Giá nhiên liệu tăng cao, có làm ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát?
Nửa cuối năm 2023 giá nhiên liệu trong nước tiếp tục tăng cao, gây ra lo ngại mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đề ra cho năm 2023 ở dưới mức 4,5% sẽ gặp nhiều thách thức.
Xăng, dầu, gas đua nhau tăng giá
Ngày 5/9, giá xăng, dầu trong nước đã có đợt tăng thứ 6 liên tiếp. Cụ thể xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) tăng thêm 270 đồng, lên 24.870 đồng; xăng E5 RON 92 tăng 140 đồng một lít. Dầu hỏa có mức tăng nhiều nhất 510 đồng, dầu diesel là 290 đồng, trong khi mazut giảm 280 đồng một kg.
Theo Bộ Công thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/8/2023-04/9/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: dự trữ dầu của Hoa Kỳ giảm mạnh và lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn do Nga đang có ý định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu xuất khẩu và việc Ả rập xê út được dự đoán sẽ gia hạn cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày, bổ sung vào mức cắt giảm của OPEC+…các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 21/8 đến 04/9 có biến động tăng giảm đan xen nhưng có xu hướng chung là tăng.
Còn theo thông tin từ các doanh nghiệp gas, giá gas thế giới đã tăng mạnh thời gian qua, làm cho giá gas trong nước cũng tăng theo.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ 7h30 ngày 1/9, giá gas của công ty sẽ tăng thêm 33.000 đồng/bình 12kg và 137.500 đồng/bình 50kg.
Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 444.000 đồng/bình 12kg và 1.848.500 đồng/bình 50kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần kinh doanh gas LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng thông báo, từ ngày 1/9 giá bán PetroVietNam Gas tăng 33.000 đồng/bình 12kg và 123.750 đồng/bình 45kg.
Một số đại lý thông báo, giá gas công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) từ ngày 1/9 tăng 33.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng 406.500 đồng/bình 12kg.
Theo các công ty, do giá gas thế giới tháng 9 chốt 555 USD/tấn, tăng 90 USD/tấn so với tháng trước nên các công ty điều chỉnh tăng theo.
Như vậy, giá gas đã có tháng thứ hai tăng liên tiếp sau các tháng giảm. Theo các doanh nghiệp, xu hướng giá gas có thể tiếp tục tăng vào các tháng cuối năm do nhu cầu nhiên liệu dự trữ cho mùa đông sẽ tăng.
Chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM, Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cho rằng, dù giá xăng chưa tăng tương tự thời kỳ cao nhất của năm 2022 nhưng vẫn phải theo dõi sát biến số này. Vì giá xăng tăng cao, chi phí đẩy sẽ gây ra lạm phát do năng lượng là nguyên liệu đầu vào cho hầu hết các ngành trong nền kinh tế.
Trong khi đó, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Do đó, khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Điều này rất dễ kích hoạt lạm phát khiến cho việc điều hành kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ trở nên khó khăn hơn và tác động đến tăng trưởng kinh tế của cả năm 2023.
“Khi thắt chặt tiền tệ thì các yếu tố liên quan đến giá cả hàng hóa sẽ giảm nhưng chưa giảm về cái mức kỳ vọng. Giờ đây khi các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại, kết hợp giá xăng dầu tăng sẽ có xu hướng làm cho các chỉ số giá chững lại, rồi sau đó tăng trở lại dễ tạo ra làn sóng lạm phát thứ hai”, ông Hải nói.
Theo chuyên gia này, hiện giá xăng tăng chưa phản ánh vào chỉ số giá vì có độ trễ. Việt Nam vẫn phải hết sức cẩn trọng với rủi ro lạm phát tiềm ẩn vì đà tăng giá lương thực đã có xu hướng xuất hiện. Cụ thể giá gạo đang tăng trở lại vì sự ảnh hưởng từ việc các nước cấm xuất khẩu. Ngoài ra, tác động của giá năng lượng cũng không thể bỏ qua, đặc biệt là ngành điện lực lại xin tăng giá điện một lần nữa do khó khăn tài chính.
Theo ông Hải, giá xăng vẫn có xu hướng tăng tiếp vì thị trường đang chịu cú sốc thắt chặt nguồn cung, chưa kể nền kinh tế Trung Quốc - một nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đang dần lấy lại đà phục hồi thì nhu cầu dầu tiếp tục tăng.
“Để tránh tác động của lạm phát từ việc giá xăng tăng thì trong thời gian tới Nhà nước có lẽ cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường tương tự năm 2022. Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc quản lý chuỗi cung ứng, đặt hàng sớm khi giá còn chưa tăng cũng như tìm các nguồn hàng thay thế nếu như giá cả các nguyên liệu đầu vào gia tăng”, ông Hải nhận định.
Mục tiêu kiểm soát lạm phát có khả thi?
Kiểm soát lạm phát được coi là vấn đề rất quan trọng của kinh tế Việt Nam, năm 2023 Quốc hội đề ra mức kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4,5%.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 7 tháng năm 2023 chỉ tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước, đều giảm so với các mức tương ứng là 3,29% và 4,74% của 6 tháng đầu năm 2023. Mặc dù vậy, CPI tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 1,13% so với tháng 12/2022 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước.
“Tốc độ tăng CPI bình quân các tháng có xu hướng giảm dần, là dấu hiệu tích cực cho thấy CPI bình quân năm 2023 đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%”, Tổng cục Thống kê cho biết.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê dự báo một số yếu tố sẽ tác động đến CPI những tháng cuối năm 2023 như sau: Dịch vụ du lịch trong năm 2023 sẽ tăng trưởng trở lại do nhu cầu của người dân tăng cao. Giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội. Thiên tai và dịch bệnh diễn ra trong năm có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.
Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thế giới. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent trong năm nay có thể ở mức 80 USD/thùng, Do đó, dự báo giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2023 giảm sẽ tác động làm giảm CPI.
Theo Tổng cục Thống kê, để kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào một số giải pháp như: Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung.
Cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.
Quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.