Gia đình bé bị cắt nhầm bàng quang xin điều trị tại Khánh Hòa

Ngày 29-7, bác sĩ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã nhận được báo cáo của Bệnh viện Cam Ranh kèm đơn trình bày nguyện vọng của gia đình xin được điều trị tiếp tục tại Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa.

Ông Bùi Xuân Minh cũng cho biết, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cũng đã gửi công văn báo cáo lên Bộ Y tế.

Về phía Bệnh viện Cam Ranh, Giám đốc - bác sĩ Nguyễn Hồng Quang cho biết, đã liên hệ với một số chuyên gia ngoại tiết niệu ở TP Hồ Chí Minh và ngoại nhi ở Đà Nẵng, đề nghị giúp tham gia hội chẩn và phẫu thuật tái tạo bàng quang cho bé theo phương pháp mới, có thể giúp bé đi tiểu được qua đường dương vật.

Rất mừng vì một số bác sĩ đã tỏ ý sẵn sàng tham gia giúp bé – bác sĩ Quang cho biết.

Bé trai Trần Anh Đức (Cam Ranh, Khánh Hòa) bị cắt nhầm bàng quang trong ca mổ khắc phục thoát vị bẹn khi mới 21 tháng tuổi. Trước đó, cuối tháng 6-2013, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Cam Ranh đã thu xếp đưa bé và cha mẹ ra Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội để được phẫu thuật và điều trị tiếp. Tuy nhiên, tại đây phương án phẫu thuật do các bác sĩ dự kiến không được gia đình đồng ý.

Theo phương án này, thay vì dẫn lưu nước tiểu qua lỗ mở ở bụng như hiện nay, sau ca mổ sẽ dẫn lưu qua lỗ mở ở hông. Như vậy, bé vẫn sẽ phải mang bông gạc thấm nước tiểu hoặc túi chứa nước tiểu bên mình suốt đời, rất bất tiện trong sinh hoạt và nguy cơ nhiễm trùng ngược rất cao, dẫn đến suy thận, ảnh hưởng nghiêm trọng tuổi thọ.

Quan tâm trường hợp thương tâm của bé Đức, một số chuyên gia ngoại tiết niệu cho biết, đã sơ bộ trao đổi các phương án phẫu thuật theo phương pháp mới cho bé. Theo đó, ưu tiên phương pháp Studer (phương pháp Camey cải tiến). Theo đó, sẽ lấy một phần ruột của bé để tái tạo bàng quang. Nước tiểu chứa trong bàng quang tái tạo này sẽ qua niệu quản bài tiết qua đường dương vật.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Phùng, nguyên Trưởng khoa Ngoại nhi Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cho biết, trường hợp phải tái tạo bàng quang ở bệnh nhân nhỏ tuổi như bé Đức chưa có tiền lệ ở Việt Nam và cũng chưa nghe tiền lệ ở nước ngoài (hầu hết chỉ thực hiện ở bệnh nhân người lớn, bị ung thư bàng quang, có chỉ định cắt bỏ).

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó giám đốc phụ trách khối Ngoại khoa Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa, ca phẫu thuật sẽ khá phức tạp và quá trình điều trị hậu phẫu sẽ rất công phu. Do bé còn nhỏ, chưa có ý thức chủ động rặn tiểu theo chu kỳ, nên sau mổ sẽ phải được người lớn chăm sóc hỗ trợ bé rặn tiểu theo chu kỳ trong nhiều năm, cho đến khi hình thành phản xạ có điều kiện. Mặt khác, do thương tổn bàng quang quá nặng (bộ phận nhận kích thích khi nước tiểu đầy bàng quang đã bị cắt hết), nên xác suất thành công như mong đợi của ca phẫu thuật khắc phục tới đây là không cao.

Tuy nhiên, theo phương pháp mới này, trong khi chờ bé tập chủ động đi tiểu được qua đường dương vật, nước tiểu được chứa trong bàng quang tái tạo và được chủ động kiểm soát cho thoát ra theo chu kỳ qua lỗ mở như một cái van, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng ngược và đỡ bất tiện cho sinh hoạt hơn rất nhiều so với phương pháp phẫu thuật Bricker cổ điển.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/20874202-.html