Gia tăng người mắc bệnh thời điểm giao mùa

Những ngày gần đây, thời tiết trở lạnh đột ngột kèm theo mưa, nắng thất thường khiến số người mắc các bệnh lý đường hô hấp và các bệnh lý khác gia tăng.

Khám và điều trị cho bệnh nhi mắc các bệnh thời điểm giao mùa tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Khám và điều trị cho bệnh nhi mắc các bệnh thời điểm giao mùa tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng dễ mắc bệnh, phải nhập viện điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, sinh hoạt.

Cả gia đình bị sốt siêu vi

Đang chăm sóc con nhỏ bị sốt siêu vi tại khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, chị Nguyễn Kim Hoa (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho biết, suốt gần 1 tháng nay, cả gia đình 7 người nhà chị thay phiên nhau bị cảm, sốt, ho, đau đầu, sổ mũi. Ban đầu là chồng chị Hoa, sau đó đến chị rồi đến các con. Cách đây 1 tuần, cô con gái nhỏ 6 tháng tuổi có dấu hiệu sốt cao, khó thở, mắt sưng đỏ, chị Hoa đưa con đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị sốt siêu vi.

Trước đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận và điều trị từ 10-15 bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp/ngày thì đến nay, con số này lên đến 30-40 trường hợp, có những ngày lên đến 50 ca bệnh.

Tương tự, cả gia đình 4 người nhà chị Phạm Thị Thúy (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cũng đang bị bệnh sốt siêu vi. Trong đó, con gái lớn của chị Thúy phải nghỉ học nhiều ngày nay để chữa bệnh. Vợ chồng chị Thúy phải thay phiên nhau nghỉ làm để chăm sóc con.

BS Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, những ngày qua, nhiệt độ xuống thấp, đặc biệt vào sáng sớm và buổi tối kèm theo trời mưa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển, gây bệnh. Trong đó, sốt siêu vi là bệnh thường gặp nhất. Tiếp đến là các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, sốt xuất huyết.

Sốt siêu vi có nguyên nhân chính là do nhiễm phải nhiều loại virus. Đây là bệnh cấp tính, hay gặp ở trẻ em và người già, là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu hoặc suy giảm.

Hiện nay, có rất nhiều chủng loại virus gây bệnh sốt siêu vi như: Adenovirus, Rhinovirus, Enterovirus. Các chủng virus này lây từ người bệnh sang người lành, chủ yếu thông qua việc ho, hắt hơi, virus từ người bệnh bay sang người lành. Hoặc nhiễm bệnh gián tiếp thông qua việc tiếp xúc với các đồ vật ở nơi công cộng bị dính dịch chứa virus như: nắm cửa, lan can cầu thang; hoặc sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như cốc nước, khăn mặt…Đặc biệt, bệnh lây lan nhanh đối với trẻ nhỏ đang trong độ tuổi đi học. Nếu một lớp có 1 trẻ mắc bệnh, có thể lây lan cho nhiều trẻ khác trong lớp do quá trình tiếp xúc và chơi đùa của trẻ tại lớp.

Bệnh sốt siêu vi thường kéo dài từ 1-2 tuần với các triệu chứng như: sốt cao đột ngột, đau đầu, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức cơ. Một số trường hợp gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng.

Để điều trị bệnh sốt siêu vi, trước tiên người bệnh cần được nghỉ ngơi, uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38,50C, mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Khi có các triệu chứng của bệnh, người dân cần đến và đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc khi nhập viện muộn, bệnh trở nặng nguy hiểm.

Không thể chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Trong tuần gần đây nhất (từ ngày 21-10 đến 27-10), toàn tỉnh ghi nhận 372 ca bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Trong đó có 226 trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi. Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục giảm so với tuần trước đó nhưng tăng gấp 2 lần so với tuần cùng kỳ năm ngoái. Số ca mắc cao nhất là ở TP.Biên Hòa với 121 ca, thấp nhất là ở TP.Long Khánh với 6 ca.

BS Nguyễn Hữu Tài, Phó giám đốc Sở Y tế khuyến cáo, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị thời gian qua giảm nhiều so với thời điểm tháng 7, 8 nhưng người dân vẫn tuyệt đối không nên chủ quan, không được lơ là phòng bệnh vì bệnh sốt xuất huyết khá nguy hiểm.

Cụ thể, mới đây tỉnh đã ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết thứ 19 kể từ đầu năm đến nay. Trường hợp tử vong 15 tuổi, khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Bệnh nhân tử vong do sốc sốt xuất huyết nặng, suy đa cơ quan, nhiễm trùng huyết.

Ông Lương Văn Hùng, 40 tuổi, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa mới đây phải nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai. Ông Hùng cho hay, gia đình ông thường xuyên thực hiện các biện pháp để phòng bệnh sốt xuất huyết như: xịt thuốc diệt muỗi, quét dọn nhà cửa, đổ hết các lu đựng nước ngoài vườn nhưng không hiểu sao vẫn bị muỗi vằn đốt và gây bệnh. Sau 3 ngày sốt cao tự điều trị tại nhà, đến ngày thứ 4, ông Hùng phải nhập viện do mệt mỏi nhiều, đau đầu, sốt cao không hạ. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, tiểu cầu của ông Hùng giảm mạnh. Các bác sĩ đã thực hiện điều trị theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết, đến nay, bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân mà những người xung quanh trong thời điểm giao mùa, ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khuyến cáo người dân nên giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, ăn uống đủ chất, tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh, tiếp tục diệt muỗi, diệt lăng quăng…

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202211/gia-tang-nguoi-mac-benh-thoi-diem-giao-mua-3143148/