Gia tăng trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng

Số trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng đang gia tăng, cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ, đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được bác sỹ tư vấn cách chăm sóc và kịp thời điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Bác sỹ Nguyễn Hà Trang thăm khám bệnh nhi.

Bác sỹ Nguyễn Hà Trang thăm khám bệnh nhi.

Ngày 2/6, chị Chu Thị Hương, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) đưa con trai Ngô Hải Đ. (19 tháng tuổi) đến khám tại Bệnh viện Sản - Nhi và được các bác sỹ chỉ định nhập viện điều trị. Bé Đ. có nhiều triệu chứng điển hình của bệnh tay - chân - miệng độ 2A như họng loét, sốt 39,5oC, nổi nhiều mụn nước ở lòng bàn tay, chân, gối, mông; đau miệng, ăn kém, giật mình khi ngủ. Chị Hương cho biết: Đêm con sốt cao, nôn nhiều, ban đầu chỉ có một vài nốt mụn trên tay, chân, nhưng đến sáng, các nốt phỏng nước đã lan rất nhanh, có những nốt bị vỡ khiến con đau, quấy khóc.

2 anh em bệnh nhi Hoàng Quốc D. (3 tuổi) và Hoàng Thanh T. (17 tháng tuổi) ở phường Nam Cường (thành phố Lào Cai) cũng nhập viện điều trị do mắc bệnh tay - chân - miệng độ 2A. Chị Vi Thị Chuẩn, mẹ của 2 bệnh nhi cho hay, sau 3 ngày được các bác sỹ điều trị, chăm sóc, 2 con chị đã giảm sốt, những vết mụn nước đã se lại.

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi hiện có 22 phòng bệnh, bệnh nhi mắc các bệnh chủ yếu như tiêu chảy, tay - chân - miệng và viêm phổi do vi rút. Khoa đã chia buồng bệnh thành nhiều khu điều trị, việc phân bổ hợp lý giúp các bệnh nhi hạn chế tối đa lây nhiễm chéo các loại bệnh khác. Bên cạnh đó, khoa cũng hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân; việc lau dọn buồng bệnh, hành lang cũng được chú trọng; cán bộ y tế thường xuyên nhắc người nhà bệnh nhi giữ vệ sinh phòng bệnh...

Bệnh tay - chân - miệng do các chủng vi rút đường ruột, trong đó có 2 nhóm tác nhân thường gặp là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (còn gọi EV71) gây ra. Đường lây bệnh chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở mũi, miệng, họng và bọng nước hoặc phân của người bị bệnh. Ngoài ra, bệnh lây do tiếp xúc gián tiếp với quần áo, đồ chơi, bát đũa... của trẻ mang bệnh. Bệnh tay - chân - miệng rất dễ lây lan thành dịch. Trẻ cần được khám tại cơ sở y tế để bác sỹ đánh giá mức độ bệnh. Mức độ 1 là bệnh nhẹ, có thể điều trị tại nhà, với các triệu chứng như tổn thương ở da, có thể sốt hoặc không sốt, khi đó cha, mẹ sẽ được bác sỹ hướng dẫn cách chăm sóc, phát hiện sớm các triệu chứng nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Tuy nhiên, từ độ 2A là mức độ bệnh nặng, trẻ xuất hiện nốt phỏng nước, sốt cao liên tục, mệt mỏi, ngủ nhiều, lơ mơ, giật mình, thở nhanh, run chi… cần được điều trị nội trú. Nếu bệnh nhân nhiễm vi rút EV71, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não do vi rút, viêm cơ tim, thậm chí tử vong.

Bác sỹ Hoàng Tùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: Bệnh tay - chân - miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bởi vậy, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống, như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi bế ẵm trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn tay, vật dụng ăn uống… Các gia đình cũng nên thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa, khống chế dịch bệnh tay - chân - miệng là phòng lây lan từ người bệnh sang người lành. Bởi vậy, những trẻ điều trị tại nhà cần được cách ly điều trị cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Sau khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhi, phụ huynh cần rửa tay kỹ với xà phòng, theo dõi chặt chẽ những biểu hiện bệnh để sớm nhận biết những dấu hiệu nguy cơ cao.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/357580-gia-tang-tre-mac-benh-tay--chan--mieng