Gia đình là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn các giá trị dân tộc

Ra đời từ năm 2001, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 có mục tiêu tôn vinh những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, khẳng định vai trò, vị trí của mái ấm gia đình đối với sự ổn định và phát triển chung của đất nước.

Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam (2001-2020), trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: Gia đình là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn các giá trị dân tộc.

Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Tuyết Ánh.

Tôn vinh giá trị gia đình

- Trước tiên, xin bà cho biết bối cảnh ra đời và vai trò, ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam 28-6?

- Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và mọi gia đình trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; đẩy mạnh chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người cao tuổi, các gia đình có công với nước. Ngày Gia đình Việt Nam còn được coi là một trong những sự kiện tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dân tộc; khẳng định vai trò, vị trí của gia đình, trách nhiệm của các thành viên trong giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách con người.

Ngày Gia đình Việt Nam cũng là dịp để các thành viên quan tâm, chia sẻ những kết quả, thành công và những trăn trở, khó khăn, thách thức của đời sống, những kinh nghiệm xây dựng văn hóa ứng xử, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhân dịp này, từ Trung ương tới địa phương đều chỉ đạo, triển khai các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như: Tôn vinh gia đình văn hóa tiêu biểu; hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật với chủ đề về văn hóa ứng xử trong gia đình, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc...

- Với vai trò, ý nghĩa như thế, trọng tâm của những hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm nay là gì, thưa bà?

- Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông, các sự kiện gia đình theo chủ đề “Gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Với chủ đề này, nhiều bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đồng loạt triển khai các hoạt động tuyên truyền về vai trò, vị trí, giá trị của gia đình với nhiều nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn, như: Trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, hội thi, tư vấn sức khỏe gia đình, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, vinh danh gia đình tiêu biểu, chiếu phim lưu động..., góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác gia đình trong toàn xã hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam tại Trung tâm Triển lãm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và nhiều điểm giao lưu văn hóa khác ở Thủ đô, như: Các triển lãm “Suối nguồn yêu thương”, “Màu hạnh phúc”, “Gia đình đọc sách - gắn kết yêu thương”...; các hội thảo “Biến đổi quan hệ gia đình ở nước ta trong bối cảnh hiện nay”, "Chăm sóc sức khỏe trong gia đình"...

Đặc biệt, chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” được nối tiếp tổ chức, duy trì truyền thông mạnh mẽ, xuyên suốt từ năm 2014 đến nay, thu hút sự hưởng ứng tham gia của hàng triệu gia đình trên cả nước. Với rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa sôi nổi, phong phú…, chúng tôi tin tưởng “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” năm 2020 này tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của các gia đình, trở thành cầu nối vun đắp tình cảm, trao truyền các giá trị văn hóa thiêng liêng từ gia đình.

Hướng tới xây dựng người Việt Nam phát triển toàn diện

- Bà có thể cho biết, cùng với các hoạt động nêu trên, việc triển khai thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" đã và đang được thực hiện như thế nào?

- “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tháng 12-2017 và đã triển khai thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, An Giang và thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2019 đến nay. Triển khai bộ tiêu chí góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình và xã hội.

Tại Hà Nội, trong năm 2019, thành phố đã lựa chọn 2 xã, phường mang những nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô, đó là xã Phú Cường (huyện Ba Vì) và phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) để thực hiện thí điểm. Mỗi địa bàn lại lựa chọn 300 hộ gia đình đăng ký tham gia, trên cơ sở đa dạng về loại hình gia đình, tuổi tác, trình độ học vấn, nghề nghiệp... Sau một thời gian triển khai, chương trình đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng về công tác gia đình. Năm 2020, Hà Nội có thêm 5 xã, phường, thị trấn đăng ký thí điểm (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất; xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn; xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; thị trấn Yên Viên và xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm), với các chương trình cụ thể, như: Tổ chức lễ phát động; tổ chức tọa đàm, giao lưu với chuyên gia...

Ngoài ra, ở các địa phương thực hiện thí điểm, việc lồng ghép nội dung bộ tiêu chí với các hoạt động mô hình, câu lạc bộ hoặc sinh hoạt đoàn thể, được thực hiện đều đặn, xuyên suốt, như: Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, mô hình gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ gia đình văn hóa, văn nghệ... Đặc biệt, nhiều gia đình tham gia đăng ký thi đua thực hiện bộ tiêu chí đã trở thành điển hình trong văn hóa ứng xử, được cộng đồng đánh giá cao... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức tổng kết hoạt động thí điểm và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình thời gian tiếp theo.

- Theo bà, để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã, đang và sẽ có giải pháp gì?

- Trong giai đoạn 2010-2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam. Đề án đã được triển khai, thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu chung là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, thông qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục thiết thực, phù hợp với điều kiện và đặc thù từng địa phương.

Trong 10 năm qua, 100% các bộ, ngành, địa phương đã triển khai, phối hợp thực hiện đề án, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng trong gia đình, tạo mối quan hệ gia đình thêm bền chặt, gắn bó để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Đề án cũng xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình trong các cuộc sinh hoạt cộng đồng, trên phương tiện truyền thông đại chúng và hệ thống truyền thanh cơ sở. Các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được lồng ghép hiệu quả trong các hoạt động truyền thông cao điểm nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới...

Năm 2020, Bộ sẽ tổng kết trên toàn quốc Đề án giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được, khó khăn, vướng mắc và có kiến nghị, giải pháp để thực hiện công tác này hiệu quả hơn. Tinh thần xuyên suốt là gia đình phải trở thành nơi nuôi dưỡng, bảo tồn các giá trị dân tộc, góp phần xây dựng người Việt Nam phát triển toàn diện.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Thanh Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/971226/gia-dinh-la-noi-nuoi-duong-bao-ton-cac-gia-tri-dan-toc