Gia Lai 'Thủ phủ' năng lượng tái tạo trong tương lai

Tỉnh Gia Lai có tiềm năng rất lớn để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, thủy điện. Với việc thu hút hàng loạt dự án đầu tư trong lĩnh vực này thời gian qua, Gia Lai đang hướng đến trở thành 'thủ phủ' năng lượng tái tạo của cả nước.

Tiềm năng dồi dào

Theo các nguồn cơ sở dữ liệu khảo sát, Gia Lai có số giờ nắng bình quân 1.900-2.200 giờ/năm, bức xạ tổng cộng 335-380 kcal/cm2 và số liệu bức xạ mặt trời trung bình ngày đưa vào tính toán 4,6-5,2 kWh/m2. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn với quy mô công suất có thể đạt khoảng 7.500 MW. Trong đó, các dự án điện mặt trời trên đất khoảng trên 5.000 MW, các dự án điện mặt trời nổi trên nước khoảng 2.500 MW. Bên cạnh đó, Gia Lai còn có 4 khu vực tiềm năng phát triển các dự án điện gió với quy mô công suất có thể đạt khoảng 11.950 MW. Trong đó, khu vực phía Đông khoảng 3.800 MW; khu vực phía Đông Nam khoảng 1.300 MW; khu vực phía Tây khoảng 6.350 MW và khu vực TP. Pleiku khoảng 500 MW.

Trạm biến áp 110 KV Krông Pa. Ảnh: T.N

Trạm biến áp 110 KV Krông Pa. Ảnh: T.N

Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Hiện nay, tỉnh ta xác định thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ góp phần tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế-xã hội, cũng như hướng đến trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của cả nước. “Ngoài các dự án thủy điện, nếu khai thác triệt để tiềm năng, Gia Lai có thể xây dựng đến 180 dự án về điện gió và điện mặt trời với công suất lên đến 25.000 MW (trong đó điện gió 112 dự án, điện mặt trời 68 dự án). Cứ 1 MW sẽ có vốn đầu tư khoảng 1 triệu USD. Nếu tỉnh ta thu hút được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này thì số vốn đổ vào có thể đạt con số 25 tỷ USD. Điều đó cho thấy, hiệu quả thu hút đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo mang lại cực kỳ lớn so với nhiều lĩnh vực khác nếu tỉnh ta khai thác tối đa tiềm năng này trong tương lai. Theo ước tính, 1 MW sẽ mang lại trên 200 triệu đồng tiền thuế, trong khi đất nông nghiệp miễn thuế lâu nay. Khi các dự án năng lượng đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo ra nguồn năng lượng xanh-sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động, tăng thu cho ngân sách địa phương”-ông Thành phân tích.

Đến nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 35 dự án điện mặt trời trên địa bàn với tổng công suất dự kiến khoảng 4.058,5 MWp. Hiện có 10 dự án đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch; 22 dự án đang khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch; 3 dự án đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch và chủ trương đầu tư với tổng công suất 158 MWp. Ngoài ra, còn có 15 nhà đầu tư với 22 dự án điện mặt trời đang đề xuất UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất dự kiến khoảng 2.112 MWp.

Đối với các dự án điện gió, đến nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép 67 dự án triển khai khảo sát, đo gió để nghiên cứu đầu tư xây dựng với tổng công suất dự kiến khoảng 9.779,4 MW. Hiện có 1 dự án đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch và chủ trương đầu tư; 10 dự án đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch; 28 dự án đang khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch. Ngoài ra, còn có 30 nhà đầu tư đang đề xuất UBND tỉnh xem xét cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch 39 dự án điện gió.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án

Toàn tỉnh hiện có 48 dự án thủy điện đang vận hành với tổng công suất hơn 2.241 MW, 2 dự án thủy điện đang triển khai xây dựng và 25 dự án thủy điện với tổng công suất 204,6 MW đang được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất cho phép khảo sát, đầu tư xây dựng. Trên địa bàn tỉnh cũng đã 2 nhà máy điện sinh khối từ bã mía với tổng công suất 144,6 MW đi vào vận hành, gồm Nhà máy Điện sinh khối Ayun Pa (34,6 MW) và Nhà máy Điện sinh khối An Khê (110 MW). Về điện mặt trời, Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa công suất 69 MWp đã đóng điện vào tháng 11-2018. Tiếp đó, vào tháng 5-2019, Nhà máy Điện mặt trời Chư Ngọc-EVNLICOGI 16 có công suất 40 MWp (giai đoạn 1 là 15 MWp, giai đoạn 2 là 25 MWp) đã nghiệm thu đóng điện giai đoạn 1. Dự án điện mặt trời Krông Pa 2 có công suất 49 MWp đã hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng và đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng.

Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Mạo

Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Mạo

Trong năm 2019, các dự án năng lượng tái tạo cũng tiếp tục được triển khai. Cuối tháng 11-2019, dự án Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) của Tập đoàn HBRE hợp tác cùng Tập đoàn Super Energy Corporation (Thái Lan) đã khởi công với vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng giai đoạn 1, công suất 50 MW. Ông Hồ Tá Tín-Chủ tịch Tập đoàn HBRE, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai-cho biết: “Đây là dự án điện gió đầu tiên ở Gia Lai, dự kiến hoàn thành đưa vào phát điện trong tháng 12-2020, hòa lưới 110 KV Diên Hồng-Chư Sê. Sau đó, Công ty dự kiến tiếp tục triển khai và hoàn thành giai đoạn 2 với công suất 50 MW trước tháng 11-2021”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, Gia Lai là một trong những tỉnh được đánh giá có tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có tiềm năng phát triển các dự án điện gió lớn nhất Tây Nguyên. Với những tiềm năng trên, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm sâu sắc, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu, triển khai dự án. Nếu khai thác tốt nguồn năng lượng vô tận này, các dự án trên địa bàn sẽ góp phần tích cực bù đắp cho nguồn điện của quốc gia; đồng thời, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu cho ngân sách địa phương.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1381/202001/gia-lai-thu-phu-nang-luong-tai-tao-trong-tuong-lai-5667162/