Ghi ở Phiêng My
Phiêng My là tổ dân cư thuộc phường Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn), diện tích đất tự nhiên khoảng 6ha, với 16 hộ dân sinh sống. Những năm gần đây, người dân vươn lên nhờ mạnh dạn chuyển đổi cách làm ăn mới trong sản xuất.
Áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất
Qua giới thiệu của đại diện lãnh đạo phòng chuyên môn thành phố Bắc Kạn, chúng tôi đã đến tìm hiểu thực tế tại Phiêng My. Ấn tượng đầu tiên đó là những vườn, đồi cỏ voi xanh mơn mởn; nhiều mái che, vòm che dựng sát nhau giữa những bãi đất bằng phẳng vừa mới thu hoạch nông sản, hiện đang được lên luống chuẩn bị vào vụ trồng rau quả tiếp theo.
Ông Lưu Văn Đoan, Tổ trưởng tổ Phiêng My cho biết: Trước đây Phiêng My có nhiều hộ khó khăn, cuộc sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng canh tác theo lối truyền thống. Năm 2017, cấp trên triển khai dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, do Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Hà Nội chủ trì, xây dựng các mô hình sản xuất rau ăn quả trên hệ thống thủy canh bán tuần hoàn; sản xuất rau trong nhà mái che (vòm che cao) và sản xuất rau ngoài đồng, trồng trái vụ dưới vòm che thấp. Dự án đã lắp đặt nhà lưới bán kiên cố (cấp II), nhà mái che, cung cấp nilon che phủ... Từ dự án này, nhiều hộ mạnh dạn duy trì, áp dụng phương thức sản xuất tiên tiến theo hướng hàng hóa, thu nhập có sự chuyển biến rõ rệt từ trồng cà chua, dưa bao tử, dưa lưới… Nhờ chuyển đổi trồng cây ăn quả, nuôi cá, trồng rau màu..., nhiều hộ phát triển kinh tế hiệu quả, thu nhập bình quân đạt từ 200-300 triệu đồng mỗi năm.
Gia đình ông Lưu Bá Quyền là hộ điển hình duy trì mô hình trồng rau quả trong nhà lưới bán kiên cố nhiều năm nay ở Phiêng My với nhiều loại rau quả như: Dưa lưới, dưa bao tử, cà chua... Đến nay, ông vẫn áp dụng theo phương thức tiên tiến từ mô hình thí điểm của Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Hà Nội năm 2017, ghi chép kỹ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, tuân thủ đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn. Ông Quyền đánh giá cao cách làm này vì ưu điểm của trồng rau quả dưới mái che điều khiển được ánh sáng và điều tiết được độ ẩm, hạn chế sâu bệnh hại nên không phải phun thuốc trừ, năng suất cao, rau quả đảm bảo an toàn.
Ngoài trồng rau quả trong nhà lưới, vòm che, hiện nay bà con trong tổ còn thử nghiệm trồng khoảng 1.000m2 cây gáo trên diện tích đất soi bãi. Theo người dân, gáo là cây lâm nghiệp phát triển nhanh, chỉ sau 5 - 8 năm là có sinh khối gỗ đạt từ 150m3/ha trở lên. Gỗ gáo dễ chế biến, không dễ nứt, tính năng bám sơn tốt, phù hợp sản xuất đồ gia dụng, trang trí kiến trúc, là nguyên liệu tốt để làm ván sợi nhân tạo, ván MDF, bột giấy. Vỏ và lá của cây gáo còn được chế biến làm dược liệu và làm thức ăn cho gia súc... Nếu thành công, mô hình này sẽ góp phần tăng thêm loại cây trồng giá trị kinh tế cao để bà con nhân rộng.
Chủ động tạo việc làm mùa dịch
Phiêng My không nằm ngoài tình trạng nhiều lao động đang làm việc ở các công ty bị mất việc làm hoặc việc làm không thường xuyên do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, dịch tả lợn châu Phi hoành hành, hàng trăm con lợn của bà con đã phải tiêu hủy hồi đầu năm... Từ khó khăn đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo, bà con trong tổ chuyển hướng sang đầu tư trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc. Toàn thôn hiện có hàng trăm con gia súc nuôi sinh sản và vỗ béo.
Ông Vũ Gia Tuân, người dân tổ Phiêng My chia sẻ: “Tôi có hai con trai thường xuyên đi làm công nhân ở các công ty trong tỉnh. Thời gian này dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, để tạo việc làm cho các con, tôi đã thuê 1,5ha diện tích đất của bà con trong tổ trồng cỏ và xây dựng chuồng trại nuôi 7 con trâu vỗ béo. Với lợi thế đất rộng, bằng phẳng nên thích hợp cho việc trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc, vì vậy gia đình tôi đang hoàn thiện khu chuồng trại và trồng thêm cỏ để tiếp tục đầu tư nuôi khoảng 20 con trâu vỗ béo và sinh sản”.
Bà Lý Thị Thơ cùng ở tổ Phiêng My chia sẻ: “Trước đây, tôi là công nhân tư vấn giới thiệu sản phẩm cho một công ty Hàn Quốc tại thành phố Bắc Kạn. Khi xảy ra dịch Covid-19, công việc ở công ty bấp bênh, tôi đã quyết định ở nhà làm kinh tế từ sản xuất nông nghiệp. Hiện tôi đã tận dụng hơn 2ha đất đồi, soi bãi để trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn cho gia súc và nuôi 3 con trâu sinh sản để nhân đàn. Thời gian tới, tôi sẽ tìm mua thêm những con trâu gầy về nuôi vỗ béo để tăng thu nhập. Dịch bệnh còn phức tạp nên tôi xác định nghỉ làm ở công ty, dự tính sẽ thuê người làm để phát triển chăn nuôi”.
Tổ trưởng tổ Phiêng My Lưu Văn Đoan cho biết: “Phiêng My có 16 hộ dân, phần lớn đều có lao động đi làm tại các công ty ngoài thành phố Bắc Kạn. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều con em trong tổ mất việc làm hoặc không có việc làm thường xuyên. Xem trên tivi cách người ta chăn nuôi nhốt trâu, bò tại các huyện Ba Bể, Pác Nặm… rất hiệu quả, tôi đã định hướng, tuyên truyền bà con nghiên cứu thực hiện. Nhà nào có điều kiện về đất đai, sức lao động thì mua trâu về nuôi vỗ béo, khi nào hết dịch muốn đi làm thì xin đi làm lại. Bà con nghe ra, bắt tay vào trồng cỏ, nhà nào không chăn nuôi thì bán cỏ cho những hộ nuôi… Hiện trong tổ có hàng trăm con trâu nuôi vỗ béo và sinh sản, có hộ đã nhân đàn lên hàng chục con”.
Ông Lưu Bá Quyền- Phó Chủ tịch UBND phường Huyền Tụng cho biết: Phường luôn chú trọng định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, do đó, nhận thức bà con có nhiều thay đổi. Điểm đáng nói ở đây là người dân có tính chủ động, giúp đỡ nhau tạo việc làm. Trong lúc khó khăn về việc làm, bà con áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tập trung xây dựng gia trại, phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo... Qua đó không chỉ giải quyết việc làm trước mắt mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới để vươn lên, tạo thu nhập ổn định trên đồng đất quê hương./.
Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202108/ghi-o-phieng-my-2da1300/