Gia hạn giảm 30 khoản phí, lệ phí để hỗ trợ tối đa cho sản xuất, kinh doanh
Bộ Tài chính đã ban hành thông tư giảm một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, Thông tư 47 được ban hành trong bối cảnh dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam (một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội) làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế.
Dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19. Nhiều ngành, lĩnh vực trong nước gặp khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ (nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải...).
Trước tình hình đó, để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, căn cứ quy định pháp luật phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng và ban hành Thông tư 47 quy định giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (trong đó, 29 khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021 và bổ sung giảm thêm mức thu 01 khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp).
Với nhiều mức giảm cao, điển hình như: giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không… sẽ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh cho đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19
Theo Bộ Tài chính, ước tính, số giảm thu từ phí, lệ phí trong 06 tháng cuối năm 2021 khoảng 1.000 tỷ đồng. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kịp thời khó khăn, vướng mắc thủ tục hành chính thuế cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, ngành Tài chính kiên quyết loại bỏ những cơ chế, chính sách có dấu hiệu cản trở, gây khó khăn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp thu hút đầu tư kinh doanh, vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.
Tạo động lực cho doanh nghiệp
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp đang khát vốn thì “một đồng cũng quý” và đề xuất này của Bộ Tài chính là rất đáng mừng.
Ông cho rằng, thuế, phí là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). Do đó, những chính sách liên quan đến thuế, phí phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần giúp doanh nghiệp ổn định để còn yên tâm làm ăn, phục hồi sau dịch Covid-19.
Việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động khá tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt là việc giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động…
Hiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát, kiến nghị miễn, giảm thuế, phí và lệ phí đặc biệt là trên các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh kiến nghị về các chính sách hỗ trợ trước mắt, có tính chất ngắn hạn để tạm thời vượt qua khó khăn, doanh nghiệp/hiệp hội tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chú trọng tổ chức các cuộc trao đổi, tham vấn với doanh nghiệp để cùng tìm ra các giải pháp có tính “dài hơi” hơn.
Cơ quan chức năng và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ để nhận diện các xu hướng phát triển trong bối cảnh đại dịch ở từng ngành, lĩnh vực, đánh giá các biện pháp cần thiết cả ở góc độ chính sách cũng như hành động chủ động của doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt cơ hội do bối cảnh này mang lại đồng thời hạn chế các khó khăn đã, đang và sẽ phát sinh.