Giá phân bón tăng cao, nông dân 'vất vả' chăm sóc lúa xuân

Vụ xuân năm nay, chị Trần Thị Hường, thôn 6, xã Ngọc Lũ (Bình Lục) duy trì diện tích gieo cấy hơn 20 ha từ việc mượn ruộng của người dân. Với diện tích sản xuất này, trong vụ xuân 2021 chị Hường đã đầu tư 70 triệu tiền mua phân chăm sóc cho cây lúa. Giá phân bón trên thị trường tiếp tục tăng cao thời gian gần đây đang tác động không nhỏ đến đầu tư sản xuất vụ xuân năm nay của gia đình chị.

Vụ xuân năm nay, chị Trần Thị Hường, thôn 6, xã Ngọc Lũ (Bình Lục) duy trì diện tích gieo cấy hơn 20 ha từ việc mượn ruộng của người dân. Với diện tích sản xuất này, trong vụ xuân 2021 chị Hường đã đầu tư 70 triệu tiền mua phân chăm sóc cho cây lúa. Giá phân bón trên thị trường tiếp tục tăng cao thời gian gần đây đang tác động không nhỏ đến đầu tư sản xuất vụ xuân năm nay của gia đình chị.

Dự tính, để bón cho toàn bộ diện tích gieo cấy chị Hường sẽ phải bỏ tiền mua phân bón lên đến hơn 100 triệu đồng, tăng khoảng 30 triệu đồng so với vụ trước. Đây là khoản chi phí tăng lên khá lớn cho sản xuất khi tổng chi phí mỗi vụ chị Hường phải bỏ ra khoảng trên 300 triệu đồng từ công làm đất, giống, gieo cấy, đến phân bón, thu hoạch.

Chị Hường chia sẻ: Giá phân bón hiện nay quá cao, gây không ít khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất. Chị đang tính toán giảm một phần phân bón dù biết là ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây lúa vào cuối vụ.

Cũng như chị Hường, giá phân bón tăng cao trong vụ xuân năm nay đang là “bài toán” khó trong quá trình chăm sóc cây lúa của người dân. Theo tính toán, với giá phân tại thời điểm vụ xuân trước mỗi sào lúa người dân đầu tư khoảng 200 nghìn đồng, chiếm 25% tổng chi phí sản xuất. Vụ này, các loại phân đều đồng loạt tăng giá mạnh, sẽ đội thêm lên ít nhất khoảng 70 nghìn đồng/sào.

Bác Nguyễn Thị Thu, thôn Phù Đê, xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) gieo cấy 1 mẫu lúa, dự tính vụ này bác phải bỏ ra thêm 1 triệu đồng tiền phân bón so với vụ xuân trước. Đây là khoản đầu tư khá lớn trong điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chủ yếu chỉ trông vào đồng ruộng. Theo bác Thu, để đạt được năng suất phải đầu tư đủ lượng phân bón cho cây lúa. Tuy nhiên, giá phân cao như hiện nay kéo theo lợi nhuận thu được từ diện tích gieo cấy càng thấp đi. Không những vậy, nếu thời tiết, sâu, bệnh không thuận rất dễ thua lỗ.

Cấy lúa xuân bằng máy tại xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên).

Cấy lúa xuân bằng máy tại xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên).

Tìm hiểu thực tế giá phân bón trên thị trường trong vụ xuân này cho thấy tất cả các loại đều tăng so với vụ xuân trước. Đỉnh điểm, phân đạm đang dao động ở mức 17 – 18 nghìn đồng/kg (tùy loại), cao gấp 2 lần vụ xuân trước, 1,5 lần so với vụ mùa; phân tổng hợp NPK bón lót tăng 25 – 30%, bón thúc tăng 50%; lân, kali tăng 50%. Như vậy, tính chung các loại phân bón nếu người dân bón đủ lượng sẽ tăng trên 50% so với vụ xuân trước.

Ông Đào Quang Sáng, Giám đốc Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Thanh Tùng (TP Phủ Lý), đơn vị chuyên kinh doanh phân bón trên địa bàn cho biết: Giá phân bón nhập về cung ứng tăng rất cao, nhất là giai đoạn cuối năm 2021 chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Hiện nay, khi giá phân ở mức đỉnh điểm người dân hạn chế mua mặc dù mùa vụ sản xuất đã đến. Đơn cử, lượng phân đạm doanh nghiệp đang cung ứng chỉ bằng 50% so với cùng thời điểm của vụ xuân trước.

Trước tình hình giá vật tư phân bón tăng cao, ngay từ khi triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa xuân 2022 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã đề nghị các địa phương, HTXDVNN sử dụng hiệu quả kết quả bản đồ phân tích hóa, lý các vùng đất chuyên trồng lúa của tỉnh. Trong đó, về cơ bản, sử dụng phân tổng hợp NPK, phân đa yếu tố chuyên dùng bón lót, bón thúc phù hợp với từng loại đất. Qua đó, bảo đảm đủ lượng dinh dưỡng theo yêu cầu của từng giống đối với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Việc chăm sóc thực hiện phương châm bón sớm, tập trung để cây lúa sinh trưởng sớm, đẻ nhánh tập trung, hạn chế sâu bệnh. Đặc biệt, qua phân tích lượng đạm trong đất trên đồng ruộng của các địa phương đều dư thừa. Do vậy, người dân cần lưu ý, bỏ thói quen bón thừa đạm dẫn đến cây lúa bị lốp, yếu.

Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Trong quá trình chỉ đạo sản xuất tại các địa phương, đơn vị đã kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả và tiết kiệm phân bón. Đặc biệt, tăng lượng kali là loại chất đang thiếu hụt trong đất. Với điều kiện giá phân bón tăng quá cao như hiện nay, giảm đạm giúp hạn chế đáng kể được chi phí do đây là loại có mức giá tăng cao nhất.

Hiện nay, các địa phương bước vào giai đoạn cuối của gieo cấy, chuẩn bị chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa xuân. Do vậy, các đơn vị chuyên môn của tỉnh, huyện và HTXDVNN cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn quy trình chăm sóc, bón phân, nhất là với những mô hình sản xuất mới. Qua đó, giúp người dân tiết kiệm được lượng phân bón mà vẫn duy trì hiệu quả sản xuất, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, tỷ lệ nhánh hữu hiệu cao...

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/gia-phan-bon-tang-cao-anong-dan-vat-va-cham-soc-lua-xuan-59713.html