Giá gạo Việt Nam tuần qua 'neo' ở mức cao của một năm

Giá gạo Việt Nam 'neo' ở mức cao của một năm trong bối cảnh các nhà giao dịch dự báo nhu cầu cuối vụ sẽ tăng lên, trong khi giá gạo từ các 'vựa lúa' khác không đổi do không có đơn đặt hàng mới.

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước ở mức 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.

Các thương nhân cho biết giá gạo có thể sẽ duy trì ở mức này hoặc thậm chí tăng nhẹ trong những tuần tới, vì nhu cầu thường cao hơn vào cuối năm, trong khi nguồn cung lương thực toàn cầu không ổn định liên quan đến khủng hoảng Ukraine.

Số liệu của chính phủ cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 10/2022 đã tăng 22,3% so với tháng trước lên 713.546 tấn, trong khi xuất khẩu gạo trong giai đoạn tháng 1-10/2022 tăng 17,4% so với cùng giai đoạn năm ngoái lên khoảng 6 triệu tấn, trị giá 2,95 tỷ USD.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 410 USD/tấn, so với mức 405-410 USD/tấn trong tuần trước. Giá không chênh lệch nhiều do nhu cầu hạn chế, tuy nhiên các thương nhân cho hay giá lương thực thiết yếu này có thể sẽ giảm khi có nguồn cung mới từ vụ thu hoạch sắp tới.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không đổi ở mức 370-375 USD/tấn. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này cho biết lượng đơn đặt hàng mới đã chậm lại, nhưng các nhà xuất khẩu không thể giảm giá do rupee đang tăng giá trong vài ngày gần đây.

Lượng mưa lớn hồi đầu tháng đã làm hư hại cây lúa ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất chính. Trong khi đó, lũ lụt nghiêm trọng đã phá hủy mùa màng ở nước láng giềng Bangladesh tại thời điểm nước này đang vật lộn để kiềm chế giá gạo trong nước tăng do nguồn cung thấp.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng của Bangladesh có thể giảm 1% so với năm 2021 xuống còn 35,6 triệu tấn trong niên vụ 2022-23 do lũ lụt.

Trong phiên giao dịch 11/11, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) đồng loạt đi lên, dẫn đầu là giá đậu tương.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 4,75 xu Mỹ (0,73%) lên 6,58 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 cũng tăng 10,25 xu Mỹ (1,28%) lên 8,1375 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 1/2023 tăng 27 xu Mỹ (1,9%) lên 14,5 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá đậu tương tăng do giá dầu thô tăng trong bối cảnh dự báo thời tiết Mỹ lạnh giá và đồng USD giảm mạnh. Sự chú ý của thị trường vào cuối tuần này là về hành lang xuất khẩu Ukraine khi các cuộc đàm phán đang diễn ra tại Geneva. Công ty nghiên cứu AgResource tại Chicago cho hay bất kỳ đợt tăng mạnh nào vào đầu tuần đều là cơ hội bán hàng.

Nga thông báo nước này đang có kế hoạch đánh thuế xuất khẩu phân bón khi giá tăng trên 450 USD/tấn, để hỗ trợ ngành nông nghiệp trong nước. Nga chiếm 13% sản lượng phân bón thế giới hàng năm.

Trong một cuộc đấu thầu kết thúc qua đêm, Tunisia đã đặt 100.000 tấn lúa mỳ và 100.000 tấn lúa mỳ cứng.

Trung Quốc được cho là đã mua 5 chuyến hàng đậu tương của Mỹ cho tháng 1/2023 và 5 chuyến hàng đậu tương Brazil cho tháng 3/2023. Cũng có nguồn tin cho hay Trung Quốc đã đặt 2 chuyến hàng đậu tương của Argentina cho tháng 5/2023.

Cà phê huyện Đăk Hà (Kon Tum) vào mùa thu hoạch. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Cà phê huyện Đăk Hà (Kon Tum) vào mùa thu hoạch. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối xu hướng tăng. Giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 tăng 9 USD lên 1.836 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 3/2023 tăng thêm 11 USD lên 1.825 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York có xu hướng đi ngược chiều nhau. Giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 0,90 xu Mỹ, xuống 168,10 xu Mỹ/lb, trong khi giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 tăng 0,40 xu Mỹ, lên 168,10 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 – 200 đồng, lên dao động trong khung 40.500 – 41.100 đồng/kg.

Giá cà phê trên hai sàn tiếp nối xu hướng tăng do tác động của báo cáo về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2022 của Mỹ lên thị trường tài chính và hàng hóa thế giới nói chung, cùng với thông tin thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại đã góp phần kích hoạt đà tăng giá do kỳ vọng vào nhu cầu hàng hóa tăng lên.

Bên cạnh đó, chỉ số đồng USD sụt giảm mạnh trong hai phiên liên tiếp cũng khuyến khích các Quỹ và nhà đầu cơ quay lại các thị trường để mua vào sau khi giá cà phê kỳ hạn giảm xuống đứng ở mức thấp.

Dữ liệu báo cáo sơ bộ của Hải quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu cà phê tháng 10/2022 chỉ đạt 79.833 tấn (khoảng 1,33 triệu bao), giảm 13,74% so với tháng trước và giảm tới 19,71% so với cùng kỳ năm trước, góp phần kích thích giá tăng.

Ngân hàng đầu tư Rabobank dự báo toàn cầu có khả năng dư thừa cà phê trong niên vụ 2023/2024 do dự kiến tiêu thụ sụt giảm vì suy thoái kinh tế và khủng hoảng năng lượng, tuy nhiên điều này vẫn còn chưa rõ ràng./.

Minh Hằng (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-gao-viet-nam-tuan-qua-neo-o-muc-cao-cua-mot-nam/268441.html