Giá điện: Tính đúng, tính đủ để dần xóa bỏ cơ chế bù chéo
Giá điện cần đảm bảo cách tính công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ để dần xóa bỏ cơ chế bù chéo giữa các nhóm khách hàng như hiện tại.
Đề nghị này vừa được một số đại biểu quốc hội đóng góp vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi) - sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào ngày 7/11 tới.
Xóa bù chéo giá điện: Cần quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số, hộ nghèo
Cụ thể, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) nêu, thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia/không tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện. Giảm dần, tiến tới xóa bù chéo giá điện giữa các vùng, miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện.
Về đề nghị Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được thông qua tại một kỳ họp (tức kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV), đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng hơn các chính sách đưa ra trong dự án Luật.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, cần đưa những nguyên tắc, tiêu chí xác định cụ thể để tính được giá điện đảm bảo công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ đầu vào và đầu ra, đặc biệt là quan tâm đến nhóm điện bán lẻ để làm sao cũng phải công khai, minh bạch.
Ví dụ, mục 3.3 Nghị quyết 55 năm 2020 của Bộ Chính trị nêu: xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền. Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường như thuế, phí, quỹ và chính sách an sinh xã hội phù hợp.
Đối với các tỉnh miền núi có đông đồng bào vùng dân tộc thiểu số và đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có chính sách hỗ trợ điện, số điện mà người dân sử dụng không nhiều, gần như là ít. Đồng thời, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng dân tộc thiểu số rất cao như kéo điện, cột điện, dây điện, nên tiêu hao điện lớn.
Do đó, nếu thực hiện theo Nghị quyết 55 về tiến tới, dần có thể xóa bỏ được theo cơ chế bù chéo thì có lẽ các tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn. Từ đây, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, cần có lộ trình để quan tâm đến những nhóm đối tượng vùng dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo.
Vấn đề bù chéo giá điện cũng được Chính phủ đề cập, trong Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Điện lực giai đoạn 2005-2023, như một trong những quy định tại Luật Điện lực không còn phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, chi phí cấp điện đến mỗi vùng, miền là khác nhau do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố về đặc điểm địa hình, cư trú của người dân, đặc điểm tiêu thụ điện năng, mặt bằng giá cả.
Chi phí cung cấp điện đến vùng sâu, vùng xa, miền núi nhiều hơn chi phí cung cấp điện ở thành thị do đặc điểm địa hình hiểm trở, người dân sống rải rác, không tập trung… trong khi thu nhập của người dân tại đây thấp hơn thu nhập của người dân ở thành thị nhiều.
Vì vậy, việc bù chéo trong giá điện giữa các vùng miền là cần thiết để đảm bảo người dân ở mọi miền tổ quốc có quyền tiếp cận và sử dụng điện năng, nâng cao chất lượng cuộc sống và đặc biệt là tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn nắm bắt được đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc giữ vững và bảo vệ tổ quốc.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 55 cũng đã nêu định hướng phát triển năng lượng quốc gia, theo đó “không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền”. Do đó, quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Điện lực về chính sách giá điện cần sửa đổi để phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 55.
Tính đúng, tính đủ để hài hòa lợi ích
Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực, đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) đề nghị bổ sung vào khoản 8 dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cụm từ: “đảm bảo hài hòa lợi ích của các ngành, doanh nghiệp trong phát triển nhiệt điện khí”.
Lý do, theo bà Hà, là hiện nay, trong việc khai thác và sử dụng một nguồn nhiên liệu cùng trong dự án điện khí thì các đơn vị khai thác, bán nhiên liệu hiệu quả sẽ có doanh thu, lợi nhuận cao, nhưng cũng dẫn đến bên sử dụng, tiêu thụ và mua điện lại phải mua với giá cao, không có hiệu quả kinh doanh.
Mặt khác, nếu giá mua điện đầu vào cao cũng sẽ được tính vào giá điện và khách hàng sử dụng điện sẽ phải gánh chịu các chi phí này. Do đó, việc đảm bảo hài hòa quyền lợi, lợi ích giữa các ngành, doanh nghiệp là rất cần thiết, đại biểu Lê Thu Hà lưu ý.
Liên quan đến vấn đề điều tiết thị trường điện khi giá điện tăng cao, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đề cập việc Thủ tướng quy định về điều kiện cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh quy định các nguyên tắc hoạt động, lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh phù hợp với các quy định tại luật này và tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Đại biểu Lê Thu Hà đề nghị bổ sung quy định cụ thể cho phép dừng thị trường điện khi giá thị trường điện lên quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng/bên mua điện trong trường hợp chi phí thị trường chưa được chuyển ngang toàn bộ vào giá bán lẻ điện.
Nguyên nhân là giá thị trường điện có thể ngày càng có xu hướng tăng cao bởi các yếu tố đầu vào như nhiên liệu, khi đó thì sẽ có trường hợp giá thị trường lên quá cao và ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng/bên mua điện. Do đó, cần có cơ chế xem xét dừng thị trường điện trong trường hợp này và luật hóa trong quy định của Luật Điện lực (sửa đổi).
Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Điện lực (giai đoạn 2005-2023), Chính phủ cũng chỉ ra vấn đề về bù chéo giữa các tổng công ty điện lực trong bối cảnh vẫn giữ giá bán lẻ điện thống nhất toàn quốc, cơ chế thuế VAT cho các hợp đồng kỳ hạn trong thị trường điện.
Đây là vấn đề cần được xử lý để đảm bảo đúng nguyên tắc hoạt động của thị trường, đồng thời giá điện cũng cần phản ánh đầy đủ các chi phí trong quá trình sản xuất đến tiêu thụ điện.
Về việc tính đúng, tính đủ và lợi nhuận hợp lý của các đơn vị điện lực, Chính phủ đánh giá, đối với khâu phát điện, các đơn vị phát điện bao gồm các dự án IPP, BOT và nhà máy nhiệt điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN tham gia thị trường điện bán buôn đã thỏa thuận, đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện với tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) phổ biến ở mức từ 10 – 12%.
Đối với các đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN (thủy điện đa mục tiêu), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức bằng phương án giá bán lẻ điện bình quân (khoảng 3%).
Liên quan tới khâu truyền tải, phân phối và bán lẻ điện, lợi nhuận của các đơn vị truyền tải điện, dịch vụ phụ trợ, các Tổng công ty điện lực trong khoảng từ 0% - dưới 3%, tùy tình hình cân đối tài chính của EVN hàng năm, đặc biệt trong các năm không thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Như vậy, Chính phủ đánh giá, có sự không thống nhất về mức lợi nhuận áp dụng giữa các đơn vị điện lực. Hiện nay, đã có các thành phần kinh tế tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư các dự án nguồn điện và sắp tới là lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối.
Vì vậy, cần thiết phải kế thừa những nguyên tắc đang quy định tại Luật Điện lực và tiếp tục bổ sung chính sách phù hợp theo những nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết 55 là “xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”.