Giá phân bón tăng trong khi sức tiêu thụ giảm

Dù không phải cao điểm thời vụ chăm bón cây trồng song hơn một tháng gần đây, giá phân bón liên tục tăng, phần nào tác động đến hoạt động sản xuất của nông dân.

Hiện nay, vụ hè thu tại nhiều địa phương đã qua giai đoạn chăm bón, một số nơi cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa mùa nên nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm.

Tuy vậy, giá phân bón lại đang tăng, nhất là đạm. Theo ông Nguyễn Văn Luận, chủ một đại lý cung cấp phân bón lớn tại xã Thanh Hải (Lục Ngạn), mặc dù thời điểm này việc bón phân cho vải, cam, bưởi đã qua kỳ cao điểm, nhu cầu tiêu thụ rất thấp nhưng phân bón lại tăng giá, trong đó tăng nhiều nhất là mặt hàng đạm.

Kho hàng của Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang.

Kho hàng của Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang.

Cụ thể, cửa hàng đang bán đạm cho người tiêu dùng với giá hơn 11 nghìn đồng/kg (tăng 1 nghìn đồng/kg); giá lân 5 nghìn đồng/kg (tăng hơn 100 đồng/kg)…

Theo nhận định của một số doanh nghiệp cung ứng phân bón trong tỉnh, giá đạm tăng là do tác động từ việc Trung Quốc mới đây yêu cầu một số nhà sản xuất nước này tạm dừng xuất khẩu đạm urê. Ngoài ra, thị trường Ấn Độ đang có nhu cầu lớn khi mở rộng diện tích trồng lúa và mía đường để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung do tác động của hiện tượng El Nino.

Theo quy luật, nhu cầu phân bón trong nước sẽ tăng mạnh vào vụ đông xuân. Mặc dù giá tăng nhưng do chưa phải cao điểm mùa vụ nên thị trường vẫn ổn định. Một số doanh nghiệp đã nhập số lượng lớn hàng từ khi giá chưa tăng nên trước mắt chưa có áp lực về nguồn cung.

Tuy vậy, nếu tình trạng tăng giá vẫn tiếp diễn sẽ tác động tới tình hình sản xuất trong vụ đông - xuân sắp tới. Bởi theo tính toán của cơ quan chức năng, chi phí cho phân bón chiếm từ 30 - 40% giá trị đầu vào trong sản xuất nông nghiệp nên giá phân bón tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá thành của nông sản.

Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/413453/gia-phan-bon-tang-trong-khi-suc-tieu-thu-giam.html