Gia tăng giá trị nông sản

9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh (21%), đạt 46,28 tỷ USD. Đây là kết quả rất đáng mừng với sự đóng góp của nhiều ngành hàng đến từ lúa gạo, sản phẩm chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản... Trên đà tiến lên, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 sẽ cán đích 55 tỷ USD, thậm chí nếu giữ được đà tăng trưởng như 3 quý đầu năm 2024, có thể kỳ vọng đạt mốc 58 - 60 tỷ USD.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nông sản của nước ta đã xuất khẩu tới hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặc dù vậy, làm thế nào để gia tăng giá trị cho nông sản vẫn là bài toán lớn luôn trăn trở của toàn ngành.

Trên thực tế, nông sản của nước ta vẫn còn nhiều “rào cản”, dẫn đến chưa thực sự mang lại giá trị lớn xứng đáng như tiềm năng vốn có. Trước tiên, đó là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của nước ta, nhất là ở khâu chế biến sâu chưa phát triển mạnh.

Các chuyên gia ghi nhận, đã có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào đầu tư chế biến nông sản với công suất lớn, tuy nhiên, con số này vẫn chưa “thấm thía” đối với sức sản xuất nông sản mạnh mẽ của nước ta. Bởi, khả năng chế biến nông sản của Việt Nam hiện nay chỉ đạt khoảng 8%, 92% còn lại chủ yếu tiêu thụ dưới dạng tươi chưa được qua chế biến, nâng cao giá trị gia tăng. Thế nên, nông sản nước ta vẫn chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô với sản phẩm xuất thô chiếm tới 70- 80% tỷ trọng xuất khẩu nên giá trị chưa cao.

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, so với con số 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước cho thấy, đây là một con số còn rất khiêm tốn, chưa đủ lực mạnh để đưa nông sản nước ta tiến vào quá trình sản xuất hiện đại toàn diện, đồng bộ, mang lại giá trị gia tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, ngoài các yếu tố đầu tư vào nông nghiệp vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thì quy mô manh mún, nhỏ lẻ cũng là một trong những yếu tố dẫn đến việc chúng ta chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp.

Với hàng chục triệu mảnh ruộng, quy mô sản xuất trung bình từ 0,2-2ha/hộ làm hạn chế canh tác ở quy mô rộng. Điều này kéo theo việc thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng đối với nông sản nước ta còn chưa được phổ biến. Cũng từ khó khăn này, dẫn đến việc, các sản phẩm nông nghiệp của nước ta được sản xuất ra, đa phần có kích cỡ chưa đồng đều, chưa có nhiều thương hiệu trên thị trường.

Theo chuyên gia để nâng cao giá trị cho nông sản Việt, có rất nhiều giải pháp cần được triển khai ở nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau. Trước tiên, đó là việc chuyển đổi sản xuất tại những vùng sản xuất kém hiệu quả sang những cây trồng, vật nuôi khác để nâng cao giá trị nông sản trên cùng một diện tích đất sản xuất.

Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất được xem là khâu “đột phá” để nâng cao giá trị cho nông sản. Việc nghiên cứu các giống mới, quy trình canh tác mới, ứng dụng những công cụ sản xuất hiện đại mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến, bảo quản sau thu hoạch...tiếp tục là những yếu tố quan trọng để đẩy mạnh giá trị cho nông sản.

Rõ ràng, muốn thực hiện giải pháp tăng cường chế biến sâu, chúng ta cần thu hút các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ, năng lực quản trị để đầu tư vào lĩnh vực còn nhiều dư địa này. Do đó, cần có các cơ chế, chính sách mang tính ưu đãi dài hạn để thu hút lực lượng quan trọng này vào đầu tư chế biến nông sản. Bởi doanh nghiệp thực sự là “đầu tàu” dẫn đường, đưa nông sản vào dây chuyền sản xuất quy mô lớn, hiện đại, mang lại sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy xuất khẩu để biến ước mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030 trở thành hiện thực.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gia-tang-gia-tri-nong-san-post482501.html