Gia tăng sức hấp dẫn cho chứng khoán Việt

Sau khi giao dịch T+2 được chính thức áp dụng vào ngày 29-8, thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu giao dịch sôi động trở lại.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam (VN) đang chịu nhiều sức ép trước các bất ổn kinh tế toàn cầu, khiến dòng tiền bị rút mạnh. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn có niềm tin lạc quan về sức hấp dẫn của chứng khoán trong dài hạn khi VN đang mở ra những sân chơi hấp dẫn, tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Nhà đầu tư thận trọng xuống tiền

TTCK VN đã từng bùng nổ mạnh mẽ khi có thời điểm giá trị giao dịch mỗi phiên lên đến hơn 22.000-23.000 tỉ đồng, một mức tăng kỷ lục từ trước đến nay. Nhưng thời gian gần đây, nhà đầu tư bớt hào hứng khiến mốc 23.000 tỉ đồng/phiên chưa trở lại.

Việc cho phép giao dịch lô lẻ tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động trong việcđặt lệnh mua bán. Ảnh: HOÀNG GIANG

Việc cho phép giao dịch lô lẻ tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động trong việcđặt lệnh mua bán. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Nhất Việt, cho rằng khi lạm phát tăng cao thì các ngân hàng trung ương toàn cầu khó mạo hiểm cho việc hạ lãi suất. Tại VN, chính sách lãi suất vẫn có thể tăng, do đó khó có dòng tiền mạnh đổ vào TTCK, dẫn đến giao dịch khó sôi động như trước.

Cùng quan điểm, TS Quách Mạnh Hào, giảng viên tại ĐH Lincoln (Vương quốc Anh), nhìn nhận hai năm vừa qua, kết quả hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không nổi bật vì dịch bệnh nhưng TTCK vẫn đi lên do có nguồn tiền mạnh bơm vào. Hiện nay khi dòng tiền đảo chiều thì các cổ phiếu trở lại giá trị thực, kéo theo TTCK cũng không còn tăng trưởng nóng như trước.

“TTCK vẫn đang đối mặt với rủi ro liên quan đến vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ. Quy mô thắt chặt vẫn khó dự đoán vì phụ thuộc vào diễn biến của lạm phát nhưng việc đã và đang rút tiền đã ngấm vào thị trường. Do đó, TTCK VN có xu hướng đi ngang, thậm chí có thể đi xuống nếu như tiếp tục có thông tin tiêu cực và tiếp tục có tín hiệu hút tiền” - TS Hào nhận định.

Tuy vậy, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá lạm phát toàn cầu và căng thẳng địa chính trị đã ảnh hưởng khá mạnh khiến chỉ số VN-Index giảm 20% trong nửa đầu năm nay. Nhưng lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh và mức giảm của chỉ số VN-Index đã phản ánh đầy đủ vấn đề này.

“Nhìn về cuối năm nay, nền kinh tế VN được đánh giá khá tính cực và lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn được dự báo có mức tăng trưởng so với cùng kỳ” - Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Tăng sức hấp dẫn cho chứng khoán

Vào cuối tháng 8 vừa qua, các nhà đầu tư đón nhận tin vui khi TTCK VN áp dụng T+2. Với mô hình này, nhà đầu tư sẽ nhận được tiền hay chứng khoán ngay trong buổi sáng, thay vì phải chờ đến chiều như mô hình cũ (T+3). Điều này cũng giúp nhà đầu tư có thể giao dịch ngay trong phiên chiều, thay vì để đến sáng hôm sau.

Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán VN (VSD), việc rút ngắn thanh toán là mong muốn của nhà đầu tư cũng như thành viên thị trường. Qua đó gia tăng tính thanh khoản cũng như khả năng sinh lời của dòng vốn.

“Chu kỳ thanh toán giao dịch T+2 hiện nay của VN là phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như bám khá sát xu hướng hiện nay trên thế giới. Chẳng hạn, các trung tâm chứng khoán như Nhật hay Singapore cũng mới áp dụng T+2 trong giai đoạn 2017 và 2018. Mỹ cũng mới chuyển sang thanh toán T+2 từ năm 2017” - ông Sơn nói.

Do đó, xét về yếu tố lịch sử hình thành TTCK, VN được xem là đi khá nhanh trong việc áp dụng mô hình giao dịch T+2. Đây là nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý, tổ chức vận hành thị trường cũng như thành viên thị trường và ngân hàng thanh toán.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải bình luận việc rút ngắn thời gian giao dịch từ T+3 xuống T+2 đem lại nhiều lợi ích cho các bên trên thị trường. Đầu tiên là giảm rủi ro biến động giá trong khi chờ cổ phiếu về tài khoản. Nhà đầu tư chủ động hơn trong chiến lược đầu tư, kịp thời hiện thực hóa lợi nhuận hoặc giảm thiểu rủi ro. Các công ty chứng khoán cũng gia tăng phí dịch vụ khi thanh khoản thị trường được cải thiện.

“Khi công nghệ được cải thiện, các sản phẩm mới xuất hiện và khối lượng giao dịch tăng lên thì rõ ràng chu kỳ thanh toán T+3 đã lỗi thời không còn phục vụ lợi ích tốt nhất cho nhà đầu tư. Do đó, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống một ngày sẽ đem lại hiệu quả và giảm rủi ro cho những người tham gia thị trường. Bằng việc áp dụng mô hình T+2, VN đang bám sát thế giới và thị trường trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài” - ông Hải nhận xét.

Bên cạnh đó, trong thông báo mới nhất, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã cho phép nhà đầu tư được giao dịch lô lẻ từ ngày 12-9. Điều này được kỳ vọng gia tăng tính hấp dẫn hơn cho thị trường.

Bởi trước đây, nhà đầu tư muốn bán được lô lẻ, chỉ có thể thông qua công ty chứng khoán, với mức giá bán bằng giá sàn của cổ phiếu trong phiên giao dịch đó. Thậm chí, công ty chứng khoán từ chối mua cổ phiếu lẻ thì nhà đầu tư không có cách nào thoát hàng. Vì vậy giao dịch lô lẻ sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động trong việc đặt lệnh mua bán, giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty chứng khoán.

Kinh tế trong nước tiếp tục duy trì xu hướng tích cực

Thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán VN (VSD) cho thấy trong tháng 7 vừa qua, số tài khoản nhà đầu tư chứng khoán mở mới đã giảm mạnh, chỉ còn 195.709 tài khoản mở mới. Con số này là thấp hơn rất nhiều so với các tháng trước đó.

Tuy vậy, trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết nhịp tăng điểm ấn tượng cùng tâm lý tích cực lan tỏa trên thị trường trong tháng 8 đã giúp hầu hết nhóm ngành có diễn biến khả quan hơn so với tháng 7. Thị trường chứng kiến một số phiên rung lắc mạnh do chịu ảnh hưởng từ diễn biến thế giới, tuy nhiên kết thúc tháng 8 ghi nhận có 9/11 nhóm ngành tăng điểm. Xét về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân đạt 787 triệu USD/phiên, tăng ấn tượng 36,17% so với tháng 7.

Xét các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thị trường, BSC cho rằng nội tại nền kinh tế trong nước tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, nỗ lực bình ổn giá cả các mặt hàng của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, việc Ngân hàng Nhà nước thông tin chính thức về room tín dụng tạo tiền đề thuận lợi để khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/gia-tang-suc-hap-dan-cho-chung-khoan-viet-post697545.html