Giá đậu nành chịu áp lực thặng dư lớn

Giữa tháng 8 năm nay, giá hợp đồng tương lai đậu nành trên sàn CBOT đã giảm xuống dưới mức 10 USD/giạ (từ 20-22kg) khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và các tổ chức nghiên cứu lớn khác báo cáo điều kiện cung ứng thuận lợi hơn dự kiến cho thị trường toàn cầu.

Cung tăng nhanh hơn cầu

Được mệnh danh là "vua của các loại đậu", đậu nành là một loại thực vật họ đậu được đánh giá cao là nguồn cung cấp protein giá rẻ cho thức ăn chăn nuôi, và cũng là thành phần trong các sản phẩm thực phẩm như đậu phụ và sữa đậu nành để tiêu dùng trên toàn thế giới. Đậu nành cũng là thành phần của nhiên liệu sinh học để sử dụng trong vô số các ứng dụng công nghiệp.

Đậu nành ban đầu phổ biến ở châu Á, nhưng sản xuất đậu nành hiện nay chủ yếu do châu Mỹ thống trị, với Mỹ, Brazil, Argentina, Canada, Paraguay và Uruguay chiếm hơn 85% sản lượng toàn cầu.

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ của đậu nành vẫn tăng trưởng tốt trong năm nay với mức tăng dự kiến tăng 5,1% nhờ kinh tế toàn cầu ổn định, thậm chí đó là mức tăng tốt nhất trong vòng 4 năm qua, nhưng nguồn cung thậm chí còn bùng nổ hơn với mức tăng được dự báo hơn 8%.

Chỉ số Bloomberg Grains Subindex (BCOMGR), theo dõi giá bắp, đậu nành và lúa mì tương lai tại Chicago và Kansas, đã giảm 17% và giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 12-2020. Theo Bloomberg, hiệu suất của chỉ số này là tệ nhất trong số các nhóm hàng hóa chính, trong khi các chỉ số khác như năng lượng và kim loại đều tăng trong năm 2024.

Theo báo cáo mới nhất của USDA, sản lượng đậu nành mùa vụ 2024-2025 tại các quốc gia sản xuất chính như Brazil, Mỹ, Argentina… đều tăng trưởng mạnh. Tại Brazil (quốc gia sản xuất và xuất khẩu đậu nành lớn nhất), diện tích trồng dự kiến tăng 3% lên mức 47,4 triệu ha và thu hoạch đậu nành của Brazil dự kiến đạt 166,28 triệu tấn trong vụ 2024-2025, tăng 12,82% so với vụ trước.

Còn tại Mỹ (sản lượng đứng thứ 2), báo cáo diện tích trồng đậu nành của Cục Thống kê nông nghiệp Quốc gia (NASS), thuộc USDA, công bố cho thấy 86,1 triệu mẫu Anh đậu nành đã được trồng trong mùa vụ 2024-2025, tăng 3% so với năm ngoái. Với năng suất thu hoạch cũng cao hơn, nguồn cung đậu nành của Mỹ được dự báo là 4,8 tỷ giạ, cao hơn 8% so với mùa vụ 2023-2024. Sản lượng của Argentina (đứng thứ 3) cũng được dự báo tăng trưởng hơn 6% trong mùa vụ hiện tại.

Với việc nguồn cung nở rộ ồ ạt trên toàn cầu, sự tăng trưởng trong nhu cầu nhờ gia tăng dân số và mở rộng công nghiệp không theo kịp dẫn tới tỷ lệ tồn kho cuối mùa vụ 2024-2025 so với tiêu thụ được dự kiến tăng lên mức 33,4%. Đây là mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Trong tình huống cán cân cung - cầu thặng dư, giá cả vẫn có thể được hỗ trợ trong trường hợp biên lợi nhuận của các lĩnh vực phía hạ nguồn gặp thuận lợi, bởi tâm lý mua hàng tích cực.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại đối với triển vọng kinh tế của Trung Quốc không tốt khi tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ của nước này hiện đang rất cao, trên 15%, và gần gấp 3 lần các quốc gia như Mỹ hay EU. Trong khi đó, tỷ lệ tồn kho bất động sản ở Trung Quốc cũng đang ở mức đỉnh cao hơn cả thời điểm năm 2014-2015 (diễn ra khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc).

Chỉ số giá nhà ở Trung Quốc hiện tại vẫn đang nằm trong xu hướng giảm, trong khi giá cả hàng hóa công nghiệp của nước này giảm liên tục kể từ tháng 10-2022 đến nay.

Điều đó tất yếu dẫn tới tâm lý mua hàng nguyên liệu thận trọng và mức độ trả giá sẽ rất sát sao. Nhất là trong bối cảnh mức dư thừa đậu nành lớn hơn dự kiến. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc (chiếm 61% nhu cầu nhập khẩu thế giới) cũng được dự báo giảm xuống chỉ còn 109 triệu tấn trong mùa vụ hiện tại.

Giá đậu nành vốn thường được hỗ trợ từ nhu cầu nhập khẩu lớn của Trung Quốc, nhưng kỳ vọng này đang ‘mờ nhạt" do dân số của Trung Quốc đang giảm mạnh kể từ năm 2022 và dự báo dân số tiếp tục giảm trong vài năm tới.

Các mặt hàng thay thế dồi dào

Công ty Cung ứng quốc gia (Conab) của Brazil ước tính sản lượng mặt hàng có tính thay thế cạnh tranh như bắp trong vụ 2024-2025 của Brazil là 119,8 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ vụ trước. Tổ chức này cho biết tổng sản lượng ngũ cốc và hạt có dầu của Brazil sẽ đạt mức kỷ lục 326,9 triệu tấn trong mùa vụ hiện tại, tăng so với mức 302,2 triệu tấn được sản xuất ở mùa trước.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác cũng thường tác động đến xu hướng giá đậu nành đó là giá trị đồng Real (BRL) của Brazil đã giảm 11% so với USD trong năm nay. Yếu tố này đã hỗ trợ bù đắp được phần nào cho mức giá giảm đối với các nhà xuất khẩu đậu nành của Brazil, giúp họ tránh được những khoản lỗ quá mức. Nhưng chính điều đó cũng tạo ra một dư địa để hạ giá bán nhằm cạnh tranh do cấu trúc dư thừa của thị trường hiện tại.

Hiện tại, giá thị trường giảm đối với đậu nành và bắp trong mùa hè năm nay đã dẫn đến dự báo lợi nhuận ở Mỹ thấp hơn trong năm vụ mùa 2024 so với năm ngoái. Tuy nhiên, mức giảm giá vẫn không đủ lớn để dẫn đến có khả năng cao được thanh toán các khoản bảo hiểm doanh thu đối với các chính sách trang trại riêng lẻ.

Và điều đó có thể làm tăng khả năng các nhà trồng đậu nành và bắp cần phải tính toán đẩy mạnh bán ra dẫn tới càng áp lực lên giá. Dường như mọi góc độ đều dẫn tới khả năng cao của một xu hướng giảm giá kéo dài trên thị trường đậu nành thời gian tới, ít nhất cho tới giữa năm 2025.

PHẠM TUẤN

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/gia-dau-nanh-chiu-ap-luc-thang-du-lon-post117914.html