Gia Lai khuyến khích tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi

Chiều 14-2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh triển khai công tác phòng-chống dịch. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo một số sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế-cho biết: Trước và trong Tết Nguyên đán, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, sau Tết, dịch diễn biến phức tạp, khó lường, số ca bệnh có chiều hướng tăng cao. Từ ngày 8 đến 14-2, số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, xuất hiện ở 17/17 huyện, thị xã, thành phố; số ca mắc tăng cao cả những nơi đông dân và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Thời gian tới, dự lường tình hình dịch sẽ còn diễn biến phức tạp, có thể bùng phát mạnh.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện

Theo ông Tuấn, hiện cấp độ dịch toàn tỉnh đã nâng lên cấp độ 2 (mức nguy cơ trung bình). “Thời gian tới vẫn chưa thể đánh giá được đỉnh dịch vì vậy cần tiếp tục nâng cao công tác phòng-chống dịch, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường phòng-chống dịch ngay từ tuyến xã, điều trị sớm ngay từ cơ sở nhằm hạn chế bệnh nặng và tử vong”-ông Tuấn nói.

Liên quan công tác dạy và học sau Tết, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Khoa Nghi thông tin: Trước khi đón học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục đã chủ động rà soát trang-thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó với tình huống khi dịch bệnh xảy ra trong trường học. Trong tuần đầu đi học trở lại sau Tết, một số trường học ghi nhận trường hợp F0 nhưng chưa phát hiện lây trong trường học, các đơn vị đã chủ động xử lý linh hoạt, phù hợp, đảm bảo an toàn phòng-chống dịch. Phụ huynh, học sinh vui vẻ, lạc quan, thích ứng với tình hình mới và đồng lòng, phối hợp với các trường học trong công tác phòng-chống dịch. Đặc biệt, ngày 14-2, học sinh mầm non và tiểu học trở lại trường. Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị kỹ các điều kiện, đảm bảo an toàn phòng-chống dịch, nhất là đối với học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Tăng cường các biện pháp phòng-chống dịch

Cuộc họp ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất của các sở, ngành, đơn vị liên quan đến công tác phòng-chống dịch. Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị Sở Y tế có báo cáo đánh giá sâu về tình hình bệnh nhân mắc Covid-19; trong đó, làm rõ tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 chưa tiêm và đã tiêm vắc xin; đánh giá công tác phân tầng điều trị; đặc biệt, phân tích, đánh giá kỹ trong số bệnh nhân Covid-19 nặng tử vong có bao nhiêu trường hợp đã tiêm, chưa tiêm vắc xin. Sở Y tế cũng cần đánh giá về việc sử dụng các loại thuốc điều trị Covid-19 theo chương trình của Bộ Y tế, từ đó có báo cáo sơ bộ và khuyến cáo, đề xuất phù hợp. Bên cạnh đó, Sở Y tế cần đánh giá vấn đề quản lý điều trị F0 tại nhà và những địa phương nào không triển khai thực hiện. Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Y tế có báo cáo đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đánh giá lại toàn bộ vấn đề tự chủ bệnh viện để đảm bảo lương và chế độ chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế trong thời điểm chống dịch như hiện nay.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng từ 12 đến 17 tuổi tại điểm tiêm Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng từ 12 đến 17 tuổi tại điểm tiêm Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tiếp tục tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19. Các ngành, địa phương lên dự thảo kế hoạch tiêm chủng cho đối tượng từ 5 đến 11 tuổi. “Với các đối tượng này, tuy không bắt buộc tiêm vắc xin nhưng chúng ta cần tuyên truyền, khuyến khích phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, qua thời gian triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục bổ sung báo cáo, đánh giá lại phương án mở theo nghị quyết này để từ đó xem xét tiếp tục nới lỏng, mở rộng thêm các dịch vụ hay có các ý kiến đề xuất khác. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất kiến nghị bổ sung một số chế độ cho lực lượng tuyến đầu; thống nhất việc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thiết lập khu cách ly cho lực lượng tuyến đầu. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần có đánh giá cụ thể tỷ lệ học sinh và giáo viên đã tiêm vắc xin phòng Covid-19; số lượng bao nhiêu giáo viên, học sinh mắc Covid-19 đã tiêm, chưa tiêm vắc xin. Qua thống kê cho thấy, các học sinh mắc Covid-19 thời gian qua có nguồn lây đều từ cộng đồng hoặc lây từ gia đình chứ chưa phát hiện có ổ dịch Covid-19 trong trường học. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc tăng cường công tác tiêm chủng đã tạo được miễn dịch cộng đồng nên có thể an tâm tổ chức đi học lại đồng bộ.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đồng ý kích hoạt Khu điều trị F0 của Bệnh viện Nhi để xử lý những trường hợp mắc Covid-19 nặng, đồng thời tiếp tục rà soát tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế để triển khai phương án “bệnh viện cách đôi” (vừa điều trị Covid-19 vừa khám-chữa bệnh thông thường) một cách khoa học, đúng quy định. Sở Y tế và Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương mua sắm vật tư, trang-thiết bị, hóa chất đảm bảo phòng-chống dịch; trong trường hợp có ổ dịch lớn thì Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ mua sắm tập trung.

NHƯ NGUYỆN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12471/202202/gia-lai-khuyen-khich-tiem-vac-xin-phong-covid-19-cho-tre-5-11-tuoi-5766594/