Gia Lai: Củng cố năng lực ứng phó với dịch Covid-19 trong tình hình mới

Ngày 4-3, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai có Công văn số 124/CV-BCĐ về việc thực hiện một số công tác trọng tâm để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Theo đó, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị tiếp tục giữ nguyên các nguyên tắc phòng-chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, tăng cường các biện pháp kiểm soát tại cộng đồng; đồng thời triển khai thêm một số biện pháp cần thiết để đáp ứng tình hình mới. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế, hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân đảm bảo khoa học, thống nhất trong công tác phòng-chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Củng cố năng lực ứng phó với dịch Covid-19 trong tình hình mới. Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, Sở Y tế-cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh rà soát, bổ sung các nội dung trong kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng-chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai tốt để ứng phó với giai đoạn dịch lan rộng như hiện nay.

Ngành Y tế tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc Covid-19 với các nội dung sau: Phối hợp cùng các địa phương đánh giá năng lực quản lý, chăm sóc người mắc Covid-19 (F0) tại các tuyến xã; bảo đảm đáp ứng về giường bệnh Covid-19 tại cơ sở thu dung điều trị cấp huyện và giường hồi sức cấp cứu (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ tại tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đảm bảo đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ cao nhất. Thường xuyên cập nhật số liệu và quản lý phần mềm báo cáo các cơ sở thu dung, điều trị F0. Thực hiện đánh giá, phân loại bệnh nhân tại tất cả các tuyến, nhất là từ tuyến xã để triển khai quản lý, chăm sóc F0 tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế phù hợp. Triển khai kế hoạch bảo đảm năng lực điều trị. Xây dựng phương án để tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình “Bệnh viện tách đôi” vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị Covid-19.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho trường hợp F0 đang thực hiện cách ly, điều trị tại nhà ở tổ 4 (phường Chi Lăng, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho trường hợp F0 đang thực hiện cách ly, điều trị tại nhà ở tổ 4 (phường Chi Lăng, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính

Tiếp tục nâng cao năng lực thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân các tuyến nhất là tuyến cơ sở. Tập huấn và thực hiện phân loại, điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mô hình tháp của Bộ Y tế, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế; có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động. Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe. Đảm bảo không bỏ sót việc cung cấp oxy y tế, chuyển tuyến kịp thời cho người thuộc nhóm nguy cơ tăng nặng, tử vong, người khó tiếp cận khi theo dõi tại nhà. Xây dựng hệ thống chuyển tuyến đảm bảo sự tiếp cận của mọi người dân. Tiếp tục tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực giám sát, quản lý cách ly và điều trị trên địa bàn.

Đối với việc xét nghiệm: Việc xét nghiệm được thực hiện bằng một phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp xét nghiệm khác nhau để phát hiện SARS-CoV-2; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan quản lý đơn vị, địa bàn tự tổ chức xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ cao, cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế. Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp, lấy mẫu xét nghiệm giải trình tự gen các trường hợp có dấu hiệu bất thường. Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân khi di chuyển trong nước.

Đối với việc cách ly y tế, người tiếp xúc gần (F1), người nhập cảnh: thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Công văn số 543/SYT-NVY ngày 21-2-2022 của Sở Y tế về việc triển khai cách ly y tế đối với ca bệnh Covid-19 và các trường hợp tiếp xúc gần.

Về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng Covid-19 "thần tốc hơn nữa"; đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi được cấp vắc xin. Ủy ban nhân dân-Ban Chỉ đạo cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động xây dựng ngay kế hoạch và thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ, các bậc phụ huynh cho con em đi tiêm chủng kịp thời, an toàn, đúng quy định.

Đối với việc cách ly, theo dõi, điều trị ca bệnh Covid-19: Tiếp tục triển khai kế hoạch phân tầng thu dung và điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong tình hình mới. Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo hệ thống chính trị cơ sở cùng y tế tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại nhà, tránh để tình trạng y tế quá tải, người bệnh không tiếp cận được các dịch vụ y tế. Tổ chức kiểm tra đột xuất việc quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và kiểm tra việc địa phương tổ chức khám, đánh giá nguy cơ để áp dụng cách ly điều trị tại nhà.

Trong công tác đảm bảo an toàn phòng-chống dịch Covid-19 tại các trường học, căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến địa bàn cấp xã) để để tổ chức dạy, học trực tiếp; chủ động các biện pháp xử lý khi có trường hợp F0, F1 trong trường học. Nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng-chống dịch trong trường học.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân tại điểm tiêm Trường Mầm non Sao Mai (phường Yên Đổ, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân tại điểm tiêm Trường Mầm non Sao Mai (phường Yên Đổ, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính

Trong công tác đảm bảo phòng-chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn, đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế, Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Công thương.

Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết các loại thuốc, vật tư, test và giá xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y-dược tư nhân; xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, truyền tải đúng, kịp thời nhằm cung cấp thông tin đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp để chủ động thực hiện tốt “mục tiêu kép” với tinh thần không chủ quan lơ là nhưng không hoang mang lo lắng; chủ động triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng-chống dịch.

KIỀU PHAN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8301/202203/gia-lai-cung-co-nang-luc-ung-pho-voi-dich-covid-19-trong-tinh-hinh-moi-5768637/