Gia nhập Công ước xóa bỏ lao động cưỡng bức là cần thiết, hoàn toàn không vì sức ép nào

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, việc Việt Nam gia nhập Công ước số 105 lúc này là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội…

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình trước Quốc hội

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình trước Quốc hội

Chiều nay, 20-5, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trình Quốc hội tờ trình phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong 8 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và được ILO thông qua ngày 25/6/1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007).

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết, có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế - xã hội và pháp lý.

Đối tượng hướng đến của Công ước 105 là người lao động. Việc xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ lao động, tạo ra môi trường lao động ổn định, hài hòa để người lao động yên tâm làm việc và nâng cao hiệu quả lao động.

Mặt khác, việc xóa bỏ, không có lao động cưỡng bức cũng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường thế giới để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của mình, nhất là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.

Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Công ước số 105

Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Công ước số 105

Phó Chủ tịch nước khẳng định, việc xem xét gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm hiện nay là chín muồi; phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tính đến tháng 2-2020, trên thế giới đã có 173 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước 105.

Lý giải về việc vì sao đến thời điểm này Việt Nam mới xem xét việc gia nhập Công ước 105, thay vì phê chuẩn luôn khi gia nhập Công ước 29 vào năm 2007, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, nguyên nhân vì cần có quá trình chuẩn bị.

Theo ông Dung, khi gia nhập Công ước 29, thực tế Việt Nam đã xem xét nội dung Công ước 105 nhưng nhận thấy thời điểm đó chưa đủ điều kiện tham gia khi còn nhiều văn bản pháp luật có độ “vênh” nhất định. Còn đến thời điểm này, về cơ sở pháp lý, pháp luật Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp, không có nội dung gì trái ngược công ước 105.

“Việc gia nhập công ước này vì chính lợi ích của Việt Nam, vì quyền công dân, quyền con người, để thực hiện chủ trương của Việt Nam là cương quyết chống, không chấp nhận lao động vưỡng bức. Vậy nên việc tham gia Công ước này là hoàn toàn tự nguyện, không vì sức ép nào” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/gia-nhap-cong-uoc-xoa-bo-lao-dong-cuong-buc-la-can-thiet-hoan-toan-khong-vi-suc-ep-nao/854610.antd