Gia tăng tình trạng học sinh vi phạm giao thông: Cách nào giảm thiểu?

Việc học sinh vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông không phải là vấn đề mới song điều đáng quan ngại là thực trạng này diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ từ phía gia đình, nhà trường, lực lượng chức năng,... để ngăn chặn, giảm thiểu đồng thời xây dựng nên văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học đường.

Thực trạng đáng quan ngại

Đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), số lượng các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh có chiều hướng gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua. Trong 7 tháng đầu năm 2024, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh tăng 21,64% so với cùng kỳ liền kề trước đó.

Số liệu thống kê chỉ trong 2 tuần (từ ngày 1-14/10), thực hiện cao điểm bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ đến trường, lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an TP. Hà Nội) đã kiểm tra, xử lý 3.099 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến học sinh, tạm giữ 1.657 phương tiện.

Đáng chú ý có 2.806 trường hợp vi phạm mũ bảo hiểm, chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện 541 trường hợp, xử lý việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển 151 trường hợp và gửi thông báo 1.904 trường hợp học sinh vi phạm về Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Không khó để bắt gặp những hình ảnh học sinh điều khiển xe gắn máy trên 50cc không đội mũ bảo hiểm, kẹp 2 kẹp 3 hay thậm chí còn phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều gây nguy hiểm cho người khác.

Nhiều học sinh còn tự ý thay đổi màu sắc, nhãn mác, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí môtô sai quy định, lắp còi sai âm lượng, tụ tập thành nhóm đi tốc độ cao, nô đùa trên nhiều tuyến phố.

 Tình trạng học sinh vi phạm các quy định khi tham gia giao thông vẫn diễn biến phức tạp.

Tình trạng học sinh vi phạm các quy định khi tham gia giao thông vẫn diễn biến phức tạp.

Chia sẻ với phóng viên, một học sinh THPT tại Hà Nội cho biết, trước đây bố mẹ đã mua cho em một chiếc xe dung tích dưới 50cc rồi nhưng đi xe đó rất chậm và ì nên em đã xin bố mẹ đổi cho em sang xe khác dung tích lớn hơn.

Nhiều bạn còn độ bô, còi đuổi, xi nhan nhấp nháy,... để trông “ngầu” hơn. Một số bạn khi xe đã độ rồi thì thi nhau biểu diễn; bạn thì đua xe, bạn thì thể hiện trình tổ lái của mình bằng cách lạng lách chui vào giữa khe hai xe ô tô, bạn thì nằm dài trên xe để điều khiển.

Mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, thậm chí bị lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện, xử phạt. Nhưng trên thực tế, các em học sinh và nhiều bậc phụ huynh (chủ xe hoặc đứng tên trong đăng ký xe) khi được hỏi đều đưa ra các lý do khác nhau để biện minh cho việc vi phạm.

Hành vi điều khiển phương tiện của các em học sinh tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi và hành vi giao xe hoặc để cho con em mình tùy tiện sử dụng, điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy đến trường khi chưa đủ tuổi của các bậc phụ huynh đã vi phạm các quy định về luật giao thông đường bộ.

Bác Tuấn trú tại quận Long Biên (TP. Hà Nội) bức xúc, tình trạng thanh thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm các quy định diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn cho chính bản thân cũng như những người khác.

Chính bản thân bác Tuấn cũng từng là nạn nhân khi bị một cậu học sinh đi xe máy va phải rồi chạy mất. Hậu quả bác trật khớp cổ chân và xây xát người.

“Đặc biệt là vào ban đêm, tình trạng nhiều đối tượng thanh thiếu niên tụ tập điều khiển phương tiện di chuyển tốc độ cao, gây rối mất trật tự, thậm chí còn mang theo cả hung khí đi trên đường rất nguy hiểm. Lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm chứ không chỉ vào ban ngày”, bác Tuấn nói.

Cần ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm nêu gương từ mỗi gia đình

Có con đang học cấp 3, chị Liên trú tại quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) cho biết: “Do đặc thù công việc nên không thể đưa đón con đi học mỗi ngày nên khi con trai mình vào cấp 3, gia đình cũng đã mua cho cháu một chiếc xe đạp điện để tự đến trường.

Đến cuối cấp thì gia đình có đưa xe máy cho cháu đi và thường xuyên nhắc nhở phải đi chậm, chú ý quan sát và đặc biệt không phóng nhanh vượt ẩu để đảm bảo an toàn cho chính các cháu và những người tham gia giao thông khác”.

Đó chỉ là một trong nhiều lý do mà các bậc phụ huynh đưa ra để biện minh cho hành vi vi phạm giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi.

Theo Đại tá Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều giải pháp cấp bách để kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông. Đặc biệt là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh.

 Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh cũng như học sinh trong việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông. Ảnh: TL

Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh cũng như học sinh trong việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông. Ảnh: TL

Nhưng vẫn còn tồn tại, vi phạm vì nhiều lý do, trong đó có việc ngay bản thân học sinh cũng chưa thực sự cảm thấy cần thiết khi tiếp thu kiến thức về trật tự an toàn giao thông, pháp luật về giao thông. Nội dung tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông chưa đủ tần suất, lưu lượng truyền tải kiến thức cần truyền đạt.

Các em học sinh đang thiếu môi trường để thực hiện an toàn giao thông, ngay kể cả cha mẹ các em đưa con đi học cũng không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều. Nhiều cha mẹ vẫn giao xe cho con dù biết con mình không đủ điều kiện. Việc đó gây nguy hiểm cho chính bản thân các em và những người tham gia giao thông xung quanh khác.

Triển khai Luật Trật tự an toàn giao thông, hiện Cục Cảnh sát giao thông cũng đang xây dựng Nghị định về xử phạt hành chính, tập trung tăng nặng chế tài xử phạt đối với hầu hết các lỗi là cố ý như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, giao xe cho người chưa đủ điều kiện.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, để chấm dứt tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn đến trường, chính quyền địa phương và nhà trường cần chủ động triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh và bảo đảm trật tự an toàn giao thông xung quanh khu vực trường học.

Tổ chức cho phụ huynh ký cam kết với nhà trường về đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; không giao xe phân khối lớn cho học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.

Đồng thời nhà trường kiên quyết không giữ xe phân khối lớn cho học sinh; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh trường cam kết không nhận giữ xe phân khối lớn do học sinh gửi.

Vận động, khuyến khích học sinh đến trường bằng xe đạp hoặc các phương tiện giao thông công cộng. Có như vậy, mới đảm bảo an toàn cho học sinh và góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay.

Đáng chú ý, các bậc phụ huynh phải thực sự nêu gương khi tham gia giao thông, tuyệt đối không chở con em mình khi tham gia giao thông mà vi phạm pháp luật như không đội mũ, sử dụng rượu bia, nghe điện thoại.

Xây dựng văn hóa giao thông không chỉ đòi hỏi các bậc làm cha, làm mẹ nêu gương thượng tôn pháp luật trong gia đình, dòng họ mà còn đòi hỏi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội phải nêu gương. Người giữ chức vụ càng cao, càng phải nêu gương.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-tang-tinh-trang-hoc-sinh-vi-pham-giao-thong-cach-nao-giam-thieu-post317166.html