Ghép gân tứ đầu đùi giúp bệnh nhân bị tai nạn không phải cắt cụt chân

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã giúp hồi phục một bên chân dập nát, nguy cơ phải cắt cụt, cho nam thanh niên bị tai nạn giao thông.

Chia sẻ về ca bệnh đặc biệt này, TS.BS Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương chi dưới, Bệnh viện Việt Đức, cho biết 5 năm trước, bệnh nhân Đào Quang H., 26 tuổi (Hưng Yên), được bệnh viện tuyến dưới và gia đình chuyển đến Bệnh viện Việt Đức sau khi bị tai nạn xe máy.

Bệnh nhân H. bị gãy hở chân trái phức tạp, mất xương trên lồi cầu, liên lồi cầu xương đùi và nhiễm trùng.

Tưởng phải cắt chân sau tai nạn

“Lúc đó, bố đưa bệnh nhân đến với chúng tôi trong tình trạng một bên chân lủng lẳng, đầy mủ nhiễm khuẩn với tiên lượng cắt cụt chân tổn thương. Nhìn người đàn ông gầy gò, khắc khổ đang lo lắng cho con trai, tôi nói với ông 'giờ cắt bỏ cái chân thối thì nhanh lắm, bác sĩ mổ nhanh và bệnh nhân cũng hồi phục để lắp chân giả'. Nhưng tôi cũng nói không muốn cắt cụt chân của ai mà muốn tìm giải pháp tốt hơn để làm sao cứu được chân cho bệnh nhân”, TS.BS Trần Hoàng Tùng kể lại.

Đồng thời, BS Tùng cũng trò chuyện với bệnh nhân H. và chia sẻ về phương án điều trị để có thể cứu được chân.

"Khi tôi hỏi bệnh nhân có thể chịu đựng được những đau đớn qua nhiều lần phẫu thuật hay không, H. suy nghĩ và cũng có lúc buông xuôi, nhưng rồi cậu vẫn nói với tôi sẽ nghe theo tư vấn điều trị của bác sĩ", BS Tùng cho biết.

Làm tâm lý cho bệnh nhân và gia đình xong, chính bác sĩ lại phải làm tâm lý cho mình, bởi những trăn trở liệu bản thân cùng cộng sự có đủ kiên trì để phẫu thuật cho bệnh nhân hay không. Họ có đủ can đảm để chịu được những điều tiếng khi mình để bệnh nhân phải mổ nhiều lần hay không. Và nhỡ tình huống các ca phẫu thuật không thành công, gia đình rồi bệnh nhân không hiểu lại thắc mắc, kiện thì sao...

Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã giúp H. không bị cưa chân, sau 7 lần phẫu thuật. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống.

Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã giúp H. không bị cưa chân, sau 7 lần phẫu thuật. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống.

Đến những lần phẫu thuật liên tục đầy thử thách

Những băn khoăn này không ít lần xuất hiện trong tâm tư của BS Tùng nhưng vì mong muốn chữa được chân cho bệnh nhân, bởi em còn quá trẻ và “còn nước, còn tát”, BS Tùng và các cộng sự đã tiến hành phẫu thuật.

Sau đó một thời gian, ca phẫu thuật thứ hai diễn ra. BS Tùng đã tiến hành mổ cắt lọc các tổ chức hoại tử, nạo viêm và lấy bỏ xương chết.

“Với trường hợp bệnh nhân này, chúng tôi phải cắt từ từ những phần chết hẳn và chờ phần nửa sống nửa chết hồi phục được tí nào hay tí đó. Lại mổ, lại cắt, lại chờ, lại mổ, lại hy vọng, lại chờ... Rất may là đến lần thứ tư, chân bệnh nhân đã hết nhiễm trùng, hết xương chết và cơ thối”, BS Tùng chia sẻ.

Tuy nhiên, một thử thách lại diễn ra. Sau 4 lần phẫu thuật, bệnh nhân vẫn bị khuyết xương đùi và cứng khớp gối, mất gân cơ quanh đùi và đi lại rất khó khăn. Và lần đầu tiên, ca ghép gân tứ đầu đùi của người cho chết não "cứu" chân bị di chứng cứng khớp gối sau tai nạn đã diễn ra.

Vì hoàn cảnh điều kiện kinh tế khó khăn, bố bệnh nhân phải đi làm ăn ở xa, ngay từ lần phẫu thuật thứ ba của con trai, ông đã nhắn với BS Tùng qua điện thoại: "Tôi phải đi làm xa để kiếm tiền chữa bệnh cho cháu, trăm sự nhờ bác sĩ".

“Thú thật, lúc nhận được tin nhắn này, bản thân tôi cũng xuất hiện không ít câu hỏi, mình có nên động viên bệnh nhân và chính mình tiếp tục phẫu thuật hay không. Rồi có hy vọng gì không sau ca phẫu thuật tiếp theo hay lại tiền mất tật mang. Thế nhưng, lần phẫu thuật thứ tư đã diễn ra và bệnh nhân lại chịu đựng những cơn đau. Gia đình bệnh nhân lại hy vọng và bản thân tôi lại cố gắng”, BS Tùng kể.

Tiếp đó, lần phẫu thuật thứ 5 diễn ra, bệnh nhân được ghép xương và sau đó là lần thứ 6. Đây cũng là lần đầu tiên tại Bệnh viện Việt Đức, các phẫu thuật viên đã tiến hành ghép gân cơ tứ đầu đùi bằng gân đồng loại từ người cho chết não và gỡ dính khớp gối (gân cơ tứ đầu đùi là một gân to của cơ thể, ngay trên xương bánh chè giúp khớp gối gấp duỗi).

Cái khó của ca bệnh này là bác sĩ phải tiến hành ghép thế nào trên nền khớp gối vừa dính vừa cứng. Vấn đề thứ hai là làm thế nào để ghép mà sau mổ khớp gối vừa gấp tốt mà không mất duỗi, vừa duỗi tốt lại không mất gấp, ghép thế nào để đủ cho nhu cầu bệnh nhân sinh hoạt hàng ngày.

“Những khó khăn đó đều được chúng tôi đưa ra khi hội chẩn. Rất khó vì lần đầu tiên, chúng tôi tiến hành ca ghép như này. Nhưng những nỗ lực của bác sĩ và bệnh nhân, gia đình bệnh nhân đã được đền đáp bằng sự thành công. Trải qua gần 4 năm, sau 5 lần phẫu thuật, bệnh nhân H. đã hồi phục, đi lại tốt trên đôi chân của mình, tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm”, BS Tùng chia sẻ.

Thế nhưng, cuộc đời lại thử thách H., bởi một tai nạn sau đó xảy ra với cậu và BS Tùng lại nhận được một cuộc gọi từ người cha: “Bác sĩ ơi, bác sĩ lại mổ cho cháu nhà tôi nhé”.

Đèn phòng mổ chấn thương chỉnh hình lại sáng, lần phẫu thuật thứ bảy trên chính chân trái lại diễn ra. Đến nay, bệnh nhân đã đi lại bình thường như chưa từng có những tai nạn và đại phẫu.

Theo Thái Bình / Sức Khỏe Đời Sống

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ghep-gan-tu-dau-dui-giup-benh-nhan-bi-tai-nan-khong-phai-cat-cut-chan-post954723.html