Giá gạo bán lẻ rục rịch tăng lại, tiểu thương nhập hàng cầm chừng

Sau thông tin Indonesia mua thêm 1,5 triệu tấn gạo dự trữ và Việt Nam sẽ là nguồn cung gạo chính cho thị trường này, giá gạo xuất khẩu nhanh chóng tăng trở lại. Tại thị trường bán lẻ, giá gạo cũng rục rịch tăng, tiểu thương chỉ dám nhập hàng cầm chừng do lo sợ thua lỗ.

Giá gạo liên tục “nhảy múa”

Sau thời gian ổn định, thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu tăng trở lại do nhu cầu mua tại các thị trường châu Á, châu Phi tăng lên. Đáng chú ý, chính quyền Indonesia về việc cần mua thêm đến 1,5 triệu tấn gạo từ nay đến cuối năm.

Giá gạo xuất khẩu tăng nhanh chóng đã kéo theo giá gạo bán lẻ trong nước cũng rục rịch tăng trở lại.

Ghi nhận của PV ngày 26/10 tại các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ ở TP Hà Nội cho thấy, giá gạo bán lẻ đã bắt đầu tăng từ 500 đồng - 2.000 đồng/kg so với đầu tháng 10/2023. Giá gạo đã có sự biến động từ một tuần trước.

 Giá gạo biến động theo ngày.

Giá gạo biến động theo ngày.

Theo bà Đinh Thị Thanh - chủ cửa hàng bán lẻ gạo tại Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện giá một số loại gạo như ST24, ST25, tẻ đen, gạo Bắc Hương, gạo Điện Biên, xi dẻo, khang dân,... đều lần lượt tăng, dao động từ 800 đồng - 2.000 đồng/kg, tùy loại.

Cụ thể, giá bán lẻ loại gạo nở khô hiện ở mức 18.000 đồng - 19.000 đồng/kg, loại gạo mềm và thơm có giá 19.000 đồng - 20.000 đồng/kg, loại dẻo thơm 22.000 đồng - 25.000 đồng/kg, tùy loại. Riêng gạo ST 25 (loại thường) giá 28.000 đồng - 29.000 đồng/kg.

“Liên tục 2 tháng vừa qua, nhà buôn đều gửi bảng thông báo tăng giá. Nguồn cung tăng giá nên giá bán lẻ cũng buộc phải tăng theo nhưng chúng tôi cũng không dám tăng nhiều để giữ chân khách” - bà Thanh chia sẻ.

Bước ra cửa hàng gạo, chị Nguyễn Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ dám mua 5kg gạo thay vì mua cả 10kg như trước.

“Giá gạo liên tục biến động nên tôi chỉ mua mỗi lần 5kg để dùng tạm trong lúc chờ giá gạo hạ xuống. Giá gạo cũng ảnh hưởng đến rất nhiều mặt hàng bún, phở khác nên thời gian này, tôi không dám mạnh tay chi tiêu” - chị Nguyễn Nhung cho biết.

Lo sợ thua lỗ, tiểu thương dè dặt nhập hàng

Bà Hoài, tiểu thương bán gạo tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng khi hơn 1 tuần vừa qua, việc buôn bán của bà bị ảnh hưởng bởi giá gạo bấp bênh.

“Giá gạo tăng cao nên tâm lý khách hàng thường mua số lượng vừa phải, không mua dự trữ như trước, chờ giá gạo bình ổn trở lại. Hiện tại, tôi cũng không dám nhập nhiều vì mỗi ngày một giá, nếu nhập nhiều mà giá quay đầu giảm thì sẽ lỗ nặng” - bà Hoài chia sẻ.

 Tiểu thương không dám nhập hàng nhiều do sợ thua lỗ.

Tiểu thương không dám nhập hàng nhiều do sợ thua lỗ.

Bà Hoài cho biết, trước mắt các loại gạo đều sẽ tăng khoảng 1.000 đồng/kg, trong đó, gạo xi dẻo, khang dân tăng lên mức 14.000 đồng/kg; gạo hương lài, thơm lài… cũng tăng lên mức 19.000 đồng - 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, gạo ST25 (loại thường) tăng lên 27.000 đồng - 29.000 đồng/kg.

Các loại gạo nếp như nếp cái cũng lên 26.000 đồng/kg, nếp cẩm có giá 33.000 đồng/kg, nếp lứt có giá 27.000 đồng/kg…

Chung cảnh ngộ, anh Hưng Khang, tiểu thương bán gạo tại chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh chỉ dám nhập hàng cầm chừng. Tại cửa hàng của anh chủ yếu là bán gạo dự trữ từ 2 tháng trước nên anh Khang không tăng giá để giữ chân khách hàng.

“Tôi không dám dự trữ hàng quá nhiều vì mỗi ngày một giá. Thậm chí, giá gạo còn biến động trong ngày nên sức mua chậm hơn rất nhiều so với thời điểm 3 tháng trước.

Nếu giá bán lẻ cũng thay đổi liên tục thì rất dễ mất khách nên tạm thời tôi vẫn giữ giá cũ. Nhưng nếu thời gian tới giá gạo còn có xu hướng tăng thì buộc tôi cũng phải tăng giá bán lẻ để không bị lỗ” - anh Khang chia sẻ.

Bài và ảnh: Nguyễn Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-gao-ban-le-ruc-rich-tang-lai-tieu-thuong-nhap-hang-cam-chung-post270092.html