Gia tăng ảnh hưởng tại Balkan, Trung Quốc khiến Mỹ, EU như 'ngồi trên đống lửa'

Trong khi Liên minh châu Âu (EU) vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của các nước thuộc Tây Balkan, việc chính quyền của các quốc gia này sẵn lòng 'ưu ái' cho một đối tác từ phương Đông như Trung Quốc đã khiến cả EU và Mỹ lo ngại.

Bên ngoài nhà máy luyện thép Zelezara Smederevo tại thị trấn Smederevo (Serbia). (Nguồn: AP)

Đến với thị trấn Smederevo (Serbia) những ngày này, từ cách xa hàng dặm có thể dễ dàng nhìn thấy những đám khói đen dày từ nhà máy luyện thép Zelezara Smederevo vẫn đều đều phả khói lên bầu trời. Có tuổi đời hơn 100 năm, nhà máy luyện thép - từng được ví là trái tim của thị trấn công nghiệp nằm bên bờ sông Danube có lúc tưởng như biến mất thì nay đã được hồi sinh, phần lớn là nhờ vào nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc.

“Nếu một công ty Trung Quốc không mua lại dự án, có lẽ cuộc sống người dân nơi đây đã xáo trộn rất nhiều”, anh Ljubisa Stojiljkovic, một người dân của thị trấn Smederevo chia sẻ.

Vào cuối những năm 1990, sau khi Liên Xô tan rã, nhà máy đã phải vật lộn với rất nhiều khó khăn, trước khi được Tập đoàn thép Mỹ (US Steel) mua lại với giá 33 triệu USD vào năm 2003. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một thập kỷ sau, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã buộc Tập đoàn này phải bán lại nhà máy thép cho Chính phủ Serbia với giá tượng trưng 1 USD.

Năm 2016, Tập đoàn thép Trung Quốc Hesteel đã mua lại nhà máy luyện thép với giá khá cao - 52 triệu USD cùng lời hứa sẽ tạo thêm hàng nghìn việc làm và doanh thu hàng chục triệu USD trong tương lai. Theo điều tra của tờ CNN, trong số 66.000 người sinh sống tại thị trấn Smederevo, đã có khoảng 5.000 người đang làm việc tại nhà máy luyện thép này.

Tham vọng của Bắc Kinh

Thương vụ Zelezara của Hesteel Group chỉ là một dự án đầu tư rất nhỏ trong số vốn đầu tư khổng lồ mà Trung Quốc rót vào Serbia - quốc gia từng tự nhận là một trong những người bạn tốt nhất của Trung Quốc tại châu Âu. Theo Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Belgrade, từ năm 2011, Bắc Kinh đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD đầu tư - phần lớn thông qua các công ty Nhà nước vào Serbia, gần bằng số vốn đầu tư của Mỹ tại quốc gia Tây Balkan này.

Phó Thủ tướng Serbia Zorana Mihajlovic từng tiết lộ với Reuters hồi tháng Bảy, Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết cho Serbia vay thêm 5 tỷ USD đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm nâng cấp hệ thống đường cao tốc, đường sắt và ngành công nghiệp.

“Dường như mọi khoản đầu tư nước ngoài mà Trung Quốc mở rộng triển khai những năm vừa qua đều ít nhiều mang ý nghĩa chính trị”, Mijat Lakicevic - một chuyên gia phân tích chính trị và kinh tế người Serbia nhận định.

Theo chuyên gia này, Trung Quốc thực sự không cần đến sản lượng từ nhà máy thép của Serbia vì không thấm vào đâu so với sản lượng của các nhà máy thép tại Trung Quốc. Điều mà Trung Quốc muốn hướng đến là gia tăng ảnh hưởng tại những thị trường mà Nga và Mỹ từng có mặt.

Nỗ lực cao nhất của Trung Quốc chính là Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) trị giá gần 900 tỷ USD - hành lang giao thông và thương mại xuyên suốt chạy từ Trung Quốc đến Đức, qua các cảng Hy Lạp, khu vực Balkan và hướng đến trung tâm châu Âu.

Đầu tư hàng năm của các công ty Trung Quốc tại châu Âu đã đạt mức cao nhất, lên tới 18 tỷ USD vào năm 2014 và dòng vốn hàng năm trung bình vẫn đạt 10 tỷ USD trong 4 năm qua, theo thống kê của Rhodium Group - một công ty giám sát đầu tư của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang khuyến khích các ngành công nghiệp trong nước đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư tại nước ngoài với hy vọng giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào xuất khẩu và thị trường nội địa. Điều này đã tạo đà cho làn sóng các thương vụ mua bán, sáp nhập trong các ngành hóa chất, du lịch, bảo hiểm, ngân hàng của Trung Quốc tại các quốc gia châu Âu.

Nhiều công ty Trung Quốc cũng bắt đầu xâm nhập các thị trường xây dựng và kỹ thuật Đông Âu, bao gồm cả kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trị giá 2 tỷ USD từ thủ đô Belgrade của Serbia đến Budapest ở nước láng giềng Hungary.

Mỹ, châu Âu lo ngại

Trong khi EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của các nước thuộc bờ Tây Balkan, việc chính quyền của các quốc gia này sẵn lòng “ưu ái” cho một đối tác từ phương Đông như Trung Quốc đã khiến cả EU và Mỹ lo ngại.

Một quan chức chính quyền cấp cao của Nhà Trắng đã bày tỏ sự hoài nghi về khoản đầu tư của Trung Quốc vào nhà máy thép tại thị trấn Smederevo và cho rằng việc Trung Quốc sẵn lòng đầu tư vào dự án khó sinh lời này thực chất không phải vì mục tiêu kinh tế. “Có lẽ cần xem xét lại liệu rằng đây có phải là một ý tưởng tốt hay không?”, vị này đặt câu hỏi.

Không riêng gì Mỹ, EU cũng đang quan sát chặt chẽ những khoản đầu tư từ Trung Quốc vào Serbia và khối các quốc gia vùng Balkan. Tháng 9/2018, Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã công bố một báo cáo cảnh báo rằng nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc có thể đi kèm với những cạm bẫy lớn, bao gồm nợ không bền vững và gia tăng sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Báo cáo nhận định, có khả năng các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực “sẽ không giúp giảm bớt vấn đề tham nhũng hiện có và không giống như các định chế tài chính khác chú trọng hơn đến các tiêu chuẩn thể chế, môi trường và xã hội”.

(theo CNN, AP)

Hạ An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-tang-anh-huong-tai-balkan-trung-quoc-khien-my-eu-nhu-ngoi-tren-dong-lua-101178.html