Giá cả tăng cao, giới trẻ cắt giảm nhu cầu ăn chơi

Giang Linh (23 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) không còn thường xuyên lui tới những quán bar, pub, bia thủ công đều đặn mỗi tuần vì giá cả tăng cao.

Giang Linh (23 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) không còn thường xuyên lui tới những quán bar, pub, bia thủ công đều đặn mỗi tuần vì giá cả tăng cao.

Là fan của đồ uống có cồn, trước đây, Linh hay hẹn bạn bè tới những nơi này để nghe nhạc, nhâm nhi ly cocktail yêu thích.

“Mình dần thích uống các loại bia, cocktail kể từ khi bắt đầu đi làm. Ngoài hương vị, đây còn là cách giải khuây mỗi khi gặp stress trong công việc, cuộc sống. Với mình, tới bar là được ‘đi chơi đúng nghĩa’ vì không phải mang theo laptop làm việc như khi đến quán cà phê”, nữ nhân viên làm việc trong ngành tài chính giải thích.

Tuy nhiên, theo cô, để duy trì sở thích này trong giai đoạn giá cả tăng cao là điều khá khó nhằn vì thu nhập không đổi, trong khi các chi phí khác cho sinh hoạt thường ngày đều phải bỏ thêm.

Nếu so sánh với các loại đồ uống phổ biến khác như trà sữa, thức uống yêu thích của cô có mức giá cao hơn hẳn, dao động vài trăm nghìn đồng cho một ly.

“Hầu như quán bar, pub nào cũng tính thêm VAT, một lần đi uống hoàn toàn có thể tốn số tiền bằng một ngày lương của mình. Chưa kể, nếu hôm nào cao hứng uống 2-3 cốc hoặc gọi thêm đồ ăn, hóa đơn dễ lên đến tiền triệu”, Linh nói.

Để tiết kiệm, cô chọn cách cắt giảm tần suất đi uống cocktail, xuống 2 tuần/lần và chọn quán ở mức tầm trung.

Không chỉ Linh, đây là cảnh ngộ chung của nhiều bạn trẻ sống trong thành phố lớn. Việc giá cả tăng phi mã nhưng mức lương không đổi đang đặt gánh nặng tài chính lên vai người trẻ, khiến họ đề phòng hơn trong chi tiêu và buộc phải cắt giảm sở thích.

Thay đổi thói quen

“Thực tế, có những quán bar bình dân hướng đến đối tượng sinh viên, với mức giá rẻ hơn nhiều và mình dễ dàng chi trả mỗi lần uống mà không cần đắn đo. Tuy nhiên, thức uống ở những chỗ đó thường không đáp ứng được yêu cầu về hương vị của mình vì ít có bartender lành nghề pha”, cô cho hay.

Ban đầu, Linh gặp một số khó khăn khi cắt bớt thói quen bấy lâu nay như không biết đi đâu xả stress hay phải từ chối lời mời của bạn bè.

Song, dần dần, Linh thấy việc thích nghi không khó như tưởng tượng, khi có một số lựa chọn giải trí thay thế khác tại nhà mà trước nay cô thường bỏ qua vì lười như đọc sách, cày nốt series phim để dở dang mấy tháng nay.

 Minh Đan hạn chế đến các rạp chiếu phim hơn trước. Ảnh: NVCC.

Minh Đan hạn chế đến các rạp chiếu phim hơn trước. Ảnh: NVCC.

Hơn một tháng nay, Minh Đan (23 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM), nhân viên truyền thông, không còn đi xem phim mỗi tuần như trước.

Là người mê điện ảnh, Đan thường dành ra 2 ngày trong tuần để đến rạp xem những bộ phim mới.

Nhưng hiện tại, tần suất đó đã giảm đi đáng kể để tiết kiệm trong cơn bão giá.

“Xem phim trên màn hình lớn sẽ cảm thấy chân thực và cảm xúc hơn nhưng từ khi quay trở lại văn phòng toàn thời gian, việc tốn khá nhiều chi phí cộng với giá xăng tăng, mình cũng hạn chế ra rạp. Nếu trước kia một tuần đi xem phim 2 lần thì giờ 2 tuần hoặc cả tháng mới đi”, Đan nói.

Với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, trước đây, Đan khá thoải mái “vung tay” cho những nhu cầu cá nhân như giải trí, ăn uống, mua sắm.

Song khi giá cả tăng lên nhưng mức lương không đổi, cô buộc phải điều chỉnh chi tiêu, "thắt lưng buộc bụng" hơn.

"Theo tôi, bão giá chắc chắn tác động không nhỏ đến đời sống của người trẻ. Cái khó là phải thích nghi với việc tiêu xài ít đi, nếu không biết cách cân bằng tài chính sẽ dễ rơi vào cảnh nợ nần, khó trụ lại thành phố lớn”, Đan chia sẻ.

Vấn đề tiền bạc ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi trong bối cảnh lạm phát, vật giá leo thang.

Khảo sát Gen Z và Millennial năm 2022 của Deloitte làm sáng tỏ nhiều khía cạnh về trải nghiệm của thế hệ trẻ, đáng chú ý nhất là nền tài chính bấp bênh của họ trong thế giới ngày càng đắt đỏ, theo Forbes.

Khi được hỏi về mối quan tâm cấp bách nhất, 29% những người lao động ở độ tuổi Gen Z (sinh năm 1995-2012) cho biết chi phí sinh hoạt, bao gồm tiền thuê nhà, phương tiện đi lại và các hóa đơn điện, nước, là mối lo hàng đầu của họ.

46% chia sẻ rằng toàn bộ thu nhập của họ chỉ đủ chi trả sinh hoạt phí, không dành dụm được đồng nào. Chỉ 25% báo cáo rằng họ có thể thoải mái chi tiêu hàng tháng.

Giảm nhu cầu giải trí

Lấy xe máy đi “lượn” phố xá là sở thích chung của Nguyễn Ngọc (26 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và người yêu. Hết giờ làm, nếu không bận rộn, cả hai thường dành thời gian đèo nhau qua nhiều con phố ở các quận khác nhau.

Có thời điểm, ngày nào đôi trẻ cũng đi hết một vòng hồ Tây, ước chừng rơi vào tầm 14 km.

“Nhà ở xa trung tâm, bọn mình thường đi từ quận Cầu Giấy qua các mạn đường ven hồ Tây như Nguyễn Đình Thi, qua Phan Đình Phùng, trước khi tạt ngang khu phố cổ rồi mới trở về nhà. Có thể nói, bọn mình đi từ đầu này sang đầu kia của thành phố”, Ngọc miêu tả quãng đường cô hay đi “hóng gió”.

Nói về thói quen này, Ngọc cho biết mình là người cuồng chân, không thể ngồi trong nhà cả ngày mà không đi ra đường.

“Sau 8 tiếng ở văn phòng, mình cần ra ngoài hít thở không khí. Công việc của người yêu mình cũng có nhiều áp lực. Mình muốn dẫn bạn ấy đi giải tỏa đầu óc”, cô giải thích.

 Giá xăng tăng cao ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn phương tiện đi lại. Ảnh: Phương Lâm.

Giá xăng tăng cao ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn phương tiện đi lại. Ảnh: Phương Lâm.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện trước khi giá xăng vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít. Giờ, bản thân cô hiếm khi đổ xăng đầy bình vì “đổ nhiều càng dễ đi thả phanh”.

Theo quan sát của Ngọc, trước đây cô thường đổ 30.000-40.000 đồng mỗi lần, được nửa bình và đi trong vòng 2-3 ngày. Với cùng số tiền đó, hiện tại cô chỉ đi được hơn 1 ngày.

Mặt khác, cả hai hiếm khi chỉ đèo nhau đi chơi phố mà còn chi tiền cho việc ăn, uống trong lúc đi chơi. Ngọc thừa nhận sinh hoạt phí gia tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình phí của hai người vì “khó có thể không tiêu tiền mỗi lần ra đường, dù ít hay nhiều”.

“Di chuyển nhiều, một tháng mình chi khoảng 700.000 đồng riêng cho việc đổ xăng. Trung bình, mình tốn 15.000-20.000 đồng/ngày. Vì không thể tốn nhiều thêm vào khoản này, lựa chọn duy nhất hiện giờ là đi ít lại.

Ban đầu, mình có thấy bứt rứt, buồn chán vì không được đi chơi. Song, vì thói quen khó bỏ, mình vẫn lấy xe máy đi dạo phố, nhưng rút ngắn lại quãng đường và thời gian như đi loanh quanh trong khu hai đứa sống”, cô nói thêm.

Tương tự Nguyễn Ngọc, từ lúc giá xăng vượt mốc 30.000 đồng/lít, Anh Thư (19 tuổi, Huế) cũng phải tạm thời cắt bỏ sở thích dạo phố bằng xe máy. Mỗi khi có thời gian rảnh hay bí ý tưởng, Thư thường “lượn” vài vòng dọc sông Hương để hóng mát, thư giãn đầu óc.

 Anh Thư gặp áp lực khi giá cả leo thang. Ảnh: NVCC.

Anh Thư gặp áp lực khi giá cả leo thang. Ảnh: NVCC.

Trung bình một tháng cô gái dành ra khoảng 1 triệu đồng cho các hoạt động giải trí và chi tiêu cá nhân.

Con số này gần đây phải tăng lên vì tính chất công việc thường xuyên ra ngoài cộng với giá xăng liên tiếp chạm đỉnh khiến cô bị lố ngân sách và phải chi trả nhiều hơn.

“Trước đây, một tháng tiền xăng cộ chỉ trên dưới 200.000 đồng một chút. Giờ thì mình đổ 400.000 đồng/tháng vẫn bị thiếu. May mắn là mình còn sống với gia đình nên được ba mẹ hỗ trợ thêm”, Thư chia sẻ.

Vật giá leo thang song tiền lương vẫn như cũ, các dịch vụ giải trí cũng ngày càng đắt đỏ, ngoài cắt giảm thói quen đi dạo phố, Thư cũng hạn chế ăn vặt ở bên ngoài.

Trong bối cảnh hàng hóa, dịch vụ bắt đà đi lên, những người trẻ như Thư gặp áp lực lớn hơn khi thu nhập không tỷ lệ thuận với tốc độ tăng vọt của giá cả. Với mức chi tiêu hiện tại, bão giá cũng đòi hỏi họ có khả năng tài chính cao hơn để đáp ứng nhu cầu cá nhân.

“Mình muốn ưu tiên việc học hơn nhưng cũng phải lo sinh hoạt phí hàng tháng. Vừa đi học, vừa đi làm cộng với áp lực từ vật giá leo thang có thể khiến mình bị đuối sức”, cô gái nói thêm.

Trà My - Phương Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-ca-tang-cao-gioi-tre-cat-giam-nhu-cau-an-choi-post1322351.html