Giá của học hàm

Mới đây, lại có thêm 21 ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) ngành Y vừa bị tố và nghi ngờ không đạt tiêu chuẩn.

Như vậy, nếu tính cả 15 người bị tố lần trước, hiện tổng cộng có 36/50 ứng viên của ngành Y, Dược (hơn 70%) bị tố cáo dù đã được Hội đồng GS ngành thông qua.

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT cho biết đã nhận được đơn kiến nghị liên quan đến sự việc 21 ứng viên GS, PGS bị tố gian lận. Thanh tra sẽ lập tổ công tác để thẩm định hồ sơ của các ứng viên, tuy nhiên phải chờ quyết định của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Năm nay, ngành Y học có 45 ứng viên được Hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS. Tuy nhiên, chỉ có 40 ứng viên được Hội đồng GS ngành thông qua. Trong đó, có 9 ứng viên GS, 31 ứng viên PGS. Trong khi đó, ngành Dược có 11 ứng viên được Hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS nhưng chỉ có 10 ứng viên được Hội đồng GS ngành thông qua. Trong đó, có 2 ứng viên GS, 8 ứng viên PGS.

Xét tổng thể, việc có tới hơn 70% ứng viên bị tố cáo gian lận là điều rất đáng phải lưu tâm. Qua vụ việc này, băn khoăn lớn đang được đặt ra là tại sao lại có nhiều ứng viên ở lĩnh vực Y, Dược bị tố cáo đến thế? Phân tích từ một số chuyên gia cho hay, có nhiều ứng viên ngành Y rất giỏi nhưng cũng có người năng lực hạn chế phải thuê viết bài báo khoa học, thuê đăng bài.

GS Nguyễn Ngọc Châu cho rằng: Chức danh GS, PGS ở lĩnh vực Y, Dược có thể đem lại nhiều lợi ích cho ứng viên. Đơn cử như cái giá đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện, chỉ cần PGS, GS khám thì bảng giá khám bệnh khác: GS khám là 500.000 đồng, PGS là 400.000 đồng, Tiến sĩ thì 300.000 đồng… Bảng giá này chẳng có ai quy định nhưng hiện nay đã có những bệnh viện công khai điều này.

Theo Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/1/2020, ứng viên cho chức danh GS phải công bố được ít nhất 5 bài báo khoa học hoặc bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế. Với ứng viên cho chức danh PGS, phải công bố được ít nhất 3 bài báo khoa học hoặc bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế…

Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2019, việc xét GS, PGS theo Nghị định 37 của Thủ tướng Chính phủ, hồ sơ của các ứng viên được công khai trên mạng, hàng nghìn nhà khoa học, hoặc là đồng nghiệp sẽ có thể thẩm định và phát hiện ra nếu có thiếu sót. Vì lẽ đó, những sai phạm cũng dễ bị phát hiện hơn.

Trên thực tế lâu nay tỉ lệ người học hàm GS, PGS của Việt Nam qua mỗi lần phong danh không hề ít, nhưng những công trình sáng chế của họ lại vô cùng khiêm tốn…Vì lẽ đó, cái giá của học hàm được đo bằng năng lực thực chất - vẫn bền hơn và minh bạch hơn là đo bằng lợi ích dựa trên “bảng giá” dán ở phòng khám các bệnh viện. Ấy là chưa kể một nghịch lý là số lượng GS, PGS nhiều mà người truyền dạy kiến thức không được bao nhiêu. Nếu phong hàm GS, PGS cho những người không thực hiện nhiệm vụ truyền thụ kiến thức cốt để tăng số lượng liệu có tốt? Điều này cần được xác định rất rõ.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gia-cua-hoc-ham-521819.html