Gia Lai luống cuống vì dịch Covid-19 bùng nhanh, Bộ Y tế chi viện khẩn
Bộ trưởng Y tế điều hàng loạt nhân lực, vật lực hỗ trợ cho Gia Lai do tỉnh đang lúng túng trong truy vết, xét nghiệm.
Tại cuộc họp trực tuyến với các điểm cầu có dịch Covid-19 chiều 2/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long liên tục nhấn mạnh, dịch Covid-19 đang diễn ra tại nhiều địa phương đã khác so với trước đây, chủng mới lây lan nhanh hơn 70% nên phải thay đổi phương thức.
“Các địa phương phải nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn. Phải song song vừa lấy mẫu, vừa khoanh vùng, vừa truy vết. Nếu không truy vết được phải thực hiện giãn cách xã hội”, Bộ trưởng Y tế chỉ đạo.
Theo Bộ trưởng, nếu số lượng F1 là vài trăm ca có thể truy vết nhưng nếu lên tới 1.000 ca không thể truy được.
Trong 10 tỉnh đang có dịch, Bộ trưởng đánh giá tình hình tại Gia Lai và Bình Dương phức tạp nhất, triển khai các biện pháp chống dịch còn lúng túng, chậm.
Theo báo cáo của ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, chỉ riêng ngày hôm nay, tỉnh đã ghi nhận thêm 7 bệnh nhân, nâng tổng số ca lên 13 trong 3 ngày.
Toàn tỉnh đã truy vết được 303 trường hợp F1, 634 F2. Bước đầu lấy mẫu được 6.500 trường hợp song công suất xét nghiệm của tỉnh đang rất thấp, chỉ 200 mẫu/ngày nên phải nhờ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ xét nghiệm thêm 500 mẫu/ngày.
Do 1 ca bệnh từng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai khám bệnh, tỉnh đã ra quyết định phong tỏa bệnh viện từ trưa nay. Trong ngày mai, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu toàn bộ 300 nhân viên y tế, 1.200 bệnh nhân và người nhà để xét nghiệm.
Số lượng mẫu xét nghiệm tăng lên từng ngày, Sở Y tế Gia Lai tính phương án chuyển mẫu đến Viện Pasteur Nha Trang và Viện Sốt rét Ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn để hỗ trợ xét nghiệm.
Ngay lập tức, Bộ trưởng yêu cầu Viện Pasteur điều nhân lực, máy móc lên Gia Lai thiết lập 1 labo xét nghiệm.
Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết thêm, đội truy vết của tỉnh hiện có 200 người, mỗi ngày truy vết tối đa được 300-400 trường hợp F1.
Tuy nhiên, việc điều tra dịch tễ đang gặp rất nhiều khó khăn. 13 ca bệnh tập trung tại 4 huyện miền núi nên không thể làm nhanh.
Theo Bộ trưởng, chủng Covid-19 mới lây qua không khí nên khả năng lây nhiễm nhanh hơn. Đồng bào Tây Nguyên lại có tục ngồi ăn uống thôn bản với nhau nên phải gấp rút triển khai nhiều giải pháp để giảm lây nhiễm.
“Lần này hành động phải nhanh, nếu gửi mẫu về TP. HCM thì quá trễ. Nếu đợi thêm 1-2 ngày lại có thêm ca khác, khi đó chật vật chạy theo. Vừa rồi dịch ở Hải Dương ban đầu phải gửi mẫu về Hà Nội xét nghiệm, rất mất thời gian”, Bộ trưởng nói.
Về quyết định đóng cửa toàn bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng cần xem xét lại vì đây là nơi cứu chữa, điều trị tất cả bệnh nhân trong khu vực.
Ông Tuấn đề nghị chỉ cách ly những nhân viên tại khoa nơi bệnh nhân đã đi qua, sau đó đóng cửa làm sạch bệnh viện và sớm mở cửa trở lại càng nhanh càng tốt.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Y tế chỉ đạo không cần phong tỏa cả bệnh viện, trừ trường hợp xuất hiện lây chéo giữa các khoa phòng.
Bộ trưởng đề nghị Gia Lai phải chuẩn bị ngay phương án điều trị tại chỗ, thành lập một bệnh viện dã chiến, dồn tất cả bệnh nhân dương tính về đó điều trị.
Bộ Y tế cũng gấp rút điều đội truy vết có kinh nghiệm của Đà Nẵng, Bệnh viện Chợ Rẫy “chi viện” cho Gia Lai về công tác truy vết, cách ly, điều trị.
Tại Bình Dương, trong ngày 2/2 ghi nhận thêm 2 ca mắc, tổng là 4 ca. Trong đó ca bệnh 1843 là sinh viên Đại học Thủ Dầu Một, trường học rất lớn với trên 10.000 sinh viên, học tín chỉ nên tiếp xúc rất nhiều.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá, do các ca mắc Covid-19 đi lại nhiều nên dù đã truy vết thần tốc, cách ly rộng, nâng mức cảnh báo lên một cấp, phong tỏa, giãn cách một số nơi tuy nhiên tỉnh dự đoán tình hình dịch tại Bình Dương rất phức tạp, truy vết khó khăn.
Hiện tỉnh chưa được xét nghiệm khẳng định, phải gửi mẫu lên Viện Pasteur TP. HCM.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Y tế chỉ đạo Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM đánh giá năng lực xét nghiệm của CDC Bình Dương, nếu đủ điều kiện có thể cho xét nghiệm khẳng định ngay, không cần báo cáo về Bộ.
Về điều trị, tỉnh đã chuẩn bị bệnh viện dã chiến 400-500 giường. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, có ca nặng, tỉnh mong muốn Bộ Y tế hỗ trợ về con người, trang thiết bị.
Theo Bộ trưởng, dù ca nhiễm còn ít nhưng bài học từ Hải Dương là cần hình thành ngay cơ sở điều trị, thành lập các bệnh viện dã chiến.
“Bộ Y tế nhấn mạnh với các địa phương nhất là các tỉnh chưa có dịch vẫn còn luống cuống, giờ không được phép lơ là, chủ quan vì lây nhiễm đã hoàn toàn khác. Các tỉnh không được dùng các biện pháp cũ như trước, phải dùng biện pháp mới nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Thúy Hạnh