Giá lúa Đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt tăng
Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tăng, sau 1 tuần chững lại trước đó.
Cụ thể, lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.625 đồng/kg, giá bình quân là 5.507 đồng/kg, tăng 79 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.050 đồng/kg, trung bình là 6.520 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng tăng tốt. Giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.450 đồng/kg, giá bình quân 9.160 đồng/kg, tăng 14 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.250 đồng/kg, giá bình quân 8.958 đồng/kg, tăng 25 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.050 đồng/kg, giá bình quân 8.675 đồng/kg, tăng 33 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 9.200 đồng/kg, tăng 67 đồng/kg.
Tại An Giang, nhiều loại lúa có sự tăng giá so với tuần trước. Cụ thể: IR 50404 ở mức từ 5.500-5.800 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg; Đài thơm tám từ 5.800-6.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 5451 từ 5.700-5.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Riêng lúa OM 18 là 5.700-5.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo nàng nhen 20.000 đồng/kg, Nàng hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; riêng gạo Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.000-12.000 đồng/kg.
Mới đây, Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (LTF) thuộc Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết tổ chức sản xuất 2 triệu tấn lúa với Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn, tỉnh An Giang nhằm đảm bảo cung ứng cho hợp đồng 2 triệu tấn lúa mà công ty đã ký kết với các đối tác trước đó.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đánh giá, việc Tập đoàn Lộc Trời ký kết với các liên hiệp hợp tác xã và các hợp tác xã nông nghiệp để tổ chức sản xuất 2 triệu tấn lúa đã góp phần quan trọng củng cố, nâng chất và đẩy mạnh liên kết sản xuất với tổ chức nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu và hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình canh tác hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu. Từ đó nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường tiêu thụ lúa gạo trong nước và thị trường xuất khẩu, trong đó có những thị trường như: Nhật Bản, châu Âu…
Các doanh nghiệp nhận định, thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ thuận lợi hơn so với năm ngoái. Bởi, nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch COVID-19. Nhiều chuỗi cung ứng từng bị đứt gãy do đại dịch cũng đang được kết nối lại, giúp cho sức mua bán tăng lên. Bên cạnh đó, căng thẳng Nga – Ukraine sẽ khiến cho nhiều nước tiếp tục quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo xuất khẩu trong năm nay dự kiến vẫn chỉ ở mức trên 6 triệu tấn và có thể đạt 6,3 triệu tấn, tức là tương đương hoặc tăng không đáng kể so với năm 2021.
Cùng xu hướng với thị trường lúa gạo trong nước, giá gạo xuất khẩu tại các nước sản xuất gạo hàng đầu châu Á tăng vọt trong tuần qua nhờ nhu cầu ổn định, giữa bối cảnh chi phí vận chuyển cao do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên từ 415- 428 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2021. Giữa lúc giá ngô và lúa mỳ tăng, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đang tìm cách sử dụng nhiều gạo tấm hơn, đẩy giá gạo tăng cao ở nhiều khu vực. Một thương nhân tại Bangkok cho biết, gần đây ông đã nhận được sự quan tâm từ những khách hàng ở châu Âu, Mỹ, Iraq và Iran đối với các loại gạo trắng khác nhau của Thái Lan.
Nhu cầu gạo của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng lên với những lo ngại về kế hoạch phong tỏa toàn khu hành chính đặc biệt này do số ca mắc COVID-19 tăng vọt, làm người dân đổ xô mua gạo trong tâm lý quan ngại.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, nước này đã xuất khẩu 459.752 tấn gạo có trị giá 234 triệu USD trong tháng 1/2022, tăng 8,92% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm tại Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã tăng lên 371- 378 USD/tấn từ mức tương ứng 370- 376 USD/tần của tuần trước đó, đây cũng là mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2021. Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh (Ấn Độ), cho biết: “Người tiêu dùng đang cố gắng tích trữ gạo do giá lúa mì và ngô tăng”.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2021 ở mức từ 410-415 USD/tấn vào ngày 10/3, so với mức tương ứng 400 USD/tấn vào tuần trước đó, trong bối cảnh nhu cầu cao hơn, và xung đột Ukraine-Nga khiến các khách hàng từ những nước khác thuộc châu Á đặt hàng nhiều hơn.
Chi phí vận chuyển đã tăng lên đáng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, với chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng 50% và chi phí vận chuyển hàng hóa nội địa tăng từ 70-80%.
Trong khi đó, giá gạo nội địa ở Bangladesh vẫn ở mức cao mặc dù tình hình mùa màng và dự trữ tốt, đồng thời cho biết thêm rằng thị trường toàn cầu đang chứng kiến sự gia tăng giá lương thực do xung đột Nga-Ukraine.
Thị trường nông sản Mỹ cho thấy, vía các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) biến động trái chiều trong phiên giao dịch 11/3, với đà tăng của giá ngô và lúa mỳ, trong khi giá đậu tương lại sụt giảm.
Cụ thể, kết thúc phiên này, giá ngô giao tháng 5/2022 tăng 6,5 xu Mỹ (0,87%) lên 7,625 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 5/2022 tăng 19,5 xu Mỹ (1,79%) lên 11,065 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 5/2022 lại giảm 10,25 xu Mỹ (0,61%), xuống 16,76 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Lúa mỳ dẫn đầu xu hướng tăng giá của các mặt hàng nông sản chủ chốt tại thị trường Mỹ, khi các nhà giao dịch dự kiến xung đột Nga-Ukraine sẽ sớm kết thúc. Mỹ được coi là nhà cung cấp ngũ cốc, hạt có dầu và rau sạch đáng tin cậy cho thế giới khi một loạt quốc gia khác ngừng xuất khẩu nông sản của họ. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago vẫn lạc quan với tình hình thời tiết ở khu vực miền Trung nước Mỹ trong những tuần tới.
Cùng ngày, Mỹ và các thành viên EU tuyên bố sẽ thu hồi quy chế "Tối huệ quốc" cho Nga, động thái có thể tăng mức thuế quan đối với Nga từ mức 3% hiện tại lên 20-30%. Điều này sẽ tạo ra rào cản kinh tế dài hạn cho Nga. Quy chế "Tối huệ quốc" được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm đảm bảo một quốc gia sẽ dành cho tất cả các quốc gia đối tác chế độ ưu đãi thương mại ngang nhau.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo rằng, khoảng 264.000 tấn đậu tương đã được bán cho Trung Quốc trong giai đoạn 2022-2023 và 128.900 tấn ngô được bán cho giai đoạn 2021-2022. Trong khi đó, có đồn đoán rằng, Ấn Độ đã thực hiện một giao dịch mua dầu đậu tương mới của Mỹ.
Tây Ban Nha đang “lùng sục” mua ngô trên khắp thế giới để tránh tình trạng hết nguồn cung vào tháng Năm tới, giữa bối cảnh EU đang thắt chặt nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi với việc xuất khẩu lúa mỳ ngày càng tăng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. AgResource dự báo toàn bộ EU có khả năng trở thành một nhà nhập khẩu ngô lớn của Mỹ.
Dự báo Argentina sẽ có thời tiết khô hạn trong 10 ngày tới, trong khi mưa ở mức trung bình trên hầu hết các khu vực tại Brazil. Vụ ngô mùa Đông ở Brazil đang trong tình trạng thuận lợi và những trận mưa sắp tới sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của loại cây trồng này.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London diễn biến ngược chiều. Giá cà phê giao tháng 5/2022 tăng 2 USD, lên 2.095 USD/tấn và loại kỳ hạn giao tháng 7/2022 không thay đổi, vẫn đứng ở 2.072 USD/tấn.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp nối xu hướng giảm. Giá loại giao tháng 5/2022 giảm 2,25 xu Mỹ, xuống 221,95 xu/lb và giá loại kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 2,05 xu,xuống còn 221,40 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg).
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên không thay đổi, vẫn dao dộng trong khung từ 39.600 – 40.200 đồng/kg.
Giá vàng giảm mạnh khi giới đầu cơ dịch chuyển dòng vốn về lại các sàn chứng khoán và USD lấy lại sức mạnh khi nhà đầu tư không còn "ảo tưởng" vào triển vọng tích cực của các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Giá cà phê tiếp tục suy yếu khi các thị trường kỳ hạn thiếu sức đầu cơ khiến việc thanh lý vị thế mua ròng kéo dài, trong khi sức ép của yếu tố tiền tệ ngày càng đến gần, với các cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ủy ban Chính sách Tiền tệ (Copom) Brazil dự kiến bắt đầu vào tuần sau, cùng với một số nhà sản xuất cà phê lớn bắt đầu bước vào thu hoạch vụ mùa mới năm nay.
Xu hướng giá cà phê hiện vẫn chưa rõ ràng trước cuộc họp của Fed và tình hình Nga-Ukraine diễn biến phức tạp. Các nhà quan sát vẫn cho rằng phần lớn các nhà sản xuất chính vẫn còn đứng bên ngoài thị trường, vì lượng tồn kho dự trữ cũng không nhiều, trong khi thời tiết khô hạn ở miền Nam Brazil chỉ mới diễn ra trong thời gian ngắn.
Theo Reuters, ba nhà kinh doanh cà phê của một trung tâm thương mại hàng hóa lớn có trụ sở tại châu Âu cho biết, họ sẽ không nhận bất kỳ đơn đặt hàng cung cấp mới nào với các nhà rang xay của Nga, các hoạt động kinh doanh trong bất kỳ trường hợp nào cũng bị chậm lại do đồng ruble của Nga lao dốc. Tiêu thụ cà phê của Nga ước tính vào khoảng 6 triệu lb/năm, trong khi Ukraine tiêu thụ 1,5 triệu lb. Trong số này, 60-70% là cà phê robusta chủ yếu đến từ Việt Nam hoặc cà phê hòa tan từ Đức và Ba Lan.