những tin tức giật gân, câu khách mà nhiều khi tính xác thực không được đảm bảo trên các mạng xã hội.

Đối với tờ báo in, trong ký ức của em vẫn còn văng vẳng tiếng rao báo mỗi ngày lúc sáng sớm. Một người mua báo đọc to cho cả nhà nghe. Một tờ báo người này đọc xong lại chuyền cho người khác xem không sót mẩu tin nào.

Dù bây giờ ít thấy sự xuất hiện của báo in trong cuộc sống thường nhật nhưng đối với em, cảm giác cầm một tờ báo cũng giống như một quyển sách, vẫn có sự thú vị riêng. Em nhận thấy nếu như đọc qua máy tính, điện thoại nhiều sẽ có cảm giác mỏi mắt, khó đọc được những bài dài, bài phân tích chuyên sâu.

Đọc báo in, đọc sách giấy vẫn đem lại cảm giác thư thái, thoải mái, bình tĩnh tiếp nhận thông tin hơn là bị những hình ảnh, những tin tức sốt dẻo cuốn đi như đọc trên mạng. Vì vậy, em tin rằng báo in vẫn luôn có một vị thế riêng mà những kênh tin tức khác không thể lấn át.

Nguyễn Văn Đại Phong (K68, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội): Cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn thông tin

Hiện có quá nhiều kênh để tiếp nhận thông tin nên có đôi khi, em cũng bị “lạc lối” giữa biển thông tin trên mạng xã hội, không biết đâu là thật, đâu là giả. Với những tin giải trí không quá quan trọng, em theo dõi qua các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok…

Với báo in, em quen thuộc từ những ngày thơ bé. Những tờ báo gắn bó với thế hệ chúng em như báo Nhi đồng, Thiếu niên Tiền phong, Mặt trời nhỏ, sau này là Hoa học trò đến bây giờ em vẫn còn lưu giữ được một số. Nhiều lần chuyển nhà, mở ra xem lại thấy cả bầu trời kỷ niệm ùa về.

Trước đây có thể bắt gặp những sạp báo trên hè phố còn bây giờ, báo in không còn xuất hiện nhiều. Những tác phẩm in thường được biên tập chỉn chu, gọn gàng và nghiêm cẩn, không chịu quá nhiều sức ép về mặt thời gian như báo điện tử nên ít gặp lỗi sai về diễn đạt, lỗi chính tả, hầu như không có chuyện đăng lên rồi xóa bài như báo điện tử nên em vẫn thấy có điểm đồng tình và yêu thích, dù rằng bây giờ nhiều khi em thắc mắc không biết phải đi đâu để mua được một tờ báo in.

Triệu Minh Nguyệt (K68, Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội): Nhớ mãi bài báo đầu tiên

Em nhớ mãi bài báo đầu tiên được đăng trên báo Hoa học trò. Sáng sớm hôm đó em đã đến tận tòa soạn để chờ mua được những số báo đầu tiên. Cảm giác cầm trên tay một tác phẩm của mình được in trang trọng trên mặt báo và mường tượng khi nó tới tay nhiều độc giả thực sự rất hạnh phúc. Mặc dù em cũng đã có những bài được đăng trên báo điện tử nhưng niềm vui khi cầm tờ báo in quả là khó có thể diễn tả bằng lời.

Trong nhà trường, chúng em được học đầy đủ từ báo in, báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình. Mỗi loại hình đều có sự thú vị riêng và chúng em cũng không tự bó hẹp mình riêng trong một loại hình nào mà tự tìm kiếm những cơ hội khác nhau để thử sức với tất cả các loại hình báo chí.

Với thế mạnh là sự nhanh nhẹn của tuổi trẻ, không ngại khó, ngại khổ khi tác nghiệp, chúng em sẵn sàng lên đường khi phát hiện thông tin độc đáo, khác lạ.

Từ trải nghiệm của cá nhân, em cảm thấy việc làm báo in không dễ khi sản phẩm đăng trên báo in không phải là của riêng cá nhân người viết mà là sản phẩm của trí tuệ tập thể do phải qua nhiều khâu biên tập kỹ càng trước khi lên trang trình bày, gửi sang nhà in, xuất hiện trên mặt báo rồi mới đến tay độc giả.

Nguyễn Trọng Hải (K41, Học Viện Báo chí và tuyên truyền): Trải nghiệm nào cũng đáng giá

Nghề báo đến nay đã cho em trải nghiệm rất nhiều điều mới mẻ mà nếu chọn ngành học khác, có lẽ sẽ không có được. Đó là cơ hội gặp gỡ nhiều người, trong đó có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực của họ, kiến thức rất uyên bác, em rất ngưỡng mộ. Em cũng được làm quen với nhiều người bạn tốt, tăng thêm sự tự tin, vốn hiểu biết phong phú hơn.

Em nhận ra giữa việc học ở trường và thực tế đời sống báo chí có độ chênh nhất định. Điều đó đòi hỏi chúng em cần phải nỗ lực với từng tác phẩm.

Dù là loại hình báo chí nào thì để tác phẩm báo chí của mình không bị chìm nghỉm giữa vô vàn tác phẩm báo chí mỗi ngày, mỗi giờ, người viết phải thực sự cẩn trọng trong việc chắt lọc thông tin, phản ánh trong tác phẩm và thể hiện góc nhìn, quan điểm của mình.

Đặc biệt, vì vòng đời của nhiều thông tin hiện nay chỉ tính bằng giờ, thậm chí là bằng phút nên em cho rằng vai trò của ấn phẩm giấy vẫn không thể bị thay thế hoàn toàn trong thời gian tới. Em sẽ rất vui nếu được trở thành một thành viên trong bộ máy sản xuất báo in của các tòa soạn hiện nay.

LAM NHI (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gen-z-va-bao-in-10284115.html