Giá phân bón tăng cao nhất 50 năm nhưng chưa chắc mua được phân đạt chuẩn

Thời gian qua, việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón diễn biến ngày càng phức tạp. Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỉ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói là có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả.

Đứng trước lợi nhuận quá lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của hàng triệu hộ nông dân.

Đằng sau lớp tường rào kiên cố là cơ sở sản xuất của 1 công ty vừa bị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phát hiện. Chỉ với 2 chiếc máy trộn hoen rỉ, cùng nhiều nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc, hàng ngàn sản phẩm phân bón đã được sản xuất ra. Tại thời điểm kiểm tra, kho hàng chứa 3.390 thùng sản phẩm phân bón, một xe ôtô chứa 570 thùng sản phẩm phân bón đang chuẩn bị chở đi tiêu thụ. Tổng giá trị ước tính khoảng 11 tỷ đồng.

Thiếu tá TRỊNH NGỌC HÀ - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk: “Công ty có dấu hiệu sản xuất phân bón chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Thứ 2 là sản xuất sai địa chỉ theo giấy đăng ký kinh doanh và xây dựng công trình trên đất nông nghiệp”.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trung bình mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả, hàng loạt cơ sở sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã bị triệt phá. Tuy nhiên, phân bón giả vẫn tràn lan trên thị trường.

Ông TRẦN VĂN CHƯƠNG - Xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk: “Nông dân không phân biệt được phân giả, phân thiệt đâu, mình tin tưởng đại lý thì mua về thôi. Nhiều người bỏ phân giả, 3-4 cơn mưa lớn không tan hết, phân vẫn còn nguyên, giống y như hạt cát”.

Không có con số cụ thể bao nhiêu người nông dân mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng, tuy nhiên đa số phân bón kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường là phân NPK, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh… vì các loại phân bón này có nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn nên dễ làm giả hoặc giảm chất lượng và bán với giá rẻ hơn.

Ông NGUYỄN ĐỨC LÊ - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường: “Các đối tượng thu mua các sản phẩm hóa chất giá rẻ trên thị trường trộn lẫn cùng thuốc bảo vệ thực phẩm mua trôi nổi rồi sử dụng bao bì của các thương hiệu nổi tiếng bán ra thị trường”.

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm bị xử phạt hành chính với mức cao nhất là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.

Thượng tá NGUYỄN HUY THÀNH - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk: “Ngoài công tác tuyên truyền, sẽ xây dựng kế hoạch đi kiểm tra tất cả các đại lý về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, xem có nhập hàng giả hay không”.

Hiện nay, nhu cầu phân bón của cả nước mỗi năm lên đến gần 11 triệu tấn, trong khi giá phân bón tăng cao nhất trong vòng 50 năm qua, nhưng dù có bỏ một số tiền lớn cũng chưa chắc đã mua được phân bón đạt chuẩn, bên cạnh đó người nông dân luôn đối mặt với nguy cơ mất tiền, cây trồng không đạt năng suất.

Thực hiện : Việt Bảo

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/gia-phan-bon-tang-cao-nhat-50-nam-nhung-chua-chac-mua-duoc-phan-dat-chuan