Giá lúa đông xuân tăng, nông dân phấn khởi

Giá lúa đông xuân 2022-2023 đang tiếp tục duy trì ổn định, nông dân trong tỉnh Kiên Giang rất phấn khởi, kỳ vọng vụ đông xuân đạt lợi nhuận khá, tạo động lực để tiếp tục sản xuất các vụ lúa tiếp theo trong năm 2023.

THỊ TRƯỜNG LÚA GẠO KHẢ QUAN

Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt nam sẽ có nhiều cơ hội bứt phá khi nhiều thị trường nhập khẩu gạo lớn như Trung Đông, châu Âu, Trung Quốc, Philippines… mở cửa. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp tục có thêm các đơn hàng mới.

Từ đầu tháng 10-2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được đơn hàng lên đến 400.000 tấn gạo xuất sang thị trường EU vào năm 2023. Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã nhận kín đơn hàng đến hết tháng 4-2023.

Trước những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu gạo, những tháng cuối năm 2022 đến nay, giá lúa đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long duy trì ở mức cao. Nhiều giống lúa chất lượng cao được thương lái tìm mua với giá cao. Cụ thể, lúa OM18, Đài Thơm 8 giá 6.800-6.900 đồng/kg; ST24 7.500-8.200 đồng/kg; ST 25 8.500-9.000 đồng/kg. So với thời điểm vụ lúa hè thu 2022, mỗi giống lúa tăng từ 500-1.000 đồng/kg.

Giá lúa tăng mạnh tiếp thêm động lực cho nông dân khi bước vào vụ lúa đông xuân 2022-2023. Hầu hết nông dân rất phấn khởi khi giá lúa cao, lợi nhuận cao hơn trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng như hiện nay.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, vụ lúa đông xuân 2022-2023, toàn tỉnh xuống giống 280.751ha, đạt 99,91% kế hoạch. Tại một số huyện thuộc vùng U Minh Thượng như An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, nông dân đã thu hoạch diện tích lúa đông xuân gieo sạ sớm từ trước Tết Nguyên đán năm 2023. Năng suất lúa bình quân ước đạt khoảng 5,78 tấn/ha.

Nông dân thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) phun thuốc dưỡng cho lúa bằng máy bay.

Nông dân thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) phun thuốc dưỡng cho lúa bằng máy bay.

Nhiều nông dân trong tỉnh Kiên Giang cho biết, thời điểm cận tết các kho lương thực đã ngưng hoạt động, thương lái thu mua giá thấp hơn thời điểm sau tết khoảng 500 đồng/kg.

Anh Danh Na, ngụ ấp Bàu Láng, xã Nam Thái, huyện An Biên nói: “Năm nay, nhờ giá lúa vụ đông xuân tăng mạnh, đem lại lợi nhuận khá, giúp nông dân đón tết sung túc hơn. Gia đình tôi có 4,5ha gieo sạ giống ST24, do thu hoạch lúa cận tết, giá bán giảm chỉ còn 7.500 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này so với thời điểm cùng kỳ năm trước vẫn rất cao, ước lợi nhuận vụ đông xuân vừa rồi đạt bình quân từ 4,5-5 triệu đồng/công”.

CHI PHÍ SẢN XUẤT TĂNG

Vụ đông xuân được xem là vụ lúa chính trong năm, do đó nông dân rất quan tâm, dành nhiều công sức để chăm sóc, với hy vọng một năm được mùa, trúng giá. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng, khiến lợi nhuận mỗi vụ sản xuất của nông dân ngày càng ít hơn.

Năm nay, tình hình thời tiết không thuận lợi cho lúa sinh trưởng và phát triển. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2023, thời tiết lạnh, nhiều sương mù, xuất hiện mưa trái mùa, ảnh hưởng không nhỏ tới sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ. Nhiều cánh đồng lúa nhiễm bệnh đạo ôn, lem lép hạt, muỗi hành, giảm năng suất lúa.

Ông Đỗ Văn Thủy, ngụ ấp Hòa Tiến, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất cho biết: “Do tình hình thời tiết bất thường, vụ đông xuân lúa bị bệnh đạo ôn. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất vụ này cũng tăng do giá phân bón, lúa giống tăng, tiền thuê nhân công bón phân, xịt thuốc, dặm lúa cũng tăng, ước tính chi phí khoảng 3-3,5 triệu đồng/công”.

Dự kiến hơn 1 tháng nữa, Kiên Giang sẽ bước vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023. Hiện nông dân trong tỉnh đang rất tích cực chăm sóc cho diện tích lúa đã xuống giống, áp dụng các biện pháp canh tác lúa tiên tiến để giảm giá thành sản xuất trong bối cảnh các mặt hàng phục vụ sản xuất đều tăng. Nông dân rất kỳ vọng cuối vụ giá lúa tiếp tục giữ ổn định để sản xuất có lợi nhuận.

Vụ đông xuân 2022-2023, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành gieo sạ 500ha, chia làm 2 đợt. Đợt 1 hợp tác xã có 200ha đã thu hoạch xong trước Tết Nguyên đán năm 2023, diện tích còn lại dự kiến thu hoạch dứt điểm cuối tháng giêng, đầu tháng 2 âm lịch.

“Diện tích gieo sạ đợt 1, năng suất bình quân từ 700-800kg/ha. Đợt này, nông dân gieo sạ sớm so với lịch thời vụ khuyến cáo hơn 1,5 tháng, gặp thời tiết bất lợi, tỷ lệ lúa bị lem lép hạt nhiều, năng suất và lợi nhuận thấp. Đối với diện tích gieo sạ đợt 2, lúa đang phát triển rất tốt. Nông dân rất kỳ vọng giá lúa tiếp tục tăng để bù đắp phần chi phí sản xuất tăng”, anh Lê Minh Hải - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng nói.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//nong-nghiep/gia-lua-dong-xuan-tang-nong-dan-phan-khoi-12547.html