Giá kén tằm lao dốc, nông dân gặp khó

Những ngày gần đây, giá kén tằm trên địa bàn tỉnh bất ngờ lao dốc, chỉ còn trung bình khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Trước tình hình đó, nhiều nông dân tại Lâm Đồng đang tính đến việc phải tạm ngừng việc nuôi tằm, các doanh nghiệp thì chọn giải pháp lưu trữ hàng hóa, chờ ngày thị trường khá hơn.

Những ngày gần đây, giá kén tằm trên địa bàn tỉnh bất ngờ lao dốc, chỉ còn trung bình khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg khiến người nuôi tằm đang gặp khó

Những ngày gần đây, giá kén tằm trên địa bàn tỉnh bất ngờ lao dốc, chỉ còn trung bình khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg khiến người nuôi tằm đang gặp khó

Giá kén tằm bất ngờ lao dốc

Ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Oai (huyện Đạ Tẻh) cho biết: Cách đây một tuần, giá kén vẫn đạt 140.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong 1 - 2 hôm nay, giá kén tằm giảm đột ngột. Đến ngày 23/3, giá kén nằm trong khoảng 70.000 đồng/kg. Điều này gây nhiều lo lắng cho người dân bởi những năm gần đây, cây dâu con tằm là lựa chọn của nhiều người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích điều già cỗi, hiệu quả thấp. Quốc Oai hiện là địa phương có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất huyện Đạ Tẻh, với khoảng 250 ha.

Theo ông Trọng, nguyên nhân có khả năng là kén tằm không xuất được hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Giá kén trước giờ vẫn có sự biến động, tuy nhiên, đỉnh điểm xuống thấp của các thời điểm trước cũng chỉ ở mức 85.000 đồng rồi lại lên. Sắp tới, nếu giá kén tiếp tục xuống quá thấp, có khả năng người dân sẽ ngừng nuôi một thời gian, hoặc phải cắt bỏ dâu già để chăm sóc cho lứa mới” - ông Trọng cho hay.

Gia đình bà Nguyễn Thị Chung (thôn Hà Mỹ, xã Quốc Oai) hiện đang nuôi lứa tằm giai đoạn ăn rỗi. Tuy nhiên, việc giá kén tằm xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua khiến bà vô cùng lo lắng. Theo bà Chung, từ lúc gia đình bà nuôi tằm thì đây là thời điểm giá kén thấp nhất. Tình hình giá kén xuống thấp một cách nhanh chóng khiến bà rất bất ngờ. “Với giá kén như vậy chắc chắn là người nông dân sẽ lỗ, bởi giá cả phân bón, thuốc, các chi phí liên quan như xăng dầu, điện để tưới, chăm sóc dâu đều tăng cả. Thôi thì mình đã lỡ nuôi tằm đang ăn rỗi rồi thì phải chấp nhận nuôi tiếp, chứ nếu giảm nữa chắc lứa sau nhà tôi cũng không dám nuôi” - bà Chung nói.

Theo thống kê, toàn huyện Đạ Tẻh có diện tích dâu tằm vào khoảng 1.540 ha; trong đó, khoảng gần 1.300 ha cho thu hoạch thường xuyên. Với sản lượng khoảng 1,5 tấn kén/1ha dâu thì mỗi năm, Đạ Tẻh cung cấp cho thị trường khoảng 1.800 tấn kén. Trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có 1 công ty thu mua, sơ chế kén (chiếm khoảng 20% tổng sản lượng kén), còn lại là các công ty, đơn vị khác đến thu mua của bà con nông dân thông qua các vựa, đại lý để mang đi các địa bàn khác.

Giá kén tằm trên địa bàn huyện xuống khá đột ngột khiến cho những người nông dân trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện không khỏi bất ngờ, hoang mang. Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh cho biết: Hiện, kén tằm tại địa phương được thu mua sau sơ chế, chế biến xuất sang thị trường Ấn Độ chiếm khoảng 95%, một phần nhỏ là thị trường Pakistan, Nhật Bản. Riêng Ấn Độ đang tạm đóng cửa thị trường với những nước có dịch.

Theo ông Tiện, việc giá kén tằm xuống rất thấp và có thể còn kéo dài thời gian tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân trên địa bàn. Với giá hiện tại, người nuôi tằm hầu như không có lợi nhuận, thậm chí còn lỗ vốn. Về sau, chắc chắn người dân sẽ sản xuất cầm chừng hoặc ngưng lại, chờ giá lên mới tiếp tục tái đầu tư.

Tương tự, ông Trần Quang Trừng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho hay, giá kén tại địa phương cũng bắt đầu xuống giá từ 2 hôm nay, chỉ từ 70.000 - 72.000 đồng/kg, trong khi giá trung bình trong tuần trước vẫn đạt 110.00 đồng/kg.

Nguyên nhân theo các thương lái thông tin cho người dân là do việc xuất hàng đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện, các nhà máy chỉ có thể thu mua và dự trữ, đội chi phí lên cao, do đó giá thành thu mua buộc phải giảm xuống.

Tại huyện Cát Tiên, toàn huyện hiện có 275 ha trồng dâu nuôi tằm, với khoảng 300 hộ nuôi. Mỗi tháng, tổng sản lượng bình quân khoảng 47 - 48 tấn kén. Trước tình hình trên, huyện vẫn động viên bà con duy trì việc nuôi tằm để vượt qua thời gian này.

Các doanh nghiệp thì chọn giải pháp lưu trữ hàng hóa, chờ ngày thị trường khá hơn

Các doanh nghiệp thì chọn giải pháp lưu trữ hàng hóa, chờ ngày thị trường khá hơn

Sớm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đình Chiến - Giám đốc Công ty TNHH Tơ lụa Minh Quân cho biết: Tơ được sản xuất từ Lâm Đồng đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, với kim ngạch mỗi năm lên đến cả chục triệu USD. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu tơ trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Hệ quả kéo theo là giá kén trên địa bàn tỉnh đột ngột giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trước tình hình thị trường đóng băng hiện tại, phía doanh nghiệp buộc phải chọn giải pháp lưu trữ hàng hóa, chờ thị trường khá hơn. Trong thời gian này, doanh nghiệp sẽ đánh giá nội bộ, cơ cấu lại mô hình kinh doanh, hoặc xem xét lại thị trường, xây dựng chiến lược lâu dài cho thời gian tới.

Theo số liệu của Sở Công thương Lâm Đồng, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Lâm Đồng quý 1/2020 đạt 144 triệu USD, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 18% kế hoạch năm. Đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh vẫn là alumin và cà phê. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đáng kể lại là sản phẩm may mặc, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Dự báo, trong quý 2, hoạt động xuất khẩu sẽ giảm tiếp và chỉ có dấu hiệu phục hồi thời điểm đầu quý 3. Điều này được lý giải do trong bối cảnh dịch Covid-19 lan nhanh và diễn biến phức tạp ở quy mô toàn cầu, người tiêu dùng các nước chỉ quan tâm đến các mặt hàng nhu yếu phẩm. Các hoạt động xuất khẩu và vận chuyển hàng hóa quốc tế bị ngưng trệ.

Theo khuyến cáo, bà con nông dân cần bình tĩnh nắm thông tin diễn biến thị trường cũng như duy trì việc nuôi tằm bình thường để vượt qua thời gian này

Theo khuyến cáo, bà con nông dân cần bình tĩnh nắm thông tin diễn biến thị trường cũng như duy trì việc nuôi tằm bình thường để vượt qua thời gian này

Riêng ngành may mặc, đây là thời điểm mà những tác động của dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng lên thị trường. Hiện, rất nhiều đơn hàng dệt may từ châu Âu và Mỹ tạm thời bị ngưng. Do đó, các mặt hàng cung cấp nguyên phụ liệu cho dệt như sơ, sợi đương nhiên giảm. Riêng với tơ thô (làm từ kén tằm) chủ yếu xuất đi Ấn Độ, các doanh nghiệp tạm thời phải lưu kho, chờ khi thị trường phục hồi sẽ kết nối lại hoạt động xuất khẩu.

Hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra. Ông Võ Ngọc Hiệp - Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng thông tin: Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với các hoạt động xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị Công ty Điện lực Lâm Đồng xem xét hỗ trợ về giá điện và cho các doanh nghiệp gia hạn thời gian trả các khoản chi phí tiền điện hoặc có văn bản kiến nghị, đề xuất Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét, hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành công thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, chính sách chung hiện nay vẫn là hỗ trợ hạ lãi suất ngân hàng cho vay, giãn nợ cho doanh nghiệp và các chính sách về bảo hiểm xã hội.

THANH SA - HỒNG THẮM - VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202003/gia-ken-tam-lao-doc-nong-dan-gap-kho-2994819/