Gia tăng tình trạng không đội mũ bảo hiểm trong thanh, thiếu niên khi tham gia giao thông
21.606 trường hợp không đội mũ bảo hiểm (MBH) bị xử phạt là con số được Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh thống kê trong báo cáo 9 tháng năm 2023. Đây cũng là số liệu phản ánh thực tế tình trạng vi phạm không đội MBH khi tham gia giao thông hiện nay còn khá phổ biến, nhất là ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Lực lượng chức năng Công an TP Thanh Hóa kiểm tra nhóm thanh niên vi phạm trật tự ATGT. Ảnh: CTV
Ý thức chưa cao
Sau 16 năm thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, MBH trở thành “vật bất ly thân” đối với nhiều người khi tham gia giao thông. Thói quen này không chỉ thể hiện cách ứng xử có văn hóa, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT, mà đây được xem là biện pháp hiệu quả đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, nhất là hạn chế thương vong nếu không may có tai nạn xảy ra.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp vi phạm quy định này. Ghi nhận thực tế tại các tuyến đường trung tâm thành phố, các khu đô thị mới, thường xuyên xuất hiện hình ảnh người điều khiển xe máy lẫn người ngồi phía sau không đội MBH khi lưu thông trên đường, trong đó nhiều trường hợp trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Giờ tan tầm, nhiều phụ huynh đón con tan học chở 2 - 3 học sinh nhưng không thấy có cháu nào được đội MBH. Nhiều học sinh ở lứa tuổi THCS, THPT tự điều khiển xe đạp điện, xe máy điện nhưng vẫn “đầu trần” tham gia giao thông hoặc có MBH trên đầu nhưng không cài quai... Mặc dù biết rõ đây là hành vi gây mất ATGT nhưng dường như các bạn trẻ vẫn cố tình vi phạm. Thậm chí trong nhiều trường hợp, các bạn trẻ đội MBH chỉ để “đối phó” với việc kiểm tra của lực lượng chức năng mà chưa hình thành thói quen, văn hóa khi tham gia giao thông.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, chỉ trong 9 tháng năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động đã lập biên bản, xử phạt 21.606 trường hợp không đội MBH khi tham gia giao thông với tổng số tiền phạt lên đến hơn 10,7 tỷ đồng. Qua con số vi phạm cho thấy, hành vi vi phạm không đội MBH vẫn còn khá cao, trong khi đó đây lại là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại chấn thương nghiêm trọng nếu xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).
Không đội MBH khi tham gia giao thông, vi phạm tốc độ, thiếu chú ý quan sát, đi sai phần đường, sử dụng rượu bia khi lái xe... cũng là những nguyên nhân chính xảy ra các vụ TNGT. 9 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 387 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 157 người, làm bị thương 393 người. Số vụ TNGT tăng cao so với cùng kỳ năm 2022, trong đó TNGT đường bộ chiếm tỷ lệ cao (chiếm 98,7% tổng số vụ).
Cũng theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân chưa cao; hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT ở một số địa phương chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Số vụ vi phạm trật tự ATGT tăng 16.036 trường hợp vi phạm (tăng 26%), cùng với đó là số tiền phạt do vi phạm trật tự ATGT, tăng 52,2 tỷ đồng (tăng 39,6%) so với cùng kỳ năm 2022.
Tăng cường trách nhiệm
Để nâng cao ý thức của người dân nói chung, giới trẻ nói riêng khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy bắt buộc đội MBH, các ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, trọng tâm là tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, tuyên truyền tại các nhà trường, hướng đến nhóm đối tượng học sinh, thanh thiếu niên nhằm tạo chuyển biến tích cực và hình thành thói quen đội MBH khi tham gia giao thông. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT, trong đó có các vi phạm điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện không đội MBH, lạng lách, đánh võng.
Đơn cử, tại TP Thanh Hóa, từ đầu tháng 11/2023, tổ 282 Công an TP Thanh Hóa đã huy động cán bộ, chiến sĩ các đội nghiệp vụ mà nòng cốt là lực lượng cảnh sát giao thông - trật tự, hình sự, kinh tế môi trường, quản lý hành chính và công an các phường, xã trên địa bàn thành phố phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động Công an tỉnh sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật đồng loạt ra quân triển khai các biện pháp tuần tra vũ trang phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Tổ công tác đã đồng loạt kiểm tra nhiều điểm trường học và tuyến đường trung tâm trên địa bàn TP Thanh Hóa và phát hiện nhiều học sinh, thanh, thiếu niên không đội MBH, đi xe phân khối lớn, đi xe mô tô khi chưa đủ tuổi điều khiển...
Trung tá Hoàng Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an TP Thanh Hóa, cho biết: Chỉ sau gần 1 tháng ra quân, tổ 282 Công an Thanh Hóa kiểm tra, xử lý gần 500 trường hợp thanh, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, chủ yếu những lỗi vi phạm như: không đội MBH, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, chở quá số người quy định, không gắn biển kiểm soát... Đặc biệt, có 15 trường hợp lạng lách, đánh võng, 1 trường hợp điều khiển xe máy bằng chân. Sau đợt cao điểm ra quân, tình trạng thanh, thiếu niên ngang nhiên vi phạm trật tự ATGT giảm đáng kể. Công an TP Thanh Hóa đang tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuần tra, xử lý vi phạm về trật tự ATGT. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác xử phạt “nguội” đối với các hành vi vi phạm trật tự ATGT, trong đó phát huy vai trò của người dân trong việc phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh vi phạm để cơ quan công an có căn cứ xử lý theo quy định.
Để xử lý nghiêm hành vi điều khiển xe mô tô hoặc xe máy điện không đội MBH, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản dưới luật đã quy định rất chặt chẽ. Mức phạt tiền được quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Điểm b Khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng. Theo đó, mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các lỗi liên quan đến đội MBH như: không đội “MBH cho người đi môtô, xe máy” hoặc đội “MBH cho người đi môtô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ; chở người ngồi trên xe không đội “MBH cho người đi môtô, xe máy” hoặc đội “MBH cho người đi môtô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Để quy định về đội MBH được thực hiện nghiêm túc, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông cần tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định bắt buộc đội MBH.