Gia đình tốt - xã hội tốt
BPO - Dưới góc độ pháp luật, gia đình là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa - xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục… giữa các thành viên. Gia đình còn là cái nôi hình thành nhân cách, giáo dục phẩm chất, đạo đức, ý chí, tính cách để giữ gìn tôn ti, gia phong và cao hơn nữa là trật tự, kỷ cương xã hội. Tuy nhiên, do những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, cùng với đó là sự ảnh hưởng của internet và mạng xã hội đã làm cho đạo đức gia đình bị suy thoái, lối sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân… đang có dấu hiệu trỗi dậy. Vì thế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ban hành bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với mục đích nâng cao giáo dục đạo đức, lối sống trong mỗi gia đình. Sau đây xin giới thiệu cùng bạn đọc về những nội dung chính, đáng quan tâm trong bộ tiêu chí này.
Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ
Tiêu chí ứng xử chung cho mỗi gia đình Việt Nam bao gồm 4 nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là tôn trọng. Nội dung của nguyên tắc này là đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
Nguyên tắc thứ hai là bình đẳng. Theo đó, các thành viên trong mỗi gia đình đều có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Nguyên tắc thứ ba là yêu thương. Tức là tất cả thành viên trong gia đình không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ đều phải có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau.
Nguyên tắc thứ tư là chia sẻ. Điều này có nghĩa là mỗi người trong gia đình đều có trách nhiệm và nghĩa vụ cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Chung thủy, nghĩa tình
Trong thiết chế gia đình ở Việt Nam, trụ cột là vợ chồng, vì thế bộ quy tắc này đặt ra tiêu chí đầu tiên là vợ chồng phải cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Tiêu chí tiếp theo là phải có trách nhiệm yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình.
Tiêu chí thứ ba là vợ chồng phải luôn tạo điều kiện, giúp đỡ nhau lựa chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiêu chí thứ tư là phải biết lắng nghe, cùng nhau thảo luận, thống nhất và quyết định những vấn đề chung của gia đình; hòa nhã với nhau.
Gương mẫu, yêu thương
Theo quy định trong bộ tiêu chí này thì cha mẹ, ông bà phải luôn làm gương cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; đặc biệt là phải có tình cảm gắn bó gần gũi với con, cháu. Đồng thời, cha mẹ, ông bà phải biết dành sự quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con, cháu khi con, cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân.
Đặc biệt, cha mẹ, ông bà còn có trách nhiệm và nghĩa vụ cao quý đó là trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con, cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp gia đình, gia phong của dòng tộc và quê hương cho con, cháu.
Hiếu thảo, lễ phép
Một trong những nội dung quan trọng nhất trong bộ tiêu chí này là quy định về cách ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà, đó là: Phải luôn kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Đồng thời, con, cháu phải biết rõ trách nhiệm và nghĩa vụ cao quý của mình là phải thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc, động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Đặc biệt, trong bộ tiêu chí này còn giải thích rõ, việc con cháu biết học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính… cũng là một cách hiếu thảo, lễ phép với ông bà, cha mẹ. Bởi lẽ, một người con, người cháu học hành không giỏi tức là không biết nghe lời ông bà, cha mẹ. Và một người con, người cháu như vậy là không biết vâng lời và như thế cũng là không hiếu thảo.
Hòa thuận, chia sẻ
Đây là tiêu chí ứng xử quan trọng nhất của anh, chị, em trong mỗi gia đình. Để thực hiệt tốt tiêu chí này thì tất cả anh, chị, em trong gia đình hay rộng hơn là trong một dòng tộc phải luôn tôn trọng, dạy bảo nhau điều hay, lẽ phải. Trong cuộc sống thì người làm anh, chị phải biết bao dung đối với em, còn em luôn kính trọng anh, chị. Và điều quan trọng nữa là anh, chị, em phải biết cùng nhau chia sẻ công việc chung trong gia đình và chân thành, nhiệt tình giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn.
Như vậy, với mục đích nhằm nâng cao giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, qua đó giúp các thành viên trong gia đình hiểu được đạo lý, trung hiếu, tiết nghĩa, hòa thuận, thương yêu nhau. Mỗi thành viên biết hướng thiện, cảm thông và sống vị tha, cư xử đúng mực, có lối sống lành mạnh; giáo dục nền nếp gia phong, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của gia đình; con, cháu hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; ông bà sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con, cháu trở thành người có ích cho xã hội. Đây chính là nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: …nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, trang 523).
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/130878/gia-dinh-tot-xa-hoi-tot