Giá trị phía sau một giải đấu

Giải bóng đá nữ quốc tế Hà Nội Cup T&T Group không chỉ mang ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024) mà đây còn là cơ hội để những đội bóng nữ của Việt Nam cọ xát, mở rộng phạm vi thi đấu ở tầm châu lục...

Giải đấu mang tầm quốc tế

Những hoạt động văn hóa, thể thao kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô đã và đang được tổ chức tại mảnh đất nghìn năm văn hiến. Bóng đá không phải là ngoại lệ. Trong guồng quay hối hả của V-League, một sự kiện thể thao dành cho bóng đá nữ vẫn được lên kế hoạch tổ chức quy củ và chỉn chu. Với sự phối hợp giữa Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, Liên đoàn Bóng đá Hà Nội, Tập đoàn T&T Group đã nhanh chóng bắt tay, quyết định tổ chức một giải bóng đá nữ mang tầm quốc tế.

Sự xuất hiện của 4 đội bóng, bao gồm 2 đại diện mạnh của Việt Nam (Thái Nguyên T&T, Hà Nội) và 2 câu lạc bộ (CLB) khách mời có trình độ (Manila Digger từ Philippines và Bắc Kinh của Trung Quốc) hứa hẹn hiện thực hóa nhiều mục tiêu. Thứ nhất, giải bóng đá này là dịp để mở rộng giao hữu, hợp tác thể thao giữa thủ đô các nước; tạo điều kiện để các đội bóng nữ quốc tế và Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực thi đấu. Thứ hai, giải đấu là cơ hội không thể tốt hơn trong việc quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội như một điểm đến giàu văn hóa, năng động và đam mê thể thao.

Giải đấu là cơ hội giao lưu văn hóa, thể thao... giữa các đội bóng.

Giải đấu là cơ hội giao lưu văn hóa, thể thao... giữa các đội bóng.

Thông qua giải đấu (khởi tranh từ ngày 3-10) và các hoạt động trải nghiệm văn hóa, du lịch... Hà Nội khẳng định được vai trò là một thành phố phát triển, hiện đại, nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện sự cởi mở, thân thiện và tinh thần hiếu khách của người dân Thủ đô tới bạn bè quốc tế. Sự xuất hiện của hoa hậu Đỗ Mỹ Linh trong vai trò đại sứ hình ảnh, cùng hoạt động bên lề đưa thành viên các đội tham quan danh lam thắng cảnh Thủ đô cũng mang đến ấn tượng tốt đẹp trong lòng các cầu thủ, ban huấn luyện và người hâm mộ quốc gia khác dành cho Hà Nội-mảnh đất địa linh nhân kiệt.

Cơ hội cho các cầu thủ nữ Việt Nam

Tất nhiên, giá trị lớn nhất của một giải bóng đá là các cầu thủ được thi đấu và tích lũy thêm kinh nghiệm. Điều đó lại càng quan trọng hơn với cầu thủ nữ Việt Nam. Số lượng trận đấu dành cho các cô gái thuộc cấp độ chuyên nghiệp cũng chỉ gói gọn trong 17 đến 19 trận đấu/năm (bao gồm 14 trận đấu tại giải vô địch quốc gia nữ và tối đa 5 trận tại Cúp Quốc gia nữ). Có chăng, trường hợp được thi đấu tại AFC Champions League như CLB nữ TP Hồ Chí Minh mới được tăng thêm về số trận cũng như mở rộng phạm vi đối thủ ở tầm châu lục.

Con số từ 17-19 trận trung bình như phân tích kể trên thực ra không ít nhưng cũng chưa thể đủ nhiều để thúc đẩy bóng đá nữ Việt Nam nói chung và đội tuyển nữ Việt Nam nói riêng lên tầm cao mới.

Giãi bày của hai huấn luyện viên (HLV) Văn Thị Thanh (Thái Nguyên T&T) hay HLV Đào Thúy Miện (Hà Nội) càng chứng minh cho khát khao được rèn giũa, thi đấu nhiều hơn nữa của bóng đá nữ Việt Nam. “Tôi rất mong có thêm những giải đấu quốc tế như thế này cho bóng đá nữ Việt Nam. Điều đó giúp cho các đội có thể học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm và trao đổi nhiều kiến thức chuyên môn. Thêm vào đó, không phải lúc nào các CLB nữ Việt Nam cũng được thi đấu với đội bóng nước ngoài. Đa phần chúng tôi chỉ chơi bóng ở giải nữ quốc gia. Các đội cũng biết quá rõ về nhau vì thường xuyên giáp mặt. Nhưng phải lên tầm đội tuyển quốc gia, với những chuyến tập huấn hay giải đấu thì các cầu thủ mới có dịp cọ xát với đối thủ nước ngoài”, Văn Thị Thanh, HLV bóng đá nữ Việt Nam đầu tiên có bằng chuyên nghiệp chia sẻ.

Tiếp lời đồng nghiệp, HLV Đào Thúy Miện nói: “Hà Nội chẳng lạ gì Thái Nguyên T&T. Nhưng để có dịp gặp các đối thủ nước ngoài, lại có trình độ cao như Manila Digger (Philippines), Bắc Kinh (Trung Quốc) thì hiếm có. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để các cầu thủ Hà Nội tích lũy kinh nghiệm, có thêm môi trường cọ xát để tối ưu năng lực đội bóng”.

Sau cùng, chia sẻ của ông Yu Yun, HLV đội Bắc Kinh FC mới thấy bóng đá nữ Việt Nam còn phải học hỏi Trung Quốc (nền bóng đá đang đứng trong tốp 20 bóng đá nữ thế giới) nhiều như thế nào. Ông nói: “Tại Trung Quốc, hệ thống giải bóng đá nữ được chia ra làm 4. Trong đó, giải vô địch quốc gia có tới 12 đội tham gia. Mỗi mùa, giải theo thể thức lượt đi và về, sân nhà-sân khách giúp các đội có 22 trận. Năm vừa rồi, Bắc Kinh đứng hạng 6. Đầu năm và cuối năm, 2-3 giải đấu nữa cũng sẽ được tổ chức. Mỗi giải quy tụ tới 16 đội tham dự. Nhờ vậy, số trận đấu của mỗi CLB nữ Trung Quốc có thể lên tới gần 40”.

40 trận/năm là một con số đạt tiêu chuẩn quốc tế, với cả cầu thủ chuyên nghiệp nam lẫn nữ. Bởi từ đó, các cầu thủ có thể phát triển về mặt thể chất, trình độ cũng như duy trì được phong độ đỉnh cao. Tất nhiên, ở tâm thế của mình, bóng đá Việt Nam, kể cả là cầu thủ nam lẫn nữ, chưa thể hướng tới con số kỳ vọng như trên nếu dựa vào hệ thống giải chuyên nghiệp... Giá trị phía sau của một giải đấu giao hữu nằm ở điều ấy!

Bài và ảnh: PHẠM MỸ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/gia-tri-phia-sau-mot-giai-dau-797342