Giá cá nuôi lồng bè tăng mạnh

Sau một thời gian giảm giá, khoảng 2 tuần qua, giá nhiều loại cá nuôi lồng bè ven biển, đảo ở Kiên Giang đã tăng trở lại với mức giá khá cao. Giá cá tăng mạnh ngay vào thời điểm cá đến lứa thu hoạch khiến người nuôi phấn khởi vì lợi nhuận cao.

Cá bớp là một trong những loài cá có giá trị kinh tế cao được nhiều nông dân các địa phương ven biển, đảo ở tỉnh Kiên Giang thả nuôi.

Cá bớp là một trong những loài cá có giá trị kinh tế cao được nhiều nông dân các địa phương ven biển, đảo ở tỉnh Kiên Giang thả nuôi.

Ghi nhận của phóng viên tại xã Hòn Sơn và xã Hòn Tre thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang trong những ngày gần đây cho thấy, giá của hầu hết các loài cá nuôi lồng bè đều tăng từ 15% đến 30% so với thời điểm từ giữa tháng 12 trở về trước; trong đó, cá mú, cá bớp tăng giá mạnh, từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thành Công là hộ nuôi cá lồng bè có quy mô lớn nhất ở xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải với 40 lồng cá được thả nuôi mỗi năm. Ông Công nuôi nhiều loại cá như: cá mú trân châu, cá bớp, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng, cá cam… Nông dân này cho biết, giá các loài cá tới kỳ thu hoạch bán trong thời điểm tháng 10, 11 đến giữa tháng 12 khá thấp nên lợi nhuận không nhiều. Từ giữa tháng 12 đến nay giá cá tăng lên khá cao, từ 20.000 đến 50.000 đồng/kg giúp cho người nuôi có lời khá. Cụ thể, cá hồng mỹ giá 150.000 đồng/kg (tăng 30.000 đồng/kg); cá bớp có giá 175.000 đồng/kg (tăng 40.000 đồng/kg); cá mú trân châu giá 200.000 đồng/kg (tăng 50.000 đồng/kg).

Năm 2023, bên cạnh nuôi cá bằng lồng gỗ truyền thống, ông Công đã đầu tư nuôi thử 6 lồng HDPE cho thấy hiệu quả hơn. Cụ thể là lồng HDPE nhẹ, trôi bồng bềnh theo sóng biển, độ bền lâu hơn, có thể nuôi ngoài khơi, cá cũng mau lớn và đạt đầu con so với lồng gỗ.

“Trung bình những năm gần đây gia đình tôi xuất bán từ 35 đến 40 tấn cá mỗi năm lợi nhuận từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Từ đầu năm đến nay môi trường nước không có nhiều biến động, cá nuôi mau lớn và đến nay gia đình đã xuất bán một số lồng cá, còn một số lồng cá tôi đợi bán gần Tết Nguyên đán. Tôi hi vọng giá cá được duy trì như hiện nay hoặc tăng lên để có lời nhiều hơn, bù lại những tháng trước giá thấp”, ông Công chia sẻ thêm.

Theo bà Tô Diễm Thúy, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Hòn Tre, trên địa bàn xã hiện có gần 50 hộ nuôi cá lồng bè với hơn 300 lồng cá. Các hộ nuôi lợi nhuận trung bình trong những năm gần đây khoảng 20% so với chi phí đầu tư đã bỏ ra.

“Các hộ nuôi cá lồng bè thường bắt đầu thu hoạch từ giữa tháng 10 năm cũ đến giữa tháng 2 năm mới. Trong tháng 10, 11 giá cá giảm thấp, giảm lợi nhuận cho người nuôi nên giá cá tăng trong thời điểm thu hoạch rộ như hiện nay sẽ thể giúp các hộ nuôi có lời nhiều, bù lại những tháng trước đó và có thể đạt lợi nhuận hơn 30% so với chi phí đầu tư ban đầu”, bà Thúy cho biết.

Theo ông Lê Văn Xẻo, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Đạt, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang cho biết, hợp tác xã hiện có 10 thành viên nuôi hơn 100 lồng với nhiều loại cá như: cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá mú trân châu, cá hồng mỹ, cá mè vẫu… Trong đó, cá mú, cá bớp là 2 loài nuôi ít bị thiệt hại, sinh trưởng tốt và mang lại lợi nhuận ổn định hơn so với những loài cá khác.

Theo ông Xẻo, cá bớp nuôi khoảng 7 tháng sẽ đạt trọng lượng khoảng 6-7 kg/con có thể thu hoạch; cá mú nuôi khoảng 10 tháng sẽ đạt trọng lượng trung bình 1kg/con là có thể thu hoạch. Hai loài cá này thường được thương lái tìm mua dịp cuối năm để dự trữ phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán nên giá sẽ tăng cao. Do nắm được thời gian nuôi và nhu cầu, giá cả của thị trường nên hầu hết các hộ nuôi cá lồng bè đều canh thời gian thả nuôi phù hợp để có cá xuất bán vào thời điểm cuối năm.

“Các thành viên trong Hợp tác xã Tiến Đạt đều thả nuôi nhiều loại cá, tuy nhiên nuôi cá mú trân châu, cá bớp là chủ lực. Các hộ nuôi cũng canh nuôi cá bán dịp Tết Nguyên đán hằng năm để có giá cao hơn. Nhờ đó, trong đợt tăng giá cá này đa số hộ nuôi đều có số lượng cá bớp, cá mú trân châu khá nhiều để bán. Riêng gia đình tôi, còn 10.000 con cá mú trân châu đã đến lứa thu hoạch nhưng chờ giáp Tết Giáp Thìn mới bán với hi vọng giá cá sẽ tăng thêm”, ông Xẻo chia sẻ thêm.

Theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, năm 2023, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 360.000 tấn. Trong đó, nông dân thả nuôi gần 3.800 lồng bè; sản lượng nuôi đạt hơn 3.900 tấn, đạt trên 95% kế hoạch năm, tăng gần 16% so với năm 2022.

Một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nghề nuôi cá lồng bè trong thời gian tới theo ông Lê Hữu Toàn, ngành triển khai thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi biển năm 2023 và xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình khuyến nông thúc đẩy nuôi biển từ nay đến năm 2030. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về vật liệu mới như kết cấu lồng nuôi bằng nhựa HDPE, lồng lưới chịu lực, sử dụng thiết bị máy móc phụ trợ, chiếu sáng trên bè bằng năng lượng mặt trời.

Ngành tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi gắn với quan trắc môi trường nước và năng cao năng lực chẩn đoán, cảnh báo dịch bệnh trên thủy sản. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn người nuôi phòng, trị bệnh trên đàn cá nuôi, các biện pháp xử lý khi dịch bệnh xuất hiện, khống chế không để lây lan ra diện rộng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy định pháp luật về đăng ký, cấp phép nuôi biển, phổ biến những nội dung quan trọng của đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 cho hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân áp dụng mô hình.

Đồng thời khuyến khích triển khai nhân rộng phát triển liên kết chuỗi sản xuất, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, nuôi cá lồng bè sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn cá tạp. Đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi cá lồng bè như: đầu tư lồng nuôi, cung ứng con giống đến bao tiêu sản phẩm, sản xuất chế biến, xuất khẩu các mặt hàng từ nguồn nguyên liệu cá lồng bè được nuôi ở tỉnh.

Tin, ảnh: Văn Sĩ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/gia-ca-nuoi-long-be-tang-manh-20240104163110799.htm