Giá trị dinh dưỡng và lợi ích đối với sức khỏe của rau bí

Rau bí có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, tốt cho sức khỏe tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho xương, cải thiện hệ tiêu hóa,...

Rau bí xào được nhiều người ưa chuộng

Rau bí xào được nhiều người ưa chuộng

Không chỉ quả bí, rau bí cũng là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn của nhiều người. Rau bí sẽ bao gồm những phần sau: ngọn, lá non và hoa bí đực. Không chỉ là món ăn đưa miệng mà loại rau này còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe.

1. Giá trị dinh dưỡng của rau bí

Rau bí có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong 100 gam rau bí nấu chín có chứa:

- Calo: Khoảng 19 kcal

- Carbohydrate: Khoảng 3,1 gram

- Chất đạm: Khoảng 2 gam

- Chất xơ: Khoảng 1,6 gram

- Chất béo: Khoảng 0,3 gram

Rau bí cũng rất giàu vitamin và khoáng chất, bao gồm:

- Vitamin A, C, D, B1, B2, B3, B6, B12

- Canxi

- Sắt

- Kali

- Magie

- Natri

- Kẽm

- Đồng

- Mangan

Rau bí có chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe (Ảnh: ST)

Rau bí có chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe (Ảnh: ST)

2. Lợi ích của rau bí đối với sức khỏe

Nhờ có thành phần dinh dưỡng ấn tượng, rau bí có nhiều lợi ích đối với sức khỏe:

2.1. Tốt cho sức khỏe tim mạch

Trong rau bí có chứa chất xơ không hòa tan, loại chất xơ này giúp giảm sự hấp thu cholesterol và axit mật từ ruột non, do đó làm giảm mức cholesterol trong máu. Khi các chất xơ hòa tan bị phân hủy bởi vi khuẩn trong ruột, một số axit béo được giải phóng được cho là làm giảm sản xuất cholesterol ở gan. Bằng cách giảm cholesterol trong máu, chất xơ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ngoài ra, trong rau bí có chứa kali, đây là khoáng chất có tác dụng làm giảm căng thẳng trong thành mạch máu, ngăn ngừa nhịp tim không đều và giảm nguy cơ đột quỵ.

2.2. Phòng ngừa ung thư ruột kết

Chất xơ trong rau bí có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe, không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa và tim mạch mà còn có thể phòng ngừa ung thư ruột kết.

Chất xơ hòa tan và không hòa tan trong loại rau này giúp nhu động ruột hoạt động trơn tru, từ đó đảm bảo đường ruột khỏe mạnh, ngăn ngừa sự phát triển của khối u ung thư trong ruột kết.

Chất xơ trong rau bí vừa tốt cho hệ tiêu hóa lại có thể phòng ngừa ung thư ruột kết (Ảnh: ST)

Chất xơ trong rau bí vừa tốt cho hệ tiêu hóa lại có thể phòng ngừa ung thư ruột kết (Ảnh: ST)

2.3. Cải thiện hệ miễn dịch

Rau bí có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch là nhờ có chứa sắt và vitamin C.

Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch, bổ sung đủ sắt cho cơ thể sẽ đảm bảo hệ miễn dịch được tăng cường, từ đó giúp cơ thể chống lại một số rối loạn và nhiễm trùng. Hơn nữa, sắt còn giúp chữa lành các tế bào hồng cầu, cho phép oxy lưu thông tốt hơn trong các tế bào, mô và cơ quan.

Vitamin C là loại vitamin thường được khuyến khích bổ sung để tăng cường hệ miễn dịch. Vì vitamin C hỗ trợ chức năng của các tế bào khác nhau trong cả hệ thống miễn dịch.

2.4. Giúp giảm triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Các chuyên gia khuyến khích người bị viêm khớp dạng thấp nên bổ sung rau bí vào chế độ ăn uống một cách thường xuyên. Vì loại rau này có chứa hàm lượng vitamin B6 cao mà hàm lượng vitamin B6 thấp có liên quan đến việc gia tăng các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp (RA), chẳng hạn như đau cơ và khớp.

2.5. Tốt cho xương và răng

Một trong những lợi ích của rau bí không thể không kể đến đó là tốt cho xương và răng nhờ có chứa canxi và photpho, đây là hai dưỡng chất cần thiết giúp răng và xương chắc khỏe.

Đối với sức khỏe của xương, canxi giúp xương chắc khỏe, phòng ngừa tình trạng loãng xương, giảm tình trạng đau nhức và khó khăn trong vận động, làm nhanh lành các vết nứt gãy trên xương.

Ngoài ra, canxi và phốt pho đều đóng một vai trò trong việc hình thành và duy trì sức khỏe răng miệng bằng cách hỗ trợ men răng, mật độ khoáng xương hàm và giữ răng đúng vị trí. Do đó, các khoáng chất và vitamin này cũng có thể giúp chữa lành sâu răng.

2.6. Tốt cho hệ tiêu hóa

Như đã đề cập trước đó, rau bí rất giàu chất xơ, kích thích nhu động ruột làm tăng co bóp để tống phân ra ngoài nên có thể phòng ngừa tình trạng táo bón. Nếu bạn duy trì chế độ ăn uống ít chất xơ, để tình trạng táo bón diễn ra thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ bị trĩ, viêm túi thừa đại tràng,...

2.7. Ngăn ngừa lão hóa sớm

Đồng có trong rau bí là một chất chống oxy hóa mạnh, hoạt động với sự có mặt của enzyme chống oxy hóa superoxide dismutase để bảo vệ màng tế bào khỏi các gốc tự do. Superoxide dismutase là một trong những chất chống oxy hóa mạnh nhất hoạt động trong cơ thể chống lại các gốc tự do.

Các gốc tự do tấn công nhiều hệ thống cơ quan, nhưng đặc biệt được nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của chúng đối với quá trình lão hóa, như nếp nhăn, đồi mồi, dễ mắc nhiều loại ung thư, thoái hóa điểm vàng và các vấn đề về thận.

2.8. Giảm nhẹ hội chứng tiền mãn kinh

Mangan có thể hữu ích để giảm các triệu chứng tiền mãn kinh như thay đổi tâm trạng, đau đầu, trầm cảm và cáu kỉnh. Rau bí là một trong những lựa chọn tuyệt vời để bổ sung lượng mangan cần thiết thông qua chế độ ăn uống hàng ngày.

3. Một số lưu ý khi ăn rau bí

Mặc dù rau bí mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng mọi người nên lưu ý một số điều khi ăn loại rau này:

- Lưu ý những phản ứng dị ứng, một số người có thể gặp phản ứng dị ứng với rau bí, đặc biệt là những người bị dị ứng với các loại thực vật khác trong họ bầu bí, chẳng hạn như dưa hoặc dưa chuột. Các triệu chứng có thể từ ngứa nhẹ hoặc phát ban đến các phản ứng nghiêm trọng hơn như khó thở hoặc sưng tấy.

- Những người bị sỏi thận nên hạn chế ăn loại rau này. Vì trong rau bí có chứa oxalat, có thể góp phần hình thành sỏi thận.

- Rau bí rất tốt cho hệ tiêu hóa nhưng nếu ăn quá nhiều loại rau này có thể gây ra các triệu chứng như đầy hơi và tiêu chảy.

Trong rau bí có chứa oxalat, có thể góp phần hình thành sỏi thận (Ảnh: ST)

Trong rau bí có chứa oxalat, có thể góp phần hình thành sỏi thận (Ảnh: ST)

4. Một số món ăn ngon, bổ dưỡng từ rau bí

Rau bí có thể được chế biến thành rất nhiều món ăn, dưới đây là một vài gợi ý về các cách chế biến rau bí phổ biến, đảm bảo vừa ngon lại bổ dưỡng.

4.1. Rau bí luộc

Đây là cách chế biến rau bí đơn giản, ngon miệng mà lại không gây ngấy, phù hợp với những người theo chế độ ăn uống "healthy". Cách làm rất đơn giản:

- Chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu: Rau bí đã được nhặt sạch, muối và nước

- Cách thực hiện: Đầu tiên, bạn cho một nồi nước lên bếp đun sôi (lượng nước tùy vào lượng rau mà bạn chuẩn bị). Sau đó cho rau bí cùng một chút muối vào nồi nước sôi để cho rau xanh. Bạn nên để nước ngập rau và không đậy vung. Đến khi rau sôi khoảng vài phút, bạn có thể nếm thử xem rau đã chín chưa thì có thể tắt bếp, vớt rau ra ngay sau đó và có thể thưởng thức.

Để tăng hương vị cho món rau bí luộc, mọi người nên pha thêm một bát nước mắm cho tỏi, chanh, ớt,...

4.2. Rau bí xào

Một món ăn được nhiều người ưa chuộng từ rau bí nhờ hương vị thơm ngon, kích thích vị giác, tăng cảm giác ngon miệng đó là món bí xào. Cách làm tương đối đơn giản:

- Chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu: Rau bí đã được nhặt sạch, tỏi, gia vị, thịt bò ướp gia vị sẵn.

- Cách thực hiện: Đầu tiên, bạn cho dầu ăn và tỏi vào chảo phi thơm. Sau đó xào thịt bò cho chín và bỏ ra 1 bát riêng. Tiếp tục, bạn cho rau bí vào xào đến khi gần chín đổ thịt bò vào xào cùng nhau. Nêm nếm gia vị và tắt bếp là bạn có thể thưởng thức.

Có thể nói, rau bí có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe và nên bổ sung 2-3 lần/tuần vào chế độ ăn uống. Ngoài rau bí, mọi người nên bổ sung nhiều loại rau lá xanh khác để đa dạng nguồn thực phẩm, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho cơ thể.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202309/gia-tri-dinh-duong-va-loi-ich-doi-voi-suc-khoe-cua-rau-bi-da619e4/