Giá nông sản thế giới tuần qua tăng giảm trái chiều

Tuần qua, trong khi giá gạo và cà phê giảm thì giá ngô lại tăng mạnh.

Gạo đóng túi được bày bán với nhiều mẫu mã tại một siêu thị lớn ở trung tâm thủ đô Bangkok. Ảnh: Ngọc Quang – PV TTXVN tại Thái Lan.

Gạo đóng túi được bày bán với nhiều mẫu mã tại một siêu thị lớn ở trung tâm thủ đô Bangkok. Ảnh: Ngọc Quang – PV TTXVN tại Thái Lan.

Thị trường gạo châu Á:

Giá gạo của Ấn Độ và Thái Lan đều đi xuống do áp lực giảm giá của đồng rupee Ấn Độ và đồng baht Thái, trong khi đó, lũ lụt trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng tại Bangladesh.

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ tuần này giao dịch ở mức 355-360 USD/tấn, giảm so với mức 357-362 USD của tuần trước. Ngày 22/6, đồng rupee giảm giá xuống mức thấp kỷ lục, với 78,39 rupee đổi 1 USD, giúp làm tăng tỷ suất lợi nhuận của các nhà xuất khẩu. Hiện nay, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ đang rất cao do giá cả cạnh tranh hơn các nước xuất khẩu gạo khác.

Mặt khác, việc Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ vào tháng 5/2022 đã khiến các nhà kinh doanh gạo tăng cường thu mua và đặt thêm nhiều đơn hàng giao sau do lo ngại các nguy cơ hạn chế xuất khẩu tiềm tàng.

Trong khi đó, tại Bangladesh, lũ lụt đã làm thiệt hại 75.000 ha trồng lúa, theo quan chức Bộ Nông nghiệp Humayun Kabir. Quốc gia từng một trong những nước sản xuất gạo lớn trên thế giới này đang phải dựa vào nhập khẩu gạo Ấn Độ để đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực do thiên tai gây ra.

Về phía Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này giảm xuống 420-425 USD/tấn từ mức 430-440 USD/tấn trong tuần trước do đồng baht suy yếu. Đồng baht hiện đang giao dịch gần mức thấp nhất trong 5 năm rưỡi so với đồng USD. Một thương lái ở Bangkok nhận xét, giá gạo giảm do đồng baht yếu đi trong khi nhu cầu không còn sôi động, đồng thời giá dầu cao hơn đã làm tăng chi phí vận chuyển.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng giảm xuống 418-423 USD/tấn từ mức 420-425 USD ghi nhận trong tuần trước. Một thương lái tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung gạo đang tăng lên nhưng nhu cầu không còn mạnh như tuần trước.

Theo thương lái này, các khách hàng chỉ đang khảo giá chứ chưa quyết định mua ngay, một số nơi thậm chí đã dự trữ đủ gạo từ vụ đông xuân. Hiện Trung Quốc và Philippines vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam.

Thị trường nông sản Mỹ:

Nông dân thu hoạch đậu tương tại bang Iowa, Mỹ. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Nông dân thu hoạch đậu tương tại bang Iowa, Mỹ. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 24/6, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) đi ngược chiều nhau, với giá ngô và đậu tương tăng còn giá lúa mỳ lại giảm.

Khép lại phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 18,5 xu Mỹ (2,82%) lên 6,74 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2022 nhích thêm 8,75 xu Mỹ (0,62%) lên 14,2425 USD/bushel.

Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 9/2022 giảm 12,75 xu Mỹ (1,34%) và đóng cửa phiên ở mức 9,365 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá ngô tăng mạnh sau khi triển vọng khí hậu của Mỹ ngày càng đối diện với nhiều rủi ro. Thời tiết khô hạn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất ở nhiều khu vực, với nắng nóng trên diện rộng có thể xuất hiện vào đầu tháng Bảy. Nhiều nguy cơ đang gia tăng, và câu hỏi đặt ra là về lâu dài liệu sản xuất của Mỹ và khu vực Bắc bán cầu có đáp ứng nhu cầu toàn cầu hay không.

Ngày 25/6, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 16/6, Mỹ đã xuất khẩu 26 triệu bushels ngô, tăng so với 6 triệu bushel trong tuần trước, xuất khẩu lúa mỳ đạt 18 triệu bushels, tăng từ 9 triệu bushel.

Các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán 10 triệu bushel đậu tương để giao hàng cho niên vụ mới vào phiên ngày 24/6, với tổng khối lượng xuất khẩu đậu tương theo hợp đồng trong giai đoạn 2022-2023 đạt mức kỷ lục 491 triệu bushel, tăng so với 277 triệu bushel của cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường cà phê thế giới:

Thu hoạch cà phê tại Santuario, Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thu hoạch cà phê tại Santuario, Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London giảm trong tuần này. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2022 giảm 42 USD xuống 2.044 USD/tấn và giá Robusta giao tháng 11/2022 giảm 39 USD xuống còn 2.037 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York giao tháng 9/2022 giảm 5,75 xu Mỹ xuống 223,25 xu/lb và giá Arabica giao tháng 12/2022 giảm 5,80 xu Mỹ xuống 221,45 xu Mỹ/lb. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. (1lb = 0,45 kg)

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 700 – 800 đồng, xuống dao động trong khung 40.000 – 40.500 đồng/kg.

Giá cà phê kỳ hạn tại Mỹ đã đi xuống do sau khi Bộ phận Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo về cung – cầu thị trường cà phê toàn cầu. Theo báo cáo, dự báo sản lượng toàn cầu trong niên vụ cà phê 2022-2023 sẽ tăng 4,7% so với niên vụ trước lên 174,95 triệu bao, chủ yếu là do vụ mùa cà phê Arabica của Brazil cho sản lượng cao. USDA cũng dự báo tồn kho cà phê toàn cầu cuối niên vụ 2022-2023 sẽ tăng 6,3% lên 34,70 triệu bao.

Bên cạnh đó, giá cà phê giảm còn do giá trị đồng real của Brazil tiếp tục giảm xuống mức thấp trong 4 tháng rưỡi (với 1 USD = 5,2520 real), điều này đã khuyến khích nông dân Brazil đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vụ mùa đang thu hoạch./.

Mai Ly (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-nong-san-the-gioi-tuan-qua-tang-giam-trai-chieu/248783.html