Gia tài trân quý của bác sĩ 20 năm 'vượt cạn' cùng sản phụ

Hơn 20 năm trong ngành y, gia tài lớn nhất của Th.S - BS. Lưu Quốc Khải là những bức thư tay của bệnh nhân trong đó có không ít những bức thư nhòe chữ vì nước mắt.

Trong cuộc đời người phụ nữ, khoảnh khắc "vượt cạn" có lẽ là những giây phút thiêng liêng và đầy tự hào nhưng đó cũng là phút tận cùng của hiểm nguy. Người xưa có câu “Đàn ông vượt biển có đôi/ Đàn bà vượt cạn đơn côi một mình”.

Nhưng với những sản phụ may mắn được gặp gỡ Th.S - BS CKII Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa đẻ 2 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khoảnh khắc hiểm nguy ấy như được hóa giải bởi y đức và tài năng của một vị bác sĩ có tâm trong nghề.

Nụ cười chân chất, hiền lành, dễ gần của vị bác sĩ sản khoa tài năng và có tâm

Nụ cười chân chất, hiền lành, dễ gần của vị bác sĩ sản khoa tài năng và có tâm

Gặp bác sĩ Lưu Quốc Khải lần đầu, nhiều người sẽ có chung một ấn tượng với nét chân chất, hiền lành và dễ gần... Nhiều sản phụ được anh đồng hành trong thai kỳ đều nhớ về anh với những lời dặn dò tỉ mỉ, những chia sẻ, hướng dẫn tận tình như đối với người thân.

Được mệnh danh là bác sĩ sản “mát tay”, ThS.BS Lưu Quốc Khải mỗi lần cắt rốn cho các cháu và thông báo người nhà đang nín lặng đợi chờ rằng “em bé sinh rồi nhé!” thì niềm hạnh phúc trong anh lại như vỡ òa.

Hơn 20 năm trong nghề, Bác sĩ Khải chắc hẳn không thể nhớ hết có biết bao đứa trẻ chào đời trên đôi bàn tay mình, biết bao lần cùng sản phụ cận kề hiểm nguy... nhưng anh vẫn luôn nhớ như in khoảnh khắc hạnh phúc diệu kỳ khi lắng nghe tiếng khóc chào đời của những đứa trẻ và giọt nước mắt hạnh phúc trong phòng đẻ của những sản phụ.

Đối với bác sĩ Khải, thứ anh trân quý và giữ gìn nhất trong những năm làm nghề là những bức thư tay đầy xúc động của người nhà sản phụ gửi tới anh

Đối với bác sĩ Khải, thứ anh trân quý và giữ gìn nhất trong những năm làm nghề là những bức thư tay đầy xúc động của người nhà sản phụ gửi tới anh

Anh kể, trong cuộc đời làm nghề của mình, có lẽ thứ anh trân quý và giữ gìn nhất là những bức thư tay đầy xúc động của người nhà sản phụ gửi tới anh sau những lần vượt cạn thành công.

Sản phụ Hoàng Phương Thúy (Hà Nội) may mắn được bác sĩ Khải thăm khám xúc động viết: "Em đã 2 lần thai lưu. Lần này, em may mắn gặp được bác sĩ Khải. Thai kỳ cũng có nhiều vấn đề như ra sữa non sớm, thai quá ngày, không có dấu hiệu sinh... nhưng bác luôn nghe và giải đáp cho bệnh nhân. May mắn có bác sĩ Khải, năm 2017, sau gần 5 năm chờ đợi, em đã có một bé trai. Khi em giới thiệu, nhiều bạn bè đến bác, kể cả các ca khó vất vả bác đều giúp nhiệt tình... Và bác Khải rất thương các bệnh nhân nghèo! Không có lời nào để có thể cám ơn được bác Khải!".

Nhiều gia đình vì cảm kích trước tấm lòng tận tâm đã xin bác sĩ Khải được đặt tên anh cho con mình.

Nhiều gia đình vì cảm kích trước tấm lòng tận tâm đã xin bác sĩ Khải được đặt tên anh cho con mình.

Sản phụ Nguyễn Thị Như (Hà Đông, Hà Nội) được chẩn đoán cổ tử cung thấp, dọa sinh non viết tâm thư: “Không có lời nào để nói hết sự vui mừng và hạnh phúc được bác sĩ Khải đồng hành cùng trên con đường của mẹ con em. Ngày 27/1, mẹ con em đã gặp nhau nhờ bàn tay kỳ diệu của anh. Cảm ơn anh - người đã mang lại cho vợ chồng em hạng phúc vô bờ bến này- người bác sĩ tận tâm - tận tình và hết sức chu đáo nhiệt tình…”.

Nhiều gia đình vì cảm kích trước tấm lòng tận tâm đã xin bác sĩ Khải được đặt tên anh cho con mình. Những lời cảm ơn chân tình gửi tới vị bác sĩ tận tâm, những giọt nước mắt hạnh phúc vỡ òa khi bế con chào đời... trong những bức thư có lẽ ý nghĩa hơn bất cứ tấm bằng khen, danh hiệu nào anh từng nhận trong cuộc đời làm nghề.

Nói về nghề, BS Khải cho hay người làm nghề y quan trọng nhất là chữ "tâm" phải sáng, phải đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp.

Nói về nghề, BS Khải cho hay người làm nghề y quan trọng nhất là chữ "tâm" phải sáng, phải đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp.

Bước ra khỏi cánh cổng bệnh viện, trong chiếc áo blouse trắng, anh hạnh phúc chia sẻ vừa đỡ đẻ thành công một ca khó. Cuộc trò chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại của sản phụ. Đáp lại những lo lắng hồi hộp ở bên kia đầu dây điện thoại là những lời tư vấn, động viên, chia sẻ, hướng dẫn tỉ mỉ, thân tình như người thân của vị bác sĩ có tâm. Có lẽ anh là vị bác sĩ chăm nghe điện thoại bệnh nhân nhất tôi từng gặp.

Anh kể, mỗi ngày anh đều nhận được rất nhiều điện thoại của bệnh nhân và bất kể ngày đêm anh đều nhấc bởi anh hiểu những nỗi niềm lo lắng của sản phụ khi nhấc máy gọi cho anh. Có những bà mẹ cận kề ngày sinh thấy thai ít máy, có những sản phụ ra máu báo sớm... nửa đêm gọi cho anh đầy lo lắng. Anh bảo, lỡ như bệnh nhân đang thực sự đối diện với nguy cơ mà mình không thể nhấc máy thì có lẽ cả cuộc đời sẽ day dứt không nguôi.

"Người làm nghề y quan trọng nhất là chữ "tâm" phải sáng, phải đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp. Bên cạnh việc lắng nghe người bệnh chia sẻ về bệnh tật, người bác sĩ phải biết cách lấp đi khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh", Bác sĩ Khải tâm niệm.

Với suy nghĩ vậy, ai gặp Bác sĩ Khải cũng đều bất ngờ bởi cái tâm với nghề và sự ấm áp gần gũi của vị bác sĩ sản khoa tài năng, luôn nhiệt thành với bệnh nhân.

Theo bác sĩ Lưu Quốc Khải, trong một ca cấp cứu đặc biệt, đã có 18 y bác sĩ ở Bệnh viện bị phơi nhiễm HIV sau khi nỗ lực giành sự sống cho một sản phụ nhiễm HIV mất máu nhiều, ngừng tuần hoàn...

Sản phụ bị chửa ngoài tử cung vỡ và buộc phải mổ, tuy nhiên vẫn van nài “xin bác sĩ đừng cứu em vì em nhiễm HIV sắp chết rồi”. Nhưng đối với bác sĩ Khải đã là bác sĩ phải cứu người. Vì thế, vượt lên trên những rủi ro nghề nghiệp cao, nguy cơ lây nhiễm bệnh… các bác sĩ vẫn tuân thủ đúng quy trình về chuyên môn, cứu sống sản phụ.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/gia-tai-tran-quy-cua-bac-si-20-nam-vuot-can-cung-san-phu-d154501.html